Nguy cơ khó lường, Hà Nội cần có giải pháp kiểm soát dịch COVID-19 phù hợp

Kể từ khi đợt dịch COVID-19 lần thứ tư bùng phát đến nay, Hà Nội đã trải qua 180 ngày kiên cường, chủ động giữ an toàn cho địa bàn, đồng thời đang tích cực thiết lập trạng thái "bình thường mới".

Chú thích ảnh
Tất cả người vào bến xe Nước Ngầm đều phải kiểm tra thân nhiệt, ngày 23/10/2021. Ảnh minh họa: Hoàng Hiếu/TTXVN

Tuy nhiên, với đặc điểm dân số đông, lượng người nhập cư lớn, lại là đầu mối giao thông quốc gia, trung tâm giao lưu nên thời gian tới, Hà Nội cần chủ động, linh hoạt hơn nữa, có các giải pháp kiểm soát dịch phù hợp. Trao đổi về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) lưu ý, đối với Hà Nội, nguy cơ dịch vẫn rất cao, diễn biến phức tạp, khó lường, cần cảnh giác cao độ.
 
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu, thời gian tới, Hà Nội cần triển khai một số giải pháp chính như: Thực hiện nghiêm Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, thực hiện thích ứng, linh hoạt, kiểm soát dịch có hiệu quả… để thực hiện "mục tiêu kép"; thường xuyên xét nghiệm các đối tượng nguy cơ, vùng nguy cơ đặc biệt; xét nghiệm hàng ngày tất cả các trường hợp sốt, ho, khó thở… để phát hiện ổ dịch, khoanh vùng dập dịch kịp thời, đồng thời đánh giá nguy cơ đúng để có đáp ứng phù hợp.

Bên cạnh đó, người dân Hà Nội cần đi tiêm đầy đủ mũi 2 vaccine phòng COVID-19, đặc biệt là những người cao tuổi, người có bệnh nền. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu đặc biệt lưu ý, khi Hà Nội mở cửa thì số lượng người dân nhập cư, học sinh, sinh viên từ các tỉnh đổ về rất lớn. Trong khi đó, tại các tỉnh, số người được tiêm vaccine chưa nhiều nên Hà Nội cần quan tâm, đề phòng nguy cơ lây lan, bùng phát dịch từ những đối tượng này. Thêm vào đó, Hà Nội cũng cần có kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ em…

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu nêu ý kiến, Hà Nội nên xem xét áp dụng hình thức cách ly tại nhà, thu gọn cách ly tập trung, chuẩn bị cơ sở điều trị để không bị động trong trường hợp dịch bùng phát. Trong thời gian này, Hà Nội cần tập trung huấn luyện, đào tạo cho y tế cơ sở để đáp ứng với nhu cầu nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp; tiếp tục làm tốt công tác truyền thông, triển khai mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vì chỉ có ứng dụng công nghệ thông tin mới giải quyết được nhiều ách tắc, vướng mắc, tồn tại như trong thời gian vừa qua. Tiếp đó, Hà Nội cần có phương án thích ứng, linh hoạt trong đáp ứng phù hợp với hoạt động, ngành nghề, địa bàn để vừa phòng, chống dịch tốt và làm kinh tế hiệu quả, có phương án cho học sinh đến trường.

Nhấn mạnh vai trò quan trọng của người dân trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu, chỉ khi người dân thực hiện tốt thì các biện pháp phòng, chống dịch mới phát huy hiệu quả. Trong đó, người dân cần tiếp tục thực hiện thật tốt thông điệp “5K” để cắt đứt chuỗi lây nhiễm. Đồng thời, thành phố cần quản lý chặt người đi từ vùng dịch về, yêu cầu người dân nâng cao tính tự giác khai báo y tế, nâng cao tính tự quản ở khu dân cư thông qua việc tuyên truyền, động viên, tư vấn, nhắc nhở về ý thức phòng bệnh. Hà Nội cần tiếp tục bảo vệ thành quả phòng dịch ở các “vùng xanh”.

Hà Nội luôn là địa bàn có nguy cơ dịch bệnh rất cao vì đặc điểm là đầu mối giao thông quốc gia, trung tâm giao lưu với dân số đông, lượng người nhập cư lớn.  “Đến thời điểm này, dịch không bùng phát ở Hà Nội, kinh tế vẫn tăng trưởng, an sinh xã hội được đảm bảo, tôi cho đó là thành công lớn. Đạt được kết quả đó là do có sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, ngành y tế, các ngành của thành phố, sự ủng hộ của Trung ương và đặc biệt là sự ủng hộ, trách nhiệm, đồng lòng của người dân Thủ đô”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu khẳng định.

Đạt được kết quả đó là do Hà Nội đã đánh giá đúng tình hình, có phản ứng sớm, áp dụng biện pháp phù hợp, kịp thời nên luôn trong tư thế chủ động kiểm soát dịch bệnh. Mặc dù đại dịch COVID-19 là vấn đề y tế nhưng các giải pháp xử lý lại là một tổng thể. Nếu chủ quan, lơ là không đáp ứng đúng, phù hợp, kịp thời thì dịch bùng phát lên sẽ gây tổn thất nặng nề tới sức khỏe, tính mạng người dân. Tuy nhiên, nếu không dự báo đúng, lo sợ quá mà đáp ứng thái quá cũng gây ảnh hưởng tới phát triển kinh tế cũng như an sinh xã hội. 

