Theo đó, nhóm 1 đảm trách địa bàn 7 quận, huyện, gồm: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Long Biên, Hoàng Mai, Gia Lâm. Nhóm 2 đảm trách địa bàn 9 quận, huyện, gồm: Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Thanh Xuân, Tây Hồ, Thanh Trì, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh.
Nhóm 3 đảm trách 7 quận, huyện, gồm: Hà Đông, Thanh Oai, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Thường Tín, Phú Xuyên; Nhóm 4 đảm trách 7 quận, huyện, thị xã, gồm: Sơn Tây, Ba Vì, Phúc Thọ, Đan Phượng, Hoài Đức, Thạch Thất, Quốc Oai.
Các nhóm có nhiệm vụ thường xuyên cập nhật thông tin phản ánh bất cập về tình hình tổ chức giao thông, trật tự đô thị qua các kênh thông tin (mạng xã hội, các kênh báo chí) để phân tích, đánh giá và kiểm tra, lên phương án đề xuất và triển khai thực hiện; đánh giá hiệu quả các giải pháp và báo cáo kết quả thực hiện.
Các thành viên thuộc Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông phối hợp với đơn vị quản lý bảo trì đường bộ để kiểm tra, rà soát, khảo sát các bất cập về tổ chức giao thông, hạ tầng giao thông... để kịp thời phát hiện, đề xuất, kiến nghị thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông; theo dõi, đánh giá hiệu quả các giải pháp đã thực hiện (được hay chưa được, đề xuất giải pháp điều chỉnh...) làm cơ sở báo cáo trưởng nhóm xem xét trước khi báo cáo lãnh đạo Sở thông qua.
Các thành viên thuộc Thanh tra Sở tổ chức kiểm tra, rà soát, khảo sát các bất cập về tổ chức giao thông, hạ tầng giao thông, đánh giá về hạ tầng, biển báo, lưu lượng phương tiện... trên địa bàn được phân công quản lý để kịp thời đề xuất phương án; bố trí lực lượng hướng dẫn phân luồng tổ chức giao thông, kiểm tra xử lý các vi phạm, đặc biệt trên các tuyến đường, điểm ùn tắc giao thông...
Trưởng phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông là thường trực của tổ công tác, có trách nhiệm tổng hợp thông tin và lập báo cáo hằng tuần, hằng tháng. Trường hợp đột xuất, có sự cố về các điểm ùn tắc, trong các dịp lễ, Tết, các sự kiện lớn của đất nước và thành phố thì phải thực hiện báo cáo thường xuyên theo quy định.