Khơi thông tuyến giao thông huyết mạch vành đai 2

Những ngày đầu tháng 9/2020, những ai qua lại trên đường Trường Chinh, Hà Nội không khỏi ngỡ ngàng trước sự thay đổi kỳ diệu của con đường vốn được coi là trọng điểm ùn tắc giao thông của Thủ đô.

Chú thích ảnh
Toàn cảnh dự án đường vành đai 2 nhìn từ trên cao. Ảnh: Trung Nguyên/Báo Tin tức

Không còn sự ngột ngạt oi nồng bởi khói bụi, không còn rào chắn thi công và dòng người xe chen chúc, một con đường trên cao hiện đại thẳng tắp che bóng mát cho người tham gia giao thông phía dưới. Tất cả những điều này mang lại ý nghĩa cho công trình đường vành đai 2 trên cao, một công trình giao thông trọng điểm được kỳ vọng sẽ giải quyết các điểm nóng ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố, tăng khả năng lưu thông của các phương tiện.

Với vai trò quan trọng của tuyến đường vành đai nhằm giảm áp lực giao thông cho khu vực trung tâm thành phố nhưng nhiều năm qua, tuyến vành đai 2 chạy từ Vĩnh Tuy - Minh Khai - Trường Chinh - Ngã Tư Sở trở thành một trong những điểm nóng nhất về ùn tắc giao thông của Thủ đô, là nỗi ám ảnh của người dân mỗi khi phải qua đây.

Để giải quyết điểm "nóng" ùn tắc giao thông này, từ năm 2012, các cơ quan chức năng của Hà Nội đã nghiên cứu dự án xây dựng đường vành đai 2, đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở nhưng sau 3 năm dự án vẫn “ì ạch giẫm chân tại chỗ”. Đến năm 2016, sau khi thành phố nghiên cứu sáp nhập 2 tiểu dự án vào làm một, dự án mới chính thức được khởi công, chấm dứt tình trạng “quy hoạch treo”, đáp ứng sự mong mỏi, chờ đợi của người dân trong khu vực.

Dự án xây dựng đường vành đai 2, đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở bao gồm cả tuyến đường bộ trên cao từ Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở kết hợp với mở rộng theo quy hoạch phần dưới thấp từ Vĩnh Tuy - Ngã Tư Vọng với tổng chiều dài 5,4 km. Dự án được thực hiện theo hình thức hợp tác công tư, loại hợp đồng BT; có tổng vốn đầu tư vào khoảng 9.400 tỷ đồng. Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư; UBND thành phố Hà Nội giao Tập đoàn Vingroup thực hiện.

Theo đó, đoạn tuyến mặt đất sẽ có chiều dài trên 3 km; điểm đầu kết nối với cầu Vĩnh Tuy, điểm cuối tại nút giao Ngã Tư Vọng. Sau khi hoàn thành, tuyến đường Minh Khai nhỏ hẹp hiện nay sẽ được mở rộng ra từ 53,5 - 63,5m với 6 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ; vỉa hè mỗi bên rộng từ 4 - 6m. Dải phân cách giữa rộng 4m dùng làm nơi bố trí trụ đường vành đai 2 trên cao.

Đoạn tuyến vành đai 2 trên cao có điểm đầu tiếp giáp phía Nam cầu Vĩnh Tuy; điểm cuối tiếp giáp với nút giao Ngã Tư Sở, phía đường Trường Chinh. Tổng chiều dài đoạn tuyến khoảng 5,1km; với các hạng mục: cầu chính (bề mặt 19m), cầu dẫn (bề mặt 7m) và các nhánh dẫn kết nối với đường bên dưới tại 3 vị trí là cầu Vĩnh Tuy, Ngã Tư Vọng và Ngã Tư Sở.

Đây là dự án đường trên cao đầu tiên ở Thủ đô sử dụng công nghệ thi công cầu bê-tông cốt thép trên đà giáo di động, đổ dầm trực tiếp và không phải vận chuyển dầm bê-tông bằng xe hạng nặng tới công trình.

Người dân và chuyên gia giao thông cho rằng để có được kết quả này, là do sự thay đổi mạnh mẽ trong cách làm của chính quyền thành phố. Bên cạnh đó, năng lực của nhà thầu cũng là yếu tố quan trọng giúp dự án đảm bảo tiến độ. Mặc dù quá trình thi công dự án gặp nhiều khó khăn về mặt bằng và địa hình chật hẹp, lại nằm trên trục đường có lưu lượng giao thông rất lớn nhưng sau hơn 2 năm thi công, dự án đang trong giai đoạn nước rút, dự kiến vượt tiến độ ít nhất 3 tháng.

Giám đốc dự án (của Liên danh nhà thầu Trung Nam E&C - Trung Chỉnh) Trần Văn Giầu cho biết, để đạt được kết quả vượt trội về tiến độ và chất lượng như hiện tại, nhà đầu tư đã mạnh mẽ sử dụng công nghệ và giải pháp thi công hiện đại nhất, lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam.

