Người dân Hà Nội đồng lòng phòng, chống dịch

Sáng 19/7, tại nhiều tuyến đường Hà Nội vào giờ cao điểm đã vắng hơn những ngày trước. Người dân ra đường nghiêm chỉnh chấp hành việc đeo khẩu trang, giữ khoảng cách tốt nhất có thể...

Chú thích ảnh
Các loại hình kinh doanh không thiết yếu đều đóng cửa cho tới khi có thông báo mới. Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 trên địa bàn trên cả nước, ngày 18/7, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký ban hành Công điện số 15/CĐ-CTUBND về việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, trên địa bàn thành phố. Việc thành phố Hà Nội chủ động, linh hoạt áp dụng một số biện pháp theo Chỉ thị số 16/CT-TTg đã nhận được sự đồng thuận cao của người dân Thủ đô.

Tin tưởng vào các biện pháp của chính quyền

Theo ghi nhận của phóng viên TTXVN, sáng 19/7, lượng người di chuyển trên một số tuyến đường vốn có mật độ đông như Phạm Hùng, Tố Hữu, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Trãi đã giảm bớt. Khu vực chợ Bưởi trên đường Hoàng Hoa Thám (quận Tây Hồ) cũng không còn cảnh người dân đi mua cây hoa đông đúc như trước.

Tuyến đường Đào Tấn, Ngọc Khánh (quận Ba Đình) vào giờ cao điểm đi làm cũng vắng hơn những ngày trước. Người dân ra đường nghiêm chỉnh chấp hành việc đeo khẩu trang, giữ khoảng cách tốt nhất có thể. Tại khu vực hồ Hoàn Kiếm (quận Hoàn Kiếm), lực lượng công an và dân phòng luôn túc trực để nhắc nhở người dân không tập thể dục và đạp xe, thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch của thành phố.

Tại quận Long Biên, đường Cổ Linh, Đàm Quang Trung, phố Trạm đều vắng người qua lại, hàng ăn vẫn mở bình thường nhưng đều treo biển "bán mang đi". Các tuyến đường quanh chợ Thạch Bàn vẫn còn khá đông người tranh thủ đi mua hàng hóa từ sáng sớm. Tuy nhiên, chỉ một lúc sau đó, khu vực này nhanh chóng không còn tình trạng tập trung đông đúc.

Chị Vũ Thị Lanh (quận Cầu Giấy), chủ một cửa hàng cắt tóc, gội đầu cho biết, mỗi khi thành phố yêu cầu đóng cửa một số loại hình kinh doanh không thiết yếu, trong đó có dịch vụ cắt tóc, gội đầu, chị đều nghiêm chỉnh chấp hành cho dù thu nhập bị giảm đáng kể.

"Lần này dịch lây lan nhanh, số người nhiễm trên cả nước quá cao, đặc biệt là trong Thành phố Hồ Chí Minh nên Hà Nội quyết định như vậy là hoàn toàn chính xác. Mặc dù phải đóng cửa hơn 1 tháng để phòng, chống dịch nhưng tôi vẫn nhất trí với cách làm này. Mỗi người hy sinh một chút thì xã hội sẽ bình yên", chị Vũ Thị Lanh chia sẻ.

Có cùng suy nghĩ, chị Nguyễn Thu Vân, chủ quán phở trên đường Hoàng Như Tiếp (quận Long Biên) cho rằng, những đợt trước, chị sẽ đóng cửa hàng để chờ được mở cửa trở lại. Tuy nhiên, lần này, thấy nhiều người có nhu cầu mua về, chị đã mua thêm hộp nhựa để tiếp tục bán hàng.

"Thành phố vẫn cho mở cửa bán hàng mang về là quá tốt rồi. Tuy thu nhập không được như trước, nhưng với những người phụ thuộc phần lớn vào việc bán hàng theo ngày như chúng tôi thì đây là một cách thiết thực đảm bảo sinh kế cho người dân", chị Nguyễn Thu Vân nói.

Quyết tâm đảm bảo an toàn vì sức khỏe nhân dân

Chú thích ảnh
Người dân chỉ ra đường khi thật sự cần thiết. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Mặc dù Công điện số 15/CĐ-CTUBND của thành phố Hà Nội yêu cầu dừng tất cả hoạt động kinh doanh dịch vụ không thiết yếu, nhưng đã quy định cụ thể từng loại hình, lĩnh vực, cách thức hoạt động bảo đảm an toàn nhằm duy trì sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, bảo đảm sinh kế cho dân. Đây cũng là điểm riêng thể hiện sự chủ động, linh hoạt của thành phố trong vận dụng một số biện pháp theo Chỉ thị 16/CT-TTg.

Để đảm bảo sức khỏe cho người dân, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã yêu cầu tất cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cán bộ chủ chốt toàn thành phố phải nắm bắt ngay yêu cầu mới, bám sát địa bàn phụ trách, triển khai tổ chức thực hiện hiệu quả đến từng người dân. Đặc biệt, phải làm thật tốt công tác tuyên truyền để khơi dậy phong trào toàn dân, toàn diện phòng, chống dịch COVID-19; tuyên truyền để người dân bình tĩnh, không chủ quan, lơ là chống dịch, nhưng cũng không hoang mang, lo sợ thái quá.

Bên cạnh đó, để tránh hiện tượng găm hàng, đẩy giá lên cao, thành phố vẫn cho phép các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ dân sinh hoạt động, đồng thời tăng từ 30-50% lượng hàng thiết yếu phục vụ người dân. Do đó, người dân không nên mua gom hàng hóa, chỉ cần mua đủ dùng.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cũng kêu gọi người dân toàn thành phố tiếp tục đoàn kết, chung sức, chung lòng, ủng hộ và thực hiện nghiêm các biện pháp mới mà thành phố áp dụng, nhất là không tụ tập đông người; chỉ ra đường khi thực sự cần thiết và tuân thủ "5K" khi bắt buộc phải đi ra ngoài.

"Mọi chủ trương, biện pháp nếu không có sự đồng lòng, chấp hành từ người dân thì sẽ không có hiệu quả", Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.

Với những giải pháp phòng, chống dịch quyết liệt và đầy nhân văn của thành phố Hà Nội, cùng với sự chung sức, chung lòng của cán bộ và nhân dân, hy vọng rằng thành phố sẽ sớm khống chế đà lây lan của dịch, bảo vệ an toàn sức khỏe, nhân dân.

Nguyễn Cúc (TTXVN)
Sáng 19/7, Hà Nội ghi nhận 16 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 của 4 chùm ca bệnh
Sáng 19/7, Hà Nội ghi nhận 16 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 của 4 chùm ca bệnh

Sáng 19/7, Hà Nội tiếp tục ghi nhận thêm 16 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó, Công ty SEI (6 ca), chùm ca bệnh B8 Tân Mai (4 ca), chùm ca bệnh 90 Nguyễn Khuyến, Đống Đa (4 ca) và chùm 132 Bùi Thị Xuân (2 ca).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN