Hình ảnh và thông tin lan truyền là tại đập dốc Bồ, xã Lưu Hoàng. Vị trí này nước đang tràn qua đập trên dốc nối trục đường 21B đi xã Hồng Quang. Lực lượng chức năng đang tập trung ứng phó, đắp tải cát để bảo vệ những điểm xung yếu do nước dâng từ hệ thống sông Đáy.
Lực lượng Công an huyện, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Ứng Hòa đang ứng trực 24/24 giờ và đã trực tiếp tham gia khắc phục ngay các sự cố và đề phòng tại các điểm đê, kè, đập xung yếu. Đồng thời chỉ đạo lực lượng công an, dân quân tự vệ các xã, thị trấn xử lý các sự cố gây mất an toàn trên các tuyến đường giúp người dân vùng bị ngập úng di dời phương tiện, tài sản đến nơi an toàn.
UBND thành phố Hà Nội cho biết, tính đến sáng 13/9, các công ty thủy lợi đã vận hành cửa phải của hồ điều hòa như Đống Đa, Bảy Mẫu, Đầm Chuối… và các trạm bơm đầu mối Yên Sở, Đồng Bông 1, Đồng Bông 2, Cổ Nhuế…; vận hành điều tiết đóng, mở đập Thanh Liệt hỗ trợ tiêu úng cho khu vực ngoại thành. Các đơn vị đang vận hành 94 trạm bơm tiêu với 408 máy bơm, tổng lượng bơm tiêu khoảng 1.529.000 m3/h.
Thống kê sơ bộ trong đợt thiên tai này, 66.608 người và 4.845 lượt phương tiện đã được huy động để ứng phó.
Công tác di dời dân cũng đang được thành phố chú trọng. Đến ngày 13/9, thành phố đã khẩn trương triển khai di rời khoảng 73.721 người dân tại các địa bàn có nguy cơ bị ảnh hưởng do mưa, lũ.
Về úng ngập khu vực đô thị, theo báo cáo của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên thoát nước Hà Nội, từ ngày 9/9 đến 12/9, xuất hiện 50 vị trí úng ngập trong lúc mưa. Đến 11 giờ 30 phút ngày 12/9 còn 12 vị trí úng ngập: Lưu vực Cầu Bây 5 vị trí (gầm chui xe lửa Thiên Đức, Hoa Lâm, Vũ Xuân Thiều, Đức Giang, Ngọc Lâm); lưu vực Nhuệ 7 vị trí (ngõ 89 Lạc Long Quân, Võ Chí Công, 5 điểm Đại lộ Thăng Long).
Ban Chỉ huy Tìm kiếm cứu nạn và Phòng, chống thiên tai thành phố đang chỉ đạo các ngành, đơn vị, địa phương thường xuyên theo dõi, nắm bắt thông tin về việc xả lũ các hồ chứa thủy điện thượng nguồn, lũ lớn trên các tuyến sông; thông báo liên tục cho người dân ở những vùng thấp, trũng có khả năng bị ngập hoặc có nguy cơ bị sạt lở biết để chủ động phòng tránh; không để người dân đến những khu vực bị ngập, có nguy cơ sạt lở. Các ngành, đơn vị chủ động rà soát, sẵn sàng các phương án di dời người dân, di chuyển tài sản đến nơi an toàn khi cần thiết; xác định các khu vực nguy hiểm, khu vực có địa hình trũng, thấp dễ xảy ra ngập sâu, cô lập, khu vực sát bờ sông, nguy cơ sạt lở nguy hiểm, khu vực bãi giữa sông Hồng, lên danh sách các hộ dân cần di dời. Các đơn vị, địa phương chuẩn bị các điểm đưa người dân đến an toàn, đảm bảo đủ chỗ ở, lương thực, nước uống, thuốc men. Lực lượng chức năng hướng dẫn người dân nắm rõ quy trình, thao tác khi có lệnh di dời; kiên quyết triển khai phương án di dời, đảm bảo an toàn đối với người dân; phân công cán bộ phụ trách từng khu vực, hộ gia đình cần di dời, đảm bảo không bỏ sót người dân.
Chủ đầu tư các công trình đang thi công trên sông, ven sông, các chủ phương tiện vận tải thủy chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người, phương tiện, thiết bị và công trình; rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn cho các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên sông, hoạt động sản xuất kinh doanh, khai thác khoáng sản, sản xuất nông nghiệp nơi bãi sông…; chủ động thu hoạch hoa màu ở những vùng bãi thấp, trũng có nguy cơ bị ngập lũ.
Các địa phương, đơn vị thường xuyên kiểm tra hoạt động của các đò ngang, đò dọc, các phương tiện nổi trên sông để đảm bảo an toàn cho người, phương tiện; cần thiết tạm ngừng hoạt động để đảm bảo an toàn. Các đơn vị có phương án bảo vệ tài sản, kho tàng, hàng hóa của Nhà nước và nhân dân ở những vùng có khả năng bị ảnh hưởng của lũ; di chuyển chất dễ cháy, nổ, hóa chất độc hại ra khỏi vùng bãi sông; đảm bảo an toàn về điện.