Đến nay, Tập đoàn Vingroup đã tổ chức thi công 11 gói thầu; trong đó, 5 gói thầu đã hoàn thành; gói thầu phá dỡ phục vụ giải phóng mặt bằng đoạn cầu Mai Động - Ngã Tư Vọng và 5 gói thầu xây lắp chính đang triển khai. Hoạt động thi công tại hiện trường được Tập đoàn Vingroup tập trung triển khai khi có mặt bằng sạch. Đoạn đường trên cao Trường Chinh đã hoàn thành 100%, nhà thầu đang gấp rút thi công đoạn Minh Khai - Đại La.

Theo Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội Phạm Hoàng Tuấn, hiện việc giải phóng mặt bằng đoạn từ cầu Mai Động đến Ngã Tư Vọng còn chậm ảnh hưởng đến tiến độ dự án, Ban quản lý dự án đã kiến nghị các địa phương liên quan cần quan tâm hơn nữa nhằm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng phục vụ thi công dự án, bảo đảm dự án hoàn thành đúng tiến độ.

Ông Đoàn Anh Tuấn sinh sống ở Khu tập thể Nhà máy Công Cụ trên đường Nguyễn Trãi khá bất ngờ về tiến độ Dự án đường Vành đai 2 đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở. Tuy nhiên, ông Tuấn cho biết, cả một tuyến đường đẹp thông thoáng như vậy nhưng lại phát sinh điểm nghẽn đoạn đường vành đai 2 trên cao tiếp giáp với nút giao thông Ngã Tư Sở.

“Ùn ứ giao thông tại đây diễn ra thường xuyên từ đầu đoạn dẫn từ nhánh kết nối đường trên cao xuống nút Ngã Tư Sở. Có buổi sáng sớm tôi chờ 3 chu kỳ đèn đỏ mới thoát được ra khỏi nút”, ông Đoàn Anh Tuấn chia sẻ.

Người dân Hà Nội còn nhớ khi đường vành đai 3 trên cao khánh thành đưa vào khai thác được kỳ vọng như một liều thuốc để giải quyết căn bệnh ùn tắc giao thông nan y tại đây. Nhưng niềm “vui ngắn chẳng tày gang” giờ đây tuyến đường vành đai 3, đoạn Khuất Duy Tiến lại là nỗi ám ảnh đối với những ai đi qua tuyến đường này bởi lưu lượng phương tiện dồn vào đây tăng chóng mặt trong khi làn đường phía dưới chật hẹp.

Mới đây, khi kiểm tra 2 dự án xây dựng tuyến đường bộ trên cao dọc đường vành đai 2 đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở, kết hợp mở rộng theo quy hoạch phần đi bằng đoạn từ Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Vọng và dự án đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai 3 đi thấp qua hồ Linh Đàm và nhánh kết nối với đường vành đai 3. Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đã đặc biệt lưu ý đến vấn đề kết nối giao thông, phát huy hiệu quả dự án.

Có thể nói, giờ đây cái tên "con đường đau khổ" thuộc tốp đầu của giao thông Hà Nội đang lùi vào dĩ vãng, vóc dáng một tuyến đường đẹp, hiện đại đang dần thành hình, tạo nên một hình ảnh mới về giao thông Thủ đô, vừa đẹp về mỹ thuật, bảo đảm chất lượng, từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông của thành phố. Để tuyến đường phát huy hiệu quả sau khi hoàn thành toàn bộ tuyến đường, ngành chức năng cần nghiên cứu vấn đề kết nối và tổ chức giao thông khoa học, hợp lý để tránh phát sinh điểm nghẽn ùn tắc giao thông tại đây.

Tuyết Mai (TTXVN)
Đường Vành đai 2 trên cao của Hà Nội trị giá 9.400 tỷ đồng lộ diện sau 2 năm thi công
Đường Vành đai 2 trên cao của Hà Nội trị giá 9.400 tỷ đồng lộ diện sau 2 năm thi công

Sau hơn 2 năm thi công, dự án đường vành đai 2 trên cao của Hà Nội (tổng vốn đầu tư 9.400 tỷ đồng) đã cơ bản hoàn thành đoạn từ Ngã Tư Sở đến Ngã Tư Vọng, với khối lượng thi công đạt trên 95%. Đoạn đường này nằm trong tổng thể Dự án đường vành đai 2-tuyến giao thông đường bộ nội đô khép kín của Hà Nội (có tổng chiều dài 43,6 km), chạy qua 8, quận, huyện: Long Biên, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Đống Đa, Ba Đình, Cầu Giấy, Tây Hồ, Đông Anh. Dự án gồm các hạng mục: Cầu chính (rộng 19 m), cầu dẫn (rộng 7 m) và các nhánh dẫn kết nối với đường bên dưới tại 3 vị trí là cầu Vĩnh Tuy, Ngã Tư Vọng và Ngã Tư Sở. Dự án có vai trò kết nối giao thông quan trọng giữa TP Hà Nội với các địa phương lân cận, góp phần hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng hiện nay trên các tuyến đường mà dự án đi qua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN