Hà Nội: Tăng nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm

UBND thành phố Hà Nội cho biết, trong quý I/2022, vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước, thu hút đầu tư nước ngoài đạt 513,1 triệu USD.

Thành phố tập trung chỉ đạo, đôn đốc các chủ đầu tư, các đơn vị thi công tăng cường nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án trọng điểm.

Chú thích ảnh
UBND thành phố Hà Nội cho biết, trong quý I/2022, vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh minh họa: TTXVN

Cụ thể, vốn đầu tư phát triển trên địa bàn thành phố quý I/2022 ước tính đạt 76,3 nghìn tỷ đồng, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: vốn Nhà nước đạt 25,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 33,6% tổng vốn đầu tư và tăng 10,1%; vốn ngoài nhà nước đạt 45,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 59,4% và tăng 6,7%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 5,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 7% và tăng 6,7%...

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý tháng 3 ước tính đạt 2.978 tỷ đồng, tăng 36,1% so với tháng trước và giảm 1,7% so với cùng kỳ năm trước. Ước tính quý I/2022 vốn đầu tư thực hiện đạt 8.475 tỷ đồng, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2021 và đạt 16,6% kế hoạch năm. 

Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tháng 3, thành phố Hà Nội có 20 dự án FDI được cấp phép mới với tổng vốn đăng ký đạt 5,1 triệu USD. Bên cạnh đó, có 8 dự án được điều chỉnh tăng vốn đầu tư với 6,1 triệu USD; 22 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua phần cổ phần với số vốn đạt 12,1 triệu USD. Ước tính quý I/2022, toàn thành phố thu hút 513,1 triệu USD vốn FDI; trong đó, đăng ký cấp mới 62 dự án với số vốn đạt 24,9 triệu USD; 28 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư với 122,8 triệu USD; nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần 62 lượt, đạt 365,4 triệu USD.

Song song với thu hút đầu tư, thành phố Hà Nội tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp phát triển. Vì vậy, trong những tháng đầu năm nay thành phố đã cấp giấy chứng nhận cho 5.965 doanh nghiệp thành lập mới với vốn đăng ký 63,5 nghìn tỷ đồng, tăng 2% về số lượng doanh nghiệp và tăng 4% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; có 849 doanh nghiệp giải thể, tăng 5% so với cùng kỳ; 5.174 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tăng 7%; 3.939 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 2%. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng được duy trì 100%, đảm bảo chất lượng và đúng hạn.

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý I/2022 cho thấy: Có 20,9% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn quý trước; 41,1% doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và 38% doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn.

Nếu những tháng tiếp theo tình hình dịch COVID-19 được khống chế, có 41,8% số doanh nghiệp dự kiến quý II sẽ tốt lên so với quý I; 40,4% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và 17,8% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn; trong đó: 77,3% số doanh nghiệp khu vực nhà nước dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý II sẽ ổn định và tốt hơn so với quý I; tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp FDI cho thấy lần lượt là 83,1% và 80%.

Nguyễn Văn Cảnh (TTXVN)
Thái Nguyên: Điều chỉnh chủ trương đầu tư nhiều dự án trọng điểm
Thái Nguyên: Điều chỉnh chủ trương đầu tư nhiều dự án trọng điểm

Ngày 31/3, HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV tổ chức Kỳ họp thứ 5 (kỳ họp chuyên đề) để quyết định và điều chỉnh một số chủ trương dự án đầu tư trọng điểm giai đoạn 2021-2025.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN