Hà Nội: Đề nghị rà soát lại năng lực cán bộ điều hành khi giải ngân đầu tư công thấp

Trước số liệu từ báo cáo 6 tháng đầu năm 2022 cho thấy tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của thành phố Hà Nội thấp, Đại biểu HĐND TP Hà Nội đề nghị có giải pháp linh hoạt hơn, thậm chí cần có quy trình rà soát năng lực cán bộ điều hành.

Sáng 6/7, HĐND TP Hà Nội tiếp tục kỳ họp thứ 7 với các phiên thảo luận tại hội trường, liên quan đến vấn đề: Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, thu chi ngân sách 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022 của thành phố; tình hình triển khai và tiến độ công tác đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn thành phố...

Chú thích ảnh
Lãnh đạo HĐND TP Hà Nội điều hành phiên thảo luận sáng 6/7/2022.

Liên quan đến vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, đại biểu Phạm Quang Thanh, Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn nêu rõ: Công tác phối hợp giữa các phòng, ban, đơn vị trên địa bàn thành phố chưa thực sự hiệu quả. Đây là điểm nghẽn lớn dẫn đến nhiều bất cập, chậm trễ, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của thành phố. Đáng chú ý, 6 tháng đầu năm 2022, tỷ lệ giải ngân thấp và phần lớn do nguyên nhân chủ quan như: Quy trình, thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, dịch bệnh… Do đó, cần có giải pháp, điều hành linh hoạt hơn để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công phục vụ việc phát triển chung của thành phố.

Cũng theo đại biểu Phạm Đình Toàn (Tổ đại biểu huyện Mê Linh), với vấn đề giao kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công, việc giải ngân còn thấp, thì cần có quy trình rà soát năng lực cán bộ điều hành.

Liên quan đến triển khai công tác đấu giá quyền sử dụng đất của thành phố, đại biểu Phạm Đình Toàn đề nghị cần làm rõ kết quả đấu giá so với kế hoạch về cả số lượng và số tiền thu để đánh giá mức độ thực hiện. Đồng thời, phải làm rõ vì sao có quận, huyện đấu giá đất đạt kết quả đạt cao trong khi có quận, huyện đạt kết quả thấp, thậm chí là 0%.

Đại biểu Phạm Quang Thanh, Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn cho biết thêm, 6 tháng đầu năm, Hà Nội nhận được sự quan tâm của Trung ương, Bộ Chính trị khi ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Bên cạnh đó, Quốc hội thông qua dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội....

Ông Phạm Quang Thanh nhấn mạnh, đây được kỳ vọng sẽ là 2 động lực lớn để tạo điều kiện phát triển Thủ đô trong dài hạn.

Chú thích ảnh
Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn Phạm Quang Thanh kiến nghị lên HĐND TP Hà Nội về vấn đề giải ngân vốn đầu tư công.

Liên quan đến việc phục hồi kinh tế-xã hội sau đợt dịch COVID-19, phát biểu thảo luận, đại biểu Trịnh Xuân Quang (tổ quận Thanh Xuân) cho rằng, khi thành phố cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, đã bước sang giai đoạn phục hồi phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội; GRDP tăng trưởng quý II cao 7,79%; xuất khẩu và tiêu dùng nội địa phát triển mạnh.

Nêu vấn đề công tác đấu giá đất để thu ngân sách địa phương còn chậm, đại biểu Trịnh Xuân Quang cho rằng, thành phố đã xác định tìm giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về chính sách pháp luật, những nút thắt cần phải tháo gỡ trong xác định giá đất khởi điểm, song nhiều đơn vị tư vấn e ngại. Nguyên nhân sâu xa là từ những vướng mắc về chính sách pháp luật, phương pháp xác định giá. Thành phố đã có nhóm các giải pháp, trong đó có kiến nghị Trung ương sửa đổi các chính sách đất đai... đại biểu cho rằng đây là những đề xuất trúng và đúng.

Đồng thời đại biểu Trịnh Xuân Quan đề nghị, trong quý III/2022, thành phố tập trung hiện thực hóa những đề xuất này để đảm bảo hiệu quả thu ngân sách cho thành phố.

Trung Nguyên/Báo Tin tức
Kỳ họp thứ 7 HĐND TP Hà Nội xem xét mức trần học phí và nhiều nội dung quan trọng khác
Kỳ họp thứ 7 HĐND TP Hà Nội xem xét mức trần học phí và nhiều nội dung quan trọng khác

Sáng 5/7, tại trụ sở HĐND - UBND TP Hà Nội, kỳ họp thứ 7, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI khai mạc để xem xét, quyết định những nội dung quan trọng thuộc thẩm quyền.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN