Tạo bộ mặt mới cho đô thị
Xuân La là một trong ba phường được quận Tây Hồ lựa chọn làm điểm phường đạt chuẩn đô thị văn minh. Theo ông Nguyễn Đình Hà, Chủ tịch UBND phường Xuân La, đến nay phường cơ bản đạt gần hết các tiêu chí, do vậy phường đang nỗ lực hoàn thành để sớm được công nhận. Để triển khai tốt các tiêu chí của phường đạt đô thị văn minh, Xuân La tích cực phát huy vai trò Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phường trong việc xây dựng phường đạt chuẩn đô thị - văn minh; đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; phát huy vai trò Hội Cựu chiến binh trong phối hợp tuyên tuyền, tham gia lực lượng bảo vệ an ninh trật tự; các tổ dân phố tuyên truyền, đảm bảo trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, xây dựng tuyến ngõ xanh, sạch đẹp, ứng xử nơi công cộng…
Đối với các tiêu chí chưa đạt, phường Xuân La sẽ tiếp tục chỉ đạo và thực hiện, giữ vững các tiêu chí đã đạt được, đưa nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng đời sống văn hóa, nếp sống văn minh đô thị thành phong trào, nội dung cuộc vận động, buổi sinh hoạt thường kỳ của các tổ chức đoàn thể. Đồng thời, Xuân La phát huy vai trò tự quản, thực hiện tốt các tiêu chí xây dựng phường đạt chuẩn đô thị văn minh.
Theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, việc xây dựng đô thị văn minh sẽ mang lại những lợi ích thiết thực nhằm phát huy tinh thần sáng tạo, đoàn kết của nhân dân trong phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, chăm lo sự nghiệp giáo dục, y tế, giữ gìn vệ sinh môi trường, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân… Thông qua đó, cũng phát huy dân chủ, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền, nhất là hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh.
Không chỉ có quận Tây Hồ, các địa phương khác trên địa bàn Hà Nội cũng đẩy mạnh xây dựng đô thị văn minh theo các tiêu chí được đặt ra. Tại Long Biên, trong nhiều năm qua, cùng với phát triển kinh tế - xã hội, công tác xây dựng đô thị văn minh hiện đại được quận xây dựng kế hoạch, hướng dẫn các phường đăng ký xây dựng phường đạt chuẩn đô thị văn minh. Mới đây, quận Long Biên hướng dẫn 2 phường Việt Hưng và Giang Biên xây dựng hồ sơ phường đạt chuẩn đô thị văn minh. Quận đã thành lập Hội đồng thẩm định và đánh giá việc triển khai trong 2 năm đối với 2 phường. 100% người dân trên địa bàn hài lòng và đồng tình với chủ trương, kết quả xây dựng phường đạt chuẩn đô thị văn minh.
Nhìn chung, công tác xây dựng đô thị văn minh được triển khai đồng bộ, đạt nhiều kết quả, bộ mặt đô thị quận ngày càng văn minh, hiện đại. Long Biên đang trở thành quận đáng sống với nhiều công trình văn hóa như, công viên, vườn hoa, các thiết chế văn hóa, hệ thống đường giao thông được đầu tư đồng bộ, ý thức chấp hành giao thông, vệ sinh môi trường của người dân ngày càng nâng cao.
Nâng cao trách nhiệm
Với vị trí là quận trung tâm của Hà Nội, Ba Đình đang thực hiện các tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh. Trong quá trình thực hiện, quận thường xuyên rà soát các tiêu chí khó, tập trung giải quyết, vận động cán bộ, nhân dân ủng hộ. Các tiêu chí về bảo vệ môi trường, xử lý rác thải, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội là áp lực lớn để đạt chuẩn đô thị văn minh. Do vậy, quận đã đẩy mạnh tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, tập trung vào nội dung bảo vệ môi trường “Xanh - Sạch - Đẹp”, vận động người dân thu gom, phân loại rác thải gia đình, hạn chế sử dụng túi nylon.
Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin quận Ba Đình Lê Thị Khanh cho biết: Nhiều đơn vị đã giao chỉ tiêu cụ thể đối với từng tổ dân phố, phân công đảng viên, trưởng các đoàn thể, tổ liên gia tự quản phụ trách nhóm hộ, thường xuyên giám sát, nắm bắt kịp thời, tháo gỡ khó khăn. Bên cạnh đó, bám sát định hướng quy hoạch Thủ đô, quận Ba Đình đã bố trí nguồn ngân sách kết hợp xã hội hóa để đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp công trình công cộng, đường giao thông, đèn chiếu sáng, thiết chế văn hóa, thể thao…
Tiêu chí giao thông trong xây dựng đô thị văn minh cũng đặc biệt được chú trọng bởi liên quan trực tiếp đến bộ mặt của đô thị. Dù đường phố đô thị theo quy định chỉ sử dụng cho mục đích giao thông, tuy nhiên, nhiều tuyến đường trên địa bàn Thủ đô đang thực hiện nhiều chức năng và các hoạt động đa dạng. Vì vậy, việc quản lý, khai thác để phục vụ nhu cầu giao thông, đảm bảo an ninh trật tự và văn minh đô thị đang được mọi người quan tâm.
Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Trần Hữu Bảo, việc phối hợp các ngành, lực lượng chức năng nhằm duy trì, quản lý và sử dụng hệ thống giao thông đường phố một cách hiệu quả, phục vụ nhu cầu giao thông, đảm bảo an ninh trật tự, văn minh đô thị và đáp ứng được các yêu cầu về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội là cần thiết, mới có thể đáp ứng được các chỉ tiêu đánh giá đô thị văn minh theo đúng quy định.
Để đạt được mục đích đề ra, các cơ quan, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia xây dựng đô thị văn minh, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của Thủ đô.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh cho rằng, các đơn vị, địa phương cần tổ chức thực hiện các tiêu chí xây dựng đô thị văn minh tại địa phương và bố trí nguồn lực để thực hiện. Việc thực hiện tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh cần lồng ghép với nội dung các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới”, cùng các cuộc vận động, phong trào khác theo phương châm lồng ghép chặt chẽ, có mục tiêu, kế hoạch cụ thể, rõ ràng.
Một Thủ đô văn minh, hiện đại hội tụ nhiều yếu tố và thành phố Hà Nội đang nỗ lực trên con đường xây dựng. Việc xây dựng đô thị văn minh đang được thành phố nỗ lực từng ngày để tạo thêm diện mạo mới cho Thủ đô, để Hà Nội ngày càng văn minh, hiện đại hơn.