Khát vọng 'Rồng bay' - Bài cuối: Vươn tầm cao mới

Từ cổ xưa, vùng đất Đại La - Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội được coi là đất địa linh nhân kiệt, thế “rồng cuộn, hổ ngồi”, tụ khí hồn thiêng sông núi.

Vì thế, lịch sử Hà Nội luôn gắn liền với lịch sử hào hùng dựng nước và giữ nước của dân tộc. Trong mạch nguồn ấy, Hà Nội luôn mang trong mình tư thế trung tâm, đầu não của cả nước. Vì thế hơn bao giờ hết, Hà Nội luôn đặt khát vọng, quyết tâm xây dựng một hình ảnh Thủ đô giầu đẹp, văn minh ngang tầm trong khu vực.

Chú thích ảnh
Cầu cạn đã khép kín đồng bộ tuyến đường Vành đai 3 khu vực hữu ngạn sông Hồng. Ảnh: Trung Nguyên/Báo Tin tức

Khởi sắc bộ mặt đô thị 

Những ai đã từng xa Hà Nội cách đây khoảng 10 năm, nay trở lại sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay nhanh chóng của thành phố này. Ngay từ sân bay Nội Bài về nội đô, là tuyến đường rộng phằng lỳ với 4 tầng cây xanh quanh năm nở hoa cho thấy một hình ảnh Thủ đô thanh bình.

Tỏa đi các phố phường, quận huyện của Hà Nội bắt gặp hàng loạt các khu đô thị đẳng cấp khu vực như: Vinhome Riverside, RoyalCity, TimesCity, Mỹ Đình, Mỗ Lao, An Khánh, Gamuda, Ciputra với hạ tầng đầy đủ, từ siêu thị trường học, công viên cây xanh và hồ nước, là điểm nhấn cho một Thủ đô hiện đại, đang khởi sắc.

Cùng với đó, các tuyến đường giao thông hiện đại, tầm vóc đã và đang được xây dựng. Có thể kể đến như: Dự án đường vành đai 3 trên cao đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long đã hoàn thiện, kết nối thuận lợi hơn với các tỉnh Vĩnh Phúc và các tỉnh Tây Bắc; Tuyến đường Xa La – Nguyễn Xiển với 10 làn xe, rút ngắn thời gian di chuyển từ các quận, huyện ngoại thành phía Nam tới nội đô, giảm ắc tắc giao thông tại tuyến đường Phùng Hưng, Nguyễn Trải, Trần Phú – Kim Giang – Đường 70; Tuyến đường trên cao (vành đai 2) đoạn từ Ngã Tư Sở - Cầu Vĩnh Tuy đã cơ bản hoàn thiện và chuẩn bị thông xe tạo giúp cho việc di chuyển từ Hà Đông sang Long Biên được nhanh chóng hơn…

Ngoài ra, các cây cầu như: Nhật Tân, cầu Tứ Liên, cầu Trần Hưng Đạo sắp được triển khai sẽ trở thành những điểm nhấn kiến trúc, cảnh quan cho Thủ đô thời gian tới đây.

Những công trình trên ngoài tạo bộ mặt đô thị khang trang hơn, còn góp phần nâng cao chất lượng đời sống của người dân Thủ đô, tăng khả năng kết nối giữa Hà Nội với các tỉnh thành.

Mặc dù, đã gặt hái được nhiều thành quả trong xây dựng hạ tầng phục vụ đời sống của người dân, song Hà Nội cũng nhìn nhận còn nhiều vấn đề đang đặt ra. Đó là những khối chung cư cũ, xuống cấp nghiêm trọng đang làm xấu bộ mặt đô thị; tình trạng tắc đường; hạ tầng xã hội quá tải (dịch vụ y tế, cơ sở giáo dục, vui chơi giải trí, cấp điện, cấp nước, thoát nước…) đang ảnh hưởng tới chất lượng sống của người dân Thủ đô.

Do vậy, để sớm ổn định và xây dựng các chiến lược phát triển, tạo tiền đề thúc đẩy  kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Thủ đô, giải quyết các vấn đề tồn tại trong quá trình xây dựng đô thị thì việc thực hiện Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội là nhiệm vụ cấp bách cần được tiến hành.

Trước đó, tháng 7/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 1259/QĐ-TTg, phê duyệt đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây đang là căn cứ pháp lý cao và quan trọng nhất để Thủ đô mang tầm vóc mới trong tương lai.

Phát triển Thủ đô theo hướng đa cực – chùm đô thị vệ tinh

Theo đại diện Sở Quy hoạch – Kiến trúc thành phố Hà Nội, quy hoạch trên đã chỉ ra, Hà Nội phát triển theo cấu trúc đô thị từ "Đơn cực" sang "Đa cực"; Thủ đô Hà Nội - mô hình chùm đô thị vệ tinh, nhằm giảm tải căn bản một số chức năng đô thị đang bị dồn nén quá mức như hiện nay tại các khu quận trung tâm.

Theo đó, đô thị trung tâm phát triển đến Vành đai 4 cả hai bên sông Hồng. Còn lại là 5 đô thị vệ tinh: Hòa Lạc, Xuân Mai, Phú Xuyên, Sơn Tây, Sóc Sơn. Theo quy hoạch, đô thị trung tâm được phân cách bởi vành đai xanh, hành lang xanh, nêm xanh chiếm tới 70% diện tích tự nhiên của thành phố. Đất xây dựng đô thị phát triển tới gần 73.000ha vào năm 2020 và 94.700ha vào năm 2030, chiếm 23% diện tích tự nhiên, gấp 5 lần hiện nay.