Đánh giá về công tác phòng, chống dịch của Hà Nội trong đợt dịch lần thứ tư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu cho rằng, Hà Nội đã sớm nhận định nguy cơ nên đã kịp thời ban hành Chỉ thị riêng, mạnh dạn tạm dừng một số dịch vụ ăn uống, quán bar, karaoke… Việc áp dụng biện pháp này giúp dịch không bung ra ở Hà Nội. Có thể tại thời điểm đó, nhiều người dân không đồng tình, nhưng sau này lại được người dân ủng hộ và chấp nhận hy sinh quyền lợi của một số ngành nghề để đảm bảo phòng, chống dịch.

Ngay cả khi thực hiện giãn cách, Hà Nội cũng linh hoạt giãn cách theo đúng nguy cơ, áp dụng ở diện hẹp nhất có thể để không ảnh hưởng tới kinh tế và an sinh xã hội của người dân. Trong công tác xét nghiệm, Hà Nội đã sớm xét nghiệm tất cả các trường hợp ho, sốt trên địa bàn với mỗi ngày trên hàng ngàn trường hợp. Mặc dù đây là quy định của Bộ Y tế nhưng không phải địa phương nào cũng làm được. Chính việc xét nghiệm này đã giúp Hà Nội phát hiện dịch xảy ra tại tất cả các quận, huyện, từ đó nhận định được sự nguy cơ và có quyết định giãn cách phù hợp, không để dịch bùng ra toàn thành phố.

Một số giải pháp Hà Nội đã thực hiện thành công trong đợt dịch thứ tư cũng được Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu đánh giá cao như: xây dựng kế hoạch tiêm chủng bài bản, khoa học, nhanh chóng, tiêm cho cả người dân có hộ khẩu cũng như không có hộ khẩu trên địa bàn, tạo miễn dịch cộng đồng cao; xây dựng các tổ phòng, chống COVID cộng đồng, y tế cơ sở, các lực lượng địa phương mạnh, thực sự là “cánh tay kéo dài” của tuyến trên; hình thành nhiều đội đáp ứng nhanh tại các tuyến đặc biệt, các đội của CDC tuyến tỉnh, nhờ đó công tác truy vết, xét nghiệm, khoanh vùng, dập dịch của Hà Nội kịp thời; lập nhiều vùng xanh do người dân tự quản…

Công tác truyền thông của Hà Nội trong thời gian qua đã công khai, minh bạch các thông tin về dịch bệnh, nhất là thông tin về các ca bệnh, giúp người dân biết để vừa tự giác phòng, chống cho bản thân vừa giữ gìn cho cộng đồng.

Một kinh nghiệm về sự linh hoạt nữa của Hà Nội được Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu tâm đắc là trước khi thực hiện giãn cách, thành phố đều giao cho các ngành xây dựng phương án phù hợp nhất bảo đảm tính khoa học và tính thực tiễn, không ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội. Cũng như vậy, trước khi ban hành quyết định nới lỏng, bỏ giãn cách, thành phố Hà Nội cũng giao cho các ngành xây dựng phương án đảm bảo an toàn. Đến nay, chỉ có vấn đề giấy đi đường là người dân chưa đồng tình lắm. Tuy nhiên, người dân nên chia sẻ với thành phố Hà Nội vì công tác phòng, chống dịch COVID-19 chưa có tiền lệ, nhiều khó khăn, việc đòi hỏi 100% các biện pháp hoàn hảo là rất khó. Hơn nữa, Hà Nội cũng đã linh hoạt điều chỉnh ngay khi phát hiện vấn đề. 

Về cách tiếp cận của thành phố Hà Nội trong việc thiết lập trạng thái "bình thường mới", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu cho biết, đây là cách tiếp cận phù hợp, cần thiết. Hà Nội phải hòa nhịp với cả nước thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, nếu hòa nhịp sai sẽ dẫn tới tác động tiêu cực. Đặc biệt, Hà Nội phải lưu ý vấn đề phòng dịch, không phải quyết định nới lỏng là buông xuôi, thả lỏng hết. Nới lỏng để phục hồi và phát triển kinh tế nhưng đồng thời vẫn phải kiểm soát được dịch. 

Mấy ngày qua, người dân từ các vùng dịch về Hà Nội được phát hiện dương tính với virus SARS-CoV-2 tương đối nhiều. Trong lúc tỷ lệ tiêm vaccine mũi 2 còn thấp, thời gian tới người chưa tiêm từ nơi khác đổ về, miễn dịch cộng đồng cả nước chưa cao…, Hà Nội cần có giải pháp để kiểm soát chặt, không để dịch lại bùng lên. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu cũng nhấn mạnh kiểm soát dịch có giải pháp, có phương án chứ không phải là cấm, đưa ra quy định trái với Nghị quyết 128/NQ-CP để ảnh hưởng tới các địa phương khác.

Nguyễn Cúc (TTXVN)
Các doanh nghiệp khôi phục sản xuất phải bảo đảm kiểm soát dịch COVID-19
Các doanh nghiệp khôi phục sản xuất phải bảo đảm kiểm soát dịch COVID-19

Theo ông Nguyễn Nhật Trường, Trưởng ban Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Tiền Giang, hiện có 76/186 doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang được phê duyệt và đang hoạt động theo phương án “3 tại chỗ” với trên 17.000 lao động.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN