Huyện Gia Lâm (Hà Nội) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao

Sáng 15/1, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài đã tới dự buổi lễ công nhận Huyện Gia Lâm đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023. Đây là niềm vinh dự và tự hào của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trên địa bàn huyện.

Chú thích ảnh
Ảnh tư liệu: Trung Nguyên/Báo Tin tức

Phát biểu tại buổi lễ, bà Đặng Thị Huyền, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm cho biết, hiện nay, Gia Lâm là huyện thứ hai của Hà Nội xây dựng thành công huyện nông thôn mới nâng cao. Huyện đang thực hiện đồng bộ rất nhiều các giải pháp; trong đó, đẩy nhanh hoàn thiện hệ thống hạ tầng khung, phấn đấu xây dựng huyện Gia Lâm thành quận vào năm 2025.

Sau 5 năm thực hiện, từ huyện được công nhận Huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018, đến nay huyện Gia Lâm đã có 20/20 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (đạt 100%) và 7/20 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (đạt 35%); 2 thị trấn Yên Viên, Trâu Quỳ đạt chuẩn đô thị văn minh. Ngày 16/12/2024, huyện Gia Lâm đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận Huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023, tại Quyết định số 1574/QĐ-TTg. Về Gia Lâm hôm nay, thật khó có thể tưởng tượng nơi trước đây là vùng nông thôn thuần túy, nay đã mang dáng dấp của một đô thị văn minh, hiện đại.

Quá trình thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, xác định quy hoạch phải đi trước một bước nên huyện đã chỉ đạo các đơn vị cùng các xã trên địa bàn triển khai theo hướng: Đối với vùng đã được Quy hoạch đô thị, triển khai đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, các khu nhà ở, khu đô thị, khu chức năng...; cải tạo chỉnh trang các điểm dân cư hiện hữu đạt chuẩn đô thị theo định hướng quy hoạch phân khu đô thị được duyệt gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu và đầu tư xây dựng huyện thành quận. 

Đối với vùng được định hướng mở rộng phát triển đô thị, triển khai xây dựng các công trình thiết chế công, hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung đáp ứng tiêu chuẩn đô thị; thực hiện công tác bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống tại các khu vực làng cổ, làng nghề trên địa bàn,...

Bên cạnh đó, huyện đầu tư mạnh mẽ cho hạ tầng, giao thông: 100% các tuyến đường được nhựa hóa, bê tông hóa, có hệ thống biển báo, bảo đảm kết nối liên xã, liên vùng và giữa các vùng nguyên liệu tập trung, phù hợp với quá trình đô thị hóa. Hệ thống thủy lợi được đầu tư, nâng cấp, bảo đảm phục vụ nhu cầu tưới tiêu, đáp ứng kịp thời cho sản xuất của nhân dân. Mạng lưới điện của huyện được đầu tư hiện đại theo tiêu chí linh hoạt, thông minh, có mức độ tự động hóa cao; 411 km hệ thống chiếu sáng trên địa bàn các xã, thị trấn được đầu tư đồng bộ; 100% đường ngõ xóm rộng trên 2m đều có điện chiếu sáng...

Các trường học trên địa bàn được đầu tư nâng cấp, xây mới theo hướng hiện đại, bảo đảm cho công tác dạy và học. Trên địa bàn huyện hiện có 81 trường mầm non, tiểu học, THCS công lập, tỷ lệ trường chuẩn quốc gia đạt 96,2%, trong đó có 28 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2; 4/4 trường THPT công lập trên địa bàn huyện đạt chuẩn quốc gia (trong đó Trường THPT Dương Xá đạt chuẩn mức độ 2); chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao.

Công tác y tế, văn hóa được chú trọng; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn huyện đạt 95,9%. Toàn huyện có 8/20 xã có Trung tâm Văn hóa - Thể thao cấp xã; 100% thôn, tổ dân phố có Nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng, điểm vui chơi công cộng… Đặc biệt, 300 điểm được lắp đặt các thiết bị thể dục thể thao ngoài trời đáp ứng tốt các nhu cầu sinh hoạt văn hóa, thể thao của cộng đồng dân cư.

Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Gia Lâm đã thực hiện tốt quy hoạch vùng sản xuất với các vùng chuyên canh tập trung, như: vùng sản xuất rau an toàn, lúa nếp cái hoa vàng, hoa, cây cảnh, cây ăn quả... Hiện toàn huyện có 2.106 ha diện tích trồng hoa, cây cảnh và cây ăn quả; 515,7 ha sản xuất rau, quả theo tiêu chuẩn VietGAP; 12 sản phẩm được bảo hộ nhãn hiệu tập thể...

Đến hết năm 2024, toàn huyện có 135 sản phẩm được công nhận OCOP. Công tác vệ sinh môi trường và chất lượng sống khu vực nông thôn được chú trọng; rác thải, nước thải được thu gom; ao hồ được kè bờ cải tạo, trồng hoa, tạo cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp. An ninh, trật tự trên địa bàn được giữ vững. Đặc biệt, huyện đang tập trung nguồn lực để tăng sức bật nhằm sớm đưa Gia Lâm trở thành quận "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại".

Nam Giang (TTXVN)
Huy động 210.000 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới năm 2025
Huy động 210.000 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới năm 2025

Theo Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2025, tỉnh Đồng Nai quyết tâm huy động sức mạnh cả hệ thống chính trị và toàn xã hội vào công cuộc xây dựng nông thôn mới. Năm 2025, Đồng Nai dự kiến huy động hơn 210.000 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN