Theo đó, kim ngạch xuất khẩu phục hồi ấn tượng, 10 tháng năm 2024 đạt 15,4 tỷ USD, tăng 12,3% so với cùng kỳ, dự kiến cả năm vượt kế hoạch. Kim ngạch nhập khẩu 10 tháng đạt 33,2 tỷ USD, tăng 9,6%, dự kiến cả năm vượt kế hoạch. Chỉ số giá tiêu dùng tăng so với cùng kỳ và mục tiêu cả năm; bình quân 10 tháng năm 2024 tăng 4,61% (cùng kỳ tăng 1,51%). Thành phố đang tập trung chỉ đạo kiểm soát, đảm bảo CPI cả năm dưới 4%.
Về đầu tư công năm 2024, kế hoạch năm 2024 là 77.000 tỷ đồng (gấp 1,64 lần so với kế hoạch năm 2023). Lũy kế giải ngân đến ngày 30/11 của toàn thành phố hơn 40.000 tỷ đồng, đạt 52,4% kế hoạch. Tuy nhiên, áp lực về khối lượng công việc và kế hoạch vốn cần phải giải ngân trong những tháng cuối năm là rất lớn (36.670 tỷ đồng, tương đương 47,6% kế hoạch). Để tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công năm 2024, ngay trong tháng 11/2024 vừa qua, UBND thành phố đã chỉ đạo các đơn vị tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm đến hết tháng 1/2025 với tinh thần quyết tâm cao nhất, nỗ lực lớn nhất để hoàn thành mức cao nhất giải ngân vốn đầu tư công.
Các cân đối lớn được đảm bảo, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, các ngành kinh tế, xã hội có bước phát triển tốt. Trong số đó, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn dự kiến đạt 492.309 tỷ đồng, đạt 120,5% dự toán, tăng 19,6% so với năm 2023. Tổng chi ngân sách địa phương dự kiến là 126.519 tỷ đồng, đạt 86,4% dự toán đầu năm.
Thành phố đã tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là giao thông kết nối; hoàn thành, đưa vào vận hành đoạn trên cao dự án đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội; hoàn thành dự án đường Âu Cơ, đoạn từ khách sạn Thắng Lợi - cầu Nhật Tân; tiếp tục đẩy nhanh tiến độ dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô...
Bên cạnh đó, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí tiếp tục được đẩy mạnh, đã rà soát 712 dự án chậm triển khai, gây lãng phí nguồn lực. Hà Nội là địa phương đầu tiên thành lập Ban Chỉ đạo về thực hiện các biện pháp phòng, chống lãng phí.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được quan tâm; trong đó, thành phố tích cực thực hiện kế hoạch đầu tư 3 lĩnh vực giáo dục, y tế và tu bổ, tôn tạo di tích; các hoạt động văn hóa, thể thao, lễ hội phát triển mạnh. Đặc biệt, lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô đã thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế.
Thành phố giải quyết việc làm cho trên 196.000 lao động, đạt 118,9% kế hoạch năm; trong đó, chú trọng thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách đối với người có công với hơn 2.000 tỷ đồng. Đến nay, với việc bố trí gần 10.000 tỷ đồng qua Ngân hàng Chính sách xã hội cho hơn 96.000 hộ khó khăn và các đối tượng chính sách được vay vốn... Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước. Đồng thời, thành phố hoàn thành kế hoạch xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 714/714 hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Bên cạnh kết quả đạt được, còn một số tồn tại, hạn chế như năng lực của đội ngũ cán bộ chưa đồng đều; tư duy và phương pháp làm việc, nhận thức của một số cán bộ, công chức ở một số cơ quan, đơn vị còn hạn chế, thiếu năng động, sáng tạo, thiếu tính chuyên nghiệp; ý thức trách nhiệm chưa cao, còn tình trạng đùn đẩy, né tránh trong thực thi công vụ. Việc xây dựng quy chế ở một số nơi chưa được ban hành đầy đủ, nhất là các quy chế phối hợp liên thông; các quy trình thủ tục còn chưa tinh gọn; việc tái cấu trúc các thủ tục hành chính còn chậm, còn hình thức. Ngoài ra việc xây dựng các quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật và đơn giá dịch vụ sự nghiệp sử dụng ngân sách nhà nước còn chậm.
Về nhiệm vụ năm 2025, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải cho biết, thành phố sẽ thực hiện hiệu quả Luật Thủ đô (sửa đổi); Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065; chuẩn bị các cơ chế, chính sách phát triển tăng tốc, đột phá cho giai đoạn phát triển 2026 - 2030 và năm 2025. Ngoài ra, tập trung xây dựng các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công và các chương trình, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực 5 năm 2026 - 2030 gắn với “tầm nhìn mới - tư duy mới toàn cầu, tư duy Thủ đô và hành động Hà Nội”.
Thành phố quyết tâm hoàn thành và thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; kỷ luật, kỷ cương, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu; triển khai mạnh mẽ, đồng bộ các giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, thực hiện 3 chuyển đối (chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng)…
Về dự toán thu, chi ngân sách năm 2025, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải cho biết, chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước trên địa bàn là hơn 505.000 tỷ đồng, tăng 2,7% so với ước thực hiện năm 2024; thu ngân sách địa phương trên 166.000 tỷ đồng. Năm 2025, thành phố dự kiến có 25 chỉ tiêu/nhóm chỉ tiêu chủ yếu. Trong số đó, GRDP tăng từ 6,5% trở lên; GRDP/người từ 172,4 triệu đồng trở lên; vốn đầu tư thực hiện tăng từ 10,5% trở lên; kim ngạch xuất khẩu tăng từ 5% trở lên; kiểm soát chỉ số giá dưới 4,5%; cuối năm 2025 không còn hộ nghèo...
Về tăng trưởng, thành phố xây dựng 3 kịch bản: Kịch bản 1: GRDP sẽ tăng 6 - 6,5%; GRDP/người đạt 171,5 - 172,4 triệu đồng. Kịch bản 2 (cơ sở): GRDP sẽ đạt mức tăng 6,5 - 7,5%; GRDP/người đạt 172,4 - 174 triệu đồng. Kịch bản 3 (cao): GRDP sẽ tăng trên 8%; GRDP/người đạt trên 175 triệu đồng.
Để thực hiện các nội dung trên, theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải, Hà Nội đặt ra 10 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó có nhiệm vụ tập trung phát triển kinh tế, phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và đảm bảo các cân đối lớn của kinh tế Thủ đô; tiếp tục rà soát các dự án đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thu hút đầu tư vào Thủ đô.