Hà Nội: Hỗ trợ giống, vật tư nông nghiệp cho người dân sau thiên tai

Nhằm khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất nông nghiệp sau cơn bão số 3, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã kêu gọi doanh nghiệp hỗ trợ hạt giống rau, vật tư phân bón và chế phẩm sinh học xử lý môi trường đối với các hộ bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra tại 4 huyện: Thường Tín, Ứng Hòa, Quốc Oai, Đan Phượng.

Chú thích ảnh
Công an giúp người dân huyện Thường Tín (Hà Nội) gặt lúa sau bão số 3. Ảnh: TTXVN phát

Việc hỗ trợ giống, vật tư cho bà con lúc này là rất cần thiết để chia sẻ khó khăn do ảnh hưởng bão, phục hồi sản xuất nông nghiệp, bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho người tiêu dùng và cuộc sống người dân. 

Đến nay, các doanh nghiệp đã hỗ trợ 8 tấn phân hữu cơ sinh học Thần nông 888HP02; 1.300 gói 200g chế phẩm vi sinh Emuniv xử lý ruộng đất và chuồng nuôi; 72 lít hóa chất xử lý môi trường Cleaashrim AP và 123,2 kg hạt giống rau các loại (su hào, bắp cải, đậu trạch…) đã cấp phát toàn bộ cho người dân ở các huyện Thường Tín, Ứng Hòa, Quốc Oai, Đan Phượng.

Ông Nguyễn Văn Tứ, ở xã Hồng Vân, huyện Thường Tín (Hà Nội) co biết, cơn bão số 3 vừa qua đã làm 3 sào rau màu của gia đình ông đang đến kỳ thu hoạch bị dập nát, hỏng hết, thiệt hại hơn 20 triệu đồng. Sau khi nước rút được sự hỗ trợ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, doanh nghiệp về giống rau màu ngắn ngày, phân bón… các hộ dân trên địa bàn xã Hồng Vân đang tập trung làm đất, gieo trồng vụ rau mới.

“Hy vọng vụ rau tới, giá bán cao, giảm chi phí giống, phân bón, bù đắp thiệt hại do cơn bão số 3 vừa qua, góp phần giúp nông dân ổn định cuộc sống”, ông Nguyễn Văn Tứ thông tin.

Đang buộc lại những cành nho đã rũ lá vì mưa bão, ông Nguyễn Văn Bảy, huyện Đan Phương (Hà Nội) chia sẻ, với mấy trăm gốc nho đen được gia đình ông tỉ mẩn chăm bấy lâu nay đã bị ngập úng, thối rễ đành phải nhổ đi, phơi khô để đốt bỏ, còn một số cây đang được chăm sóc với mong muốn được cây nào hay cây đó, giảm bớt thiệt hại.

"Ngoài ra, để khôi phục sản xuất, bên cạnh việc mua cây giống về trồng thay thế diện tích cây bị chết, gia đình ông cũng khẩn trương làm vệ sinh đồng ruộng, be bờ, tháo thoát nước cho các cây vẫn còn sống. Gia đình ông cũng được hỗ trợ chế phẩm vi sinh, hóa chất để xử lý môi trường", ông Nguyễn Văn Bảy chia sẻ.

Tình trạng các cây rau màu, cây ăn quả bị chết hàng loạt do ngập úng, thối rễ không chỉ ở huyện Đan Phượng, Thường Tín... mà ở nhiều nơi trên địa bàn Hà Nội như phường Nhật Tân, Phú Thượng quận Tây Hồ (Hà Nội), nơi có hàng nghìn gốc đào cũng trong cảnh tương tự. Tuy nhiên, người dân nơi đây cũng đang nỗ lực "hồi sinh" các vườn đào để phục vụ Tết. Hiện nay, nhiều hộ trồng đào ở phường Phú Thượng (quận Tây Hồ, Hà Nội) cũng tạm gác lại khó khăn mà tập trung cứu lấy vườn đào, với tinh thần “còn nước còn tát”.

Với tinh thần lạc quan, bà Phạm Thanh Hương, một hộ trồng đào tại phường Phú Thượng bày tỏ, nước rút đi, cây đào chết khô, héo lá, nhưng vùng đất ven sông Hồng cũng được bồi đắp một lớp phù sa mới sau nhiều năm không có nước sông gột rửa, khiến đất trồng bị bạc mầu. Có lẽ, sự sống đang và sẽ nảy mầm từ những vườn đào chết.

Ngay sau khi lũ rút, UBND quận Tây Hồ đã chỉ đạo các đơn vị chức năng và chính quyền các phường nhanh chóng thống kê thiệt hại và có phương án hỗ trợ vốn vay để các hộ trồng đào khôi phục sản xuất. Ông Nguyễn Thanh Tịnh, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ cho biết, dự kiến UBND quận Tây Hồ sẽ trình HĐND quận 85 tỷ đồng để hỗ trợ ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội cho bà con vay vốn với khoảng thời gian vay hai năm và giảm lãi suất xuống bằng mức chi phí quản lý của Ngân hàng theo quy định nhà nước.

Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (huyện Gia Lâm) cho biết, hợp tác xã triển khai các hoạt động tư vấn kỹ thuật, cung cấp giống mới, hỗ trợ tài chính đã được triển khai để giúp nông dân khôi phục sản xuất. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Minh cũng đề nghị các ngành chức năng tham mưu các bộ, ngành, thành phố có chính sách hoãn, giãn nợ nguồn vốn vay, hỗ trợ đối với hợp tác xã, gia đình bị thiệt hại do cơn bão số 3.

Chú thích ảnh
Cán bộ y tế xã Hòa Lâm, huyện Ứng Hòa, hướng dẫn người dẫn vệ sinh môi trường sau nước rút tại hộ gia đình. Ảnh: TTXVN phát

Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội cho biết, bên cạnh hỗ trợ giống, vật tư nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã phối hợp với các địa phương xuống tận cơ sở giúp nông dân khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra, khôi phục sản xuất. Ngoài ra, sở chỉ đạo các đơn vị chức năng in 7 loại tờ gấp hướng dẫn phục hồi sau bão lũ với số lượng 18.000 tờ, giao các tổ công tác phối hợp với các địa phương cấp phát tận tay, hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân khắc phục thiệt hại, khôi phục sản xuất. Cùng với đó, sở hướng dẫn nông dân điều kiện, thủ tục vay vốn Quỹ Khuyến nông thành phố Hà Nội một cách nhanh nhất để người dân sớm có vốn khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống.

Để khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã đề nghị tăng diện tích gieo trồng cây vụ Đông từ  29.000 ha lên 36.000 ha, trong đó, tập trung đẩy mạnh phát triển cây khoai tây gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trên diện tích canh tác. Đồng thời để đảm bảo nguồn cung thực phẩm trong những tháng cuối năm 2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tích cực khắc phục thiệt hại, sớm ổn định sản xuất tại các vùng rau, cây ăn quả, chăn nuôi..., ông Nguyễn Văn Chí thông tin.

Nam Giang (TTXVN)
Kinh tế phục hồi nhanh sau thiên tai, bão lụt
Kinh tế phục hồi nhanh sau thiên tai, bão lụt

Kinh tế năm 2024 đã đi được ¾ chặng đường trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến rất phức tạp, khó lường, ở trong nước, thiên tai, bão lụt, mưa lớn kéo dài trong tháng 9, đặc biệt là cơn bão số 3 đã ảnh hưởng lớn đến các hoạt động kinh tế, xã hội, doanh nghiệp và đời sống người dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN