Hà Nội triển khai nhiều giải pháp kiểm soát ô nhiễm không khí

Trước tình trạng ô nhiễm không khí liên tục tăng, Hà Nội đang tập trung nguồn lực triển khai các giải pháp kiểm soát ô nhiễm không khí; kiểm soát các hoạt động có phát sinh khí thải, bụi trong thời điểm thời tiết giao mùa. UBND thành phố chỉ đạo các ngành, cấp tăng cường kiểm tra, giám sát, không để xảy ra tình trạng đốt rơm rạ, đặc biệt tại các khu vực gần quốc lộ, tỉnh lộ, sân bay Nội Bài.

Chú thích ảnh
Khói mù bao trùm khu vực Trung Hòa (Hà Nội). Ảnh tư liệu: Hoàng Hiếu/TTXVN

Cùng với các biện pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động đốt rơm rạ, Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp danh sách các huyện có tỷ lệ đốt rơm rạ cao, gửi về UBND thành phố để đăng tải công khai trên Cổng Thông tin điện tử thành phố. Mặt khác, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội chủ trì, phối hợp với các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương tham mưu UBND thành phố cơ chế, chính sách khuyến khích và hỗ trợ các mô hình sản xuất kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế sử dụng rơm rạ làm nguyên liệu đầu vào của quá trình sản xuất hàng hóa, đáp ứng nhu cầu của thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế, đồng thời, góp phần tiêu thụ rơm rạ phát sinh sau thu hoạch.

Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, đề xuất các công nghệ phù hợp phục vụ việc thu gom, vận chuyển cùng các biện pháp để xử lý rơm rạ theo hướng thân thiện môi trường, đảm bảo sức khỏe cộng đồng.

Những năm qua, cùng với quá trình đô thị hóa, mở rộng thành phố, Hà Nội đã trở thành một trong 17 đô thị lớn nhất thế giới và đang phải đối mặt những tác động tiêu cực do ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống và phát triển bền vững. Trong khi đó, việc quy hoạch phát triển thành phố còn chưa đồng bộ, thiếu lồng ghép các giải pháp môi trường và hạn chế trong hiểu biết của các cộng đồng dân cư đang là những thách thức không nhỏ đối với Hà Nội. 

Nguyên nhân gây ô nhiễm không khí tại Hà Nội là do thời tiết giao mùa. Vào mùa Hè, mưa nhiều, nhiệt độ cao, gió mạnh... nên các nguồn khí thải ô nhiễm được phát tán khiến nồng độ bụi không khí ở mức thấp. Còn vào mùa Đông, ít gió, trời ít mưa kèm theo những ngày nghịch nhiệt khiến khí thải không thể khuếch tán mà tích tụ lại thành sương mù. 

Đáng chú ý, tình trạng người dân đốt rác thải, đốt rơm rạ vẫn còn diễn ra rất phổ biến. Các nguồn phát thải từ các cơ sở sản xuất, khu công nghiệp, làng nghề; bụi đường, công trình xây dựng, phương tiện giao thông… hiện chưa được kiểm soát tốt. 

Qua thống kê, Hà Nội có 7,8 triệu phương tiện tham gia giao thông, chưa kể xe từ các tỉnh, thành liên tục ra vào Thủ đô. Nhiều xe máy đã cũ, bộ phận hỏng hóc vẫn được sử dụng, liên tục thải khói đen ra môi trường. Chính khói bụi từ ô tô, xe máy đã khiến cho tình hình ô nhiễm càng trở nên nghiêm trọng. 

Mới đây, tại hội thảo "Quản lý chất lượng không khí cho thành phố Hà Nội - Từ cam kết đến hành động" do UBND thành phố phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức, các chuyên gia cho rằng, để giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí một cách nghiêm túc đòi hỏi cách tiếp cận có sự phối hợp giữa các tỉnh lân cận dưới sự chủ trì của Hà Nội. Ngân hàng Thế giới sẵn sàng tăng cường các cam kết hỗ trợ thành phố giải quyết các vấn đề môi trường để xây dựng một Thủ đô xanh, sạch, đẹp; đồng thời đưa ra 5 giải pháp nhằm cải thiện chất lượng không khí cho Hà Nội. 

Trước hết, Hà Nội cần thực thi hiệu quả lệnh cấm đốt rác, phế phẩm nông nghiệp ngoài trời, hỗ trợ quản lý tốt hơn phế thải nông nghiệp và có các biện pháp giảm bụi đường phố; củng cố, thực thi các tiêu chuẩn kiểm soát khí thải xe máy, thúc đẩy giao thông công cộng và đẩy mạnh phát triển xe điện, có thể hình thành các khu vực kiểm soát phát thải (phát thải thấp) trong thành phố. Thành phố xây dựng chiến lược quản lý chất thải bền vững để đảm bảo loại bỏ việc đốt rác ngoài trời, tăng tỷ lệ thu gom, phân loại, tái chế, thu hồi khí mê tan tại các bãi chôn lấp và tăng tỉ lệ làm phân hữu cơ; giải quyết nguồn phát thải amoni từ hoạt động nông nghiệp, sử dụng phân bón vô cơ và hoạt động chăn nuôi. Đây là một phần quan trọng trong kế hoạch quản lý không khí. 

Đặc biệt, Hà Nội phải "thắt chặt" tiêu chuẩn phát thải cho các nhà máy điện và ngành công nghiệp, tăng tỉ lệ năng lượng tái tạo, phù hợp với cam kết của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tại COP 26 về đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050; hỗ trợ giảm sử dụng than đá và sinh khối tại các làng nghề.

Linh Khánh (TTXVN)
Một số khu vực của Hà Nội có chỉ số ô nhiễm không khí ở mức nguy hiểm
Một số khu vực của Hà Nội có chỉ số ô nhiễm không khí ở mức nguy hiểm

Sáng 28/12, theo ứng dụng PAM Air (mạng lưới quan trắc môi trường không khí độc lập đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam phủ rộng tại 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam, do Công ty Cổ phần tư vấn và tích hợp công nghệ D&L quản lý), chất lượng không khí một số khu vực của Thủ đô Hà Nội ở mức nguy hiểm tới sức khỏe. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN