Hình thành thêm các "trung tâm mới"
Trước đây, người dân quen với quan niệm và hình ảnh Hà Nội chỉ có 4 quận nội đô là Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng. Các quận khác chỉ cách hồ Hoàn Kiếm khoảng 10 cây số cũng được xem là ngoại thành. Tuy nhiên, cùng với hệ thống hạ tầng huyết mạch quan trọng như cầu Vĩnh Tuy, Đại lộ Thăng Long (năm 2010) và sau đó là cầu Đông Trù (năm 2014), cầu Nhật Tân (năm 2016),... khoảng cách nhanh chóng bị thu hẹp. Khi hạ tầng thuận tiện, người dân Hà Nội ngày càng ưu tiên lựa chọn việc sinh sống tại các khu đô thị vệ tinh nằm xa trung tâm để tận hưởng tiêu chuẩn sống mới, tiện nghi, thoải mái và… dễ thở hơn, thay vì cố gắng chen chân tại 4 quận "lõi" nội thành với mật độ dân số dày đặc.
Xu hướng này thậm chí còn được đẩy nhanh và mạnh hơn khi Nghị quyết 15-NQ/TW có định hướng: "xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía Tây (vùng Hòa Lạc, Xuân Mai); xây dựng đô thị thông minh trên cơ sở phát triển khu vực hai bên trục Nhật Tân - Nội Bài; tập trung triển khai quy hoạch, đầu tư xây dựng, ổn định dân cư hai bên bờ sông Hồng và sông Đuống; quy hoạch phát triển không gian ngầm đô thị, không gian xanh và không gian công cộng". Như vậy, có thể hiểu thời gian tới Hà Nội sẽ có thêm các trung tâm đô thị mới.
Nằm trong định hướng đô thị khổng lồ sông Hồng, sông Đuống kéo dài tới 40 km từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở theo quy hoạch, nhiều quận, huyện của Hà Nội đang ấp ủ biến giấc mơ vùng đất bãi bồi thành tiềm năng lợi thế riêng có. Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch UBND quận Long Biên, Nghị quyết 15-NQ/TW định hướng sông Hồng là trục xanh như điểm tựa mới để địa phương tiến hành tái thiết, cải tạo cảnh quan vùng đất bãi.
"Cùng với định hướng của Bộ Chính trị, các đồ án quy hoạch phân khu đô thị đã được thành phố phê duyệt trước đó sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để địa phương lập quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, quản lý xây dựng theo quy hoạch trên địa bàn, hình thành các trục không gian đặc trưng hành lang xanh, với các chức năng chính: công trình công cộng, công viên cây xanh, văn hóa lịch sử, dịch vụ du lịch, giải trí…, góp phần cải thiện điều kiện sống kinh tế, xã hội của người dân theo hướng văn minh, hiện đại và phát triển bền vững, giàu bản sắc", ông Nguyễn Mạnh Hà chia sẻ.
Cho biết về kế hoạch của địa phương khi Nghị quyết 15-NQ/TW định hướng xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc (Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn), ông Lê Trung Kiên, Bí thư Huyện ủy Đông Anh vui mừng thông tin: Với lợi thế là địa phương "cửa ngõ của thế giới", lợi thế gần sân bay, tuyến đường giao thông huyết mạch kết nối vùng, Đông Anh đang nỗ lực triển khai các công việc theo định hướng. Trước hết, địa phương đang triển khai các công việc cuối cùng để đưa huyện thành quận vào năm 2023. Với các công trình xây dựng mới từ năm 2023 trở đi, căn cứ vào Nghị quyết 15-NQ/TW, Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo triển khai theo hướng hiện đại về công năng, đẹp về kiến trúc, đáp ứng tiêu chí là thành phố trực thuộc theo định hướng của Nghị quyết.
Còn ông Nguyễn Việt Hà, Bí thư Huyện ủy Gia Lâm chia sẻ, không chỉ quan tâm phát triển kinh tế, địa phương đã quán triệt tinh thần Nghị quyết 15-NQ/TW, xây dựng huyện theo hướng văn hiến, bản sắc, gìn giữ nét đẹp truyền thống, gắn với bảo vệ môi trường.