Để thực hiện chỉ tiêu phát triển sau quy hoạch chung, Hà Nội đã có những bước đi bài bản với việc triển khai nghiên cứu hàng trăm đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch đô thị vệ tinh, thị trấn, khu trung tâm... từ đó làm cơ sở triển khai tiếp các đồ án quy hoạch chi tiết, dự án đầu tư phát triển.

Cũng theo lãnh đạo Sở Quy hoạch – Kiến trúc thành phố Hà Nội, định hướng phát triển đô thị khu vực nội đô lịch sử là khu vực bảo tồn các giá trị truyền thống cần hạn chế các công trình xây dựng cao tầng và hạn chế gia tăng mật độ xây dựng. Các dự án cải tạo các khu tập thể cũ, các khu công nghiệp sau khi di dời được chuyển đổi sang chức năng đô thị sẽ khống chế tầng cao và mật độ xây dựng phù hợp với từng khu vực cụ thể.

Còn chuỗi khu đô thị mở rộng khuyến khích phát triển nhà cao tầng để giảm mật độ xây dựng chung phục vụ cho các dịch vụ tiện ích, không gian xanh, không gian mở. Dự báo dân số cho 5 đô thị vệ tinh đến năm 2030 khoảng 1,3-1,4 triệu người. Mỗi đô thị vệ tinh có một hoặc nhiều chức năng đặc thù riêng để hỗ trợ, chia sẻ với đô thị trung tâm về nhà ở, đào tạo chất lượng cao, công nghiệp, dịch vụ...Đặc biết, các đô thị vệ tinh trên, đều được quy hoạch trở thành các đô thị văn minh, hiện đại.

Đáng chú ý, trong việc quy hoạch thành phố Hà Nội đã hướng tới đón “đại bàng” đến làm tổ từ các nước lớn tới đầu tư. Cụ thể, phía bắc sông Hồng gắn với sân bay quốc tế Nội Bài và hành lang kinh tế dọc quốc lộ 18A, quốc lộ 3 được phát triển công nghiệp, dịch vụ thương mại tài chính, dịch vụ du lịch với hạt nhân là khu đô thị Mê Linh-Đông Anh, Khu đô thị Đông Anh và Đô thị vệ tinh Sóc Sơn.

Cùng với định hướng trên, trong quy hoạch Thủ đô đã xác định giao thông phải đi đầu, với việc dành khoảng 20-26% quỹ đất đô thị để làm hạ tầng giao thông. Trong thời gian tới, thành phố ưu tiên xây dựng các nút giao thông cho các hướng có mật độ giao thông cao như hướng Bắc – Nam qua Quốc lộ 1, đường Bắc Thăng Long-Nội Bài, hướng Đông Tây qua đường 32. Quy hoạch thêm các cầu mới trên sông Hồng, sông Đuống và sông Đà để khép kín hệ thống đường vành đai và kết nối hệ thống đường xuyên tâm.

Các loại đường trong mạng lưới bao gồm đường cao tốc và các đường cảnh quan, sẽ được kết nối với nhau thông qua việc sử dụng các điểm giao cắt có rào chắn cũng như sử dụng thêm các bùng binh hiện đại. Dọc theo đường cảnh quan trong hành lang xanh, hay còn gọi là trục Bắc – Nam, có 3 điểm giao cắt với Quốc lộ 6, Đại lộ Thăng Long và Quốc lộ 32 nối với 3 đô thị vệ tinh phía tây hành lang xanh: Sơn Tây, Hòa Lạc và Xuân Mai.

Dự thảo Báo cáo chính trị trình Ðại hội Ðảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ 17 xác định, tập trung xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố Xanh – Văn hiến – Văn Minh - Hiện đại, trên nền tảng phát triển bền vững. Điều này cho thấy, Hà Nội trong tương lai sẽ phát triển năng động và hiệu quả, là biểu tượng cho cả nước, đóng vai trò trung tâm hành chính- chính trị quốc gia, trung tâm lớn của quốc gia về văn hoá - khoa học – giáo dục - kinh tế, một trung tâm du lịch và giao dịch quốc tế có tầm khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Thủ đô Hà Nội sẽ là nơi có môi trường sống tốt nhất, sinh hoạt giải trí với chất lượng cao và có cơ hội đầu tư thuận lợi.

Những ngày này, Hà Nội đang hội hân hoan kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội, chào mừng Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII và 66 năm ngày Giải phóng Thủ đô. Những thành quả và định hướng trên sẽ là động lực để Thủ đô có một tầm vóc mới trong to đẹp hơn, đoàng hoàng hơn, để “dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội” như lời bài hát của nhạc sỹ Hoàng Hiệp.

Mạnh Khánh - Văn Cảnh (TTXVN)
Khát vọng 'Rồng bay' - Bài 4: Hội nhập quốc tế sâu rộng, bền vững
Khát vọng 'Rồng bay' - Bài 4: Hội nhập quốc tế sâu rộng, bền vững

Những ngày đầu tháng 10, có mặt tại sân bay Nội Bài mới nhận thấy rõ sự chủ động hội nhập quốc tế hiệu quả của Thủ đô Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN