Đó là các dự án: Nhà ở xã hội tại ô đất CT4 - CT5 thuộc Khu đô thị mới Đại Kim (phường Đại Kim, quận Hoàng Mai) do Liên danh Công ty Đầu tư Xây dựng số 2 Hà Nội và Công ty cổ phần Tập đoàn Dược phẩm Vimedimex làm chủ đầu tư (562 căn hộ), đang chuẩn bị thi công, dự kiến hoàn thành năm 2025; Nhà ở xã hội tại ô đất CT6B Khu đô thị mới Tây Nam Kim Giang 1 (phường Đại Kim, quận Hoàng Mai), đề xuất đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư (552 căn hộ); Nhà ở xã hội tại ô CT7 - CT8 Khu đô thị mới Tây Nam Kim Giang 1 (phường Đại Kim, quận Hoàng Mai và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì), đề xuất đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư (937 căn hộ), hiện đang thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư.
Trước đó, tháng 8/2023, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt danh mục 162 dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị trong Kế hoạch phát triển nhà ở của thành phố giai đoạn 2021 - 2025 (đợt 1). Cụ thể, có 146 dự án nhà ở thương mại, khu đô thị với 91.322 căn hộ chung cư và thấp tầng; 8 dự án nhà ở xã hội với 5.572 căn hộ; 8 dự án đầu tư xây dựng nhà ở tái định cư với 5.177 căn hộ...
Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết, thực hiện "Chương trình phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2030", Hà Nội đặt mục tiêu phát triển đa dạng các loại hình nhà ở, chú trọng phát triển nhà ở xã hội, nhà chung cư, nhà cho thuê, nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp nhằm giải quyết nhu cầu nhà ở cho các tầng lớp dân cư với mức thu nhập khác nhau, đặc biệt là nhà ở cho các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội.
Theo đó, giai đoạn 2021 - 2025, Hà Nội phấn đấu diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 29,5m2/người (khu vực đô thị đạt 31m2/người, khu vực nông thôn đạt 28m2/người). Diện tích nhà ở tối thiểu phấn đấu đạt 10m2/người, tổng diện tích sàn nhà ở khoảng 44 triệu m2. Đến năm 2030, Hà Nội đặt chỉ tiêu diện tích sàn nhà ở bình quân lên đạt 32m2 sàn/người; tỷ lệ nhà ở xã hội cho thuê đạt tối thiểu 10% diện tích nhà ở xã hội tại dự án; tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị đảm bảo tỷ lệ nhà ở cho thuê đạt tối thiểu 5% và nhà ở cho thuê - mua đạt tối thiểu 10% trên tổng diện tích sàn nhà ở chung cư tại dự án…
Để giải bài toán khó về phát triển nhà ở xã hội, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, trên cơ sở tổng hợp nhu cầu về nhà ở xã hội đến năm 2030 ước cần khoảng 6,8 triệu m2 sàn (tương đương 113.000 căn hộ), Hà Nội đã đưa ra 5 giải pháp thực hiện; trong đó, đẩy mạnh xây dựng các khu nhà ở xã hội độc lập, tập trung theo hướng hiện đại, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và xã hội, đáp ứng mong mỏi bức thiết và chính đáng của nhiều người dân khó khăn về nhà ở.
Theo kế hoạch, Hà Nội sẽ triển khai xây dựng 5 khu nhà ở xã hội tập trung quy mô 280ha; dự kiến khi hoàn thành cung cấp khoảng 2,3 triệu m2 sàn nhà ở (tương đương 38.000 căn hộ). Hiện, Hà Nội tiếp tục nghiên cứu 3 đến 5 địa điểm phát triển khu nhà ở xã hội độc lập; đồng thời, rà soát 68 ô đất thuộc quỹ đất 20%, 25% tại dự án nhà thương mại, khu đô thị để đề xuất phương án xây nhà ở xã hội…
Mới đây, tại Hội nghị trực tuyến triển khai Công điện 993/CĐ-TTg ngày 24/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp phát triển thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội do Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức, Sở Xây dựng Hà Nội đề xuất nâng lợi nhuận cho chủ đầu tư xây nhà ở xã hội lên 15 - 20%, thay vì mức cũ 10% không thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia.
Sở cũng kiến nghị vẫn giữ quy định doanh nghiệp làm nhà xã hội được dành 20% đất ở xây nhà thương mại, vì đây là cơ chế ưu đãi quan trọng đối với các chủ đầu tư và cũng là cơ sở hạ giá bán sản phẩm, hỗ trợ trực tiếp cho người mua nhà.
Mặt khác, Sở Xây dựng Hà Nội đề xuất trong pháp luật về đấu thầu cần có quy định riêng về việc chọn chủ đầu tư qua hình thức bốc thăm giống nhiều nước trên thế giới đang triển khai nhằm giúp rút ngắn thời gian; đặc biệt, cần có giải pháp ưu đãi đối với gói 120.000 tỷ cho vay phát triển nhà ở xã hội (về thời gian vay, lãi suất, thủ tục pháp lý…).