Trong bức tranh lớn ấy của Hà Nội, không thể thiếu những mảnh ghép quan trọng của hạ tầng. Theo UBND thành phố, từ nay đến năm 2030, Hà Nội đang triển khai 8 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài lên tới 318 km. Đáng nói, Hà Nội đã và đang triển khai kế hoạch xây dựng thêm 10 cầu vượt sông Hồng gồm: Cầu Mễ Sở, cầu Hồng Hà, cầu Thăng Long mới, cầu Tứ Liên, cầu Vĩnh Tuy 2... Năng lực vận tải và khả năng kết nối sẽ tăng gấp nhiều lần hiện tại, sẽ mở ra cơ hội kéo cư dân từ nội đô đến các đô thị mới, vệ tinh như định hướng.
Bên cạnh đó, thành phố có định hướng quy hoạch xây dựng khu vực nông thôn gắn với phát triển đô thị, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống; quy hoạch các làng nghề truyền thống, các cụm công nghiệp làng nghề kết hợp phát triển du lịch, kinh tế nông thôn. Khai thác hiệu quả các khu vực cảnh quan thiên nhiên đẹp và hấp dẫn của vùng nông thôn, kết hợp khai thác du lịch và các khu nghỉ dưỡng ngoại ô. Quy hoạch đồng bộ, tập trung thu hút đầu tư phát triển một số cụm du lịch: Ba Vì - suối Hai, Hương Sơn - Quan Sơn, núi Sóc - hồ Đồng Quan, Vân Trì - Cổ Loa...
Hà Nội phấn đấu đến hết năm 2023 cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng, năm 2026 cơ bản hoàn thành, từ năm 2027 đưa vào khai thác tuyến đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô.
Khoác "áo mới" cho đô thị lõi
Theo định hướng của Bộ Chính trị tại Nghị quyết 15-NQ/TW, trong thời gian tới, cùng với xây dựng, mở rộng các khu vực đô thị mới, thành phố Hà Nội cần tập trung cải tạo, chỉnh trang khu vực đô thị hiện hữu nhằm nâng cao chất lượng đô thị.
Quán triệt tinh thần trên, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết, trước nhất thành phố sẽ tập trung hoàn thành tổng kiểm tra, rà soát, kiểm định, đánh giá chất lượng toàn bộ các chung cư cũ bằng nguồn vốn ngân sách. Sau đó, lập kế hoạch cải tạo, xây dựng lại đối với các chung cư cũ đã có kết quả kiểm định. Trong đó, ưu tiên cải tạo, xây dựng lại trước 5 khu nhà nguy hiểm cấp D - cấp nguy hiểm cao nhất.
Để đẩy nhanh tiến độ, thành phố Hà Nội đã ủy quyền thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của UBND thành phố liên quan đến công tác cải tạo, xây dựng lại các nhà chung cư cũ. Theo đó, các quận nội thành đang gấp rút triển khai các nội dung theo phân cấp trong cải tạo chung cư.
Theo ông Tạ Nam Chiến, Chủ tịch UBND quận Ba Đình, quận đã có văn bản gửi thành phố cho phép quận tạm ứng kinh phí để tổ chức sửa chữa, bảo đảm đủ điều kiện bàn giao nhà tạm cư để phục vụ di dời khẩn cấp chủ sở hữu các chung cư cũ trên địa bàn. Trong đó, nguồn ngân sách ứng trước mắt cải tạo đơn nguyên 1, 2 nhà G6A Khu tập thể Thành Công; đơn nguyên 1, 3 tập thể Bộ Tư pháp… Bởi đây là những chung cư thuộc diện phải di dời khẩn cấp vì đã quá xuống cấp. Dự kiến, quận sẽ khởi công cải tạo chung cư cũ đầu tiên vào năm 2023.
Tại quận Đống Đa, ông Hà Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND quận cho biết, quận có 18 khu với 438 tòa chung cư cũ. Với quy hoạch phân khu nội đô lịch sử vừa được phê duyệt, quận coi cải tạo, xây dựng mới các khu chung cư cũ trên địa bàn quận vừa là nhiệm vụ chính trị cấp bách, vừa là cơ hội để quận nâng cấp diện mạo, cảnh quan, phát triển kinh tế đô thị.
Tiến sĩ, Kiến trúc sư Ngô Trung Hải, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch đô thị Việt Nam nhìn nhận, khi Hà Nội hoàn thành cải tạo, khoác "áo mới" cho các chung cư cũ vào năm 2030, sẽ giúp diện mạo đô thị khang trang hơn. Diện mạo đó cùng với các công trình quy mô, tầm vóc tại các đô thị mới, hạ tầng giao thông kết nối thông minh, sẽ tạo cho Thủ đô một không gian đô thị hiện đại.
Bài cuối: Đoàn kết lập nên kỳ tích sông Hồng