Lãnh đạo Thành ủy Hà Nội đánh giá cao tinh thần chủ động, nắm bắt dự báo cơn bão số 3 của quận Ba Đình nên toàn bộ hệ thống chính trị quận đã triển khai phòng chống bão hết sức kịp thời. Nhờ đó, quận không có thiệt hại về người, tài sản của nhân dân cơ bản được bảo vệ. Quận cũng chủ động trong tuyên truyền, vận động người dân sinh sống tại các chung cư cũ, nhà ở riêng lẻ không đảm bảo an toàn di dời đến những nơi an toàn.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến lưu ý hiện nay nước lũ từ thượng nguồn đang dồn xuống Hà Nội khiến mực nước các sông dâng cao. Quận Ba Đình, phường Phúc Xá tuyệt đối không chủ quan, lơ là, phải tiến hành rà soát lại các khu vực nguy hiểm, đề phòng người dân quay trở lại nơi ở cũ. Đồng thời, nắm bắt kịp thời mực nước sông Hồng để triển khai các phương án ứng phó phù hợp, đảm bảo nhu cầu sinh hoạt cơ bản của người dân, đảm bảo an ninh, an toàn cả nơi đi, nơi đến cho người dân phải di dời.
"Phải cá thể hóa trách nhiệm, cộng đồng trách nhiệm để nghiêm túc thực hiện các nhiệm vụ với mục tiêu cao nhất là bảo vệ tính mạng từng người dân và bảo vệ an toàn tài sản của nhân dân", Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh.
Theo báo cáo của UBND phường Phúc Xá, hiện mực nước sông Hồng đã qua cấp độ I, dự kiến với cấp độ II sẽ gây ngập các địa bàn số 1,2,3,5 theo tuyến An Xá, Phúc Xá với 2.186 hộ (6.785 nhân khẩu) bị ảnh hưởng. Qua thống kê, có 4.585 người về quê hoặc nhà người thân, 2.000 người ở lại trông nhà và 200 người cần tạm trú. Nếu chuyển sang cấp độ III sẽ ảnh hưởng đến toàn địa bàn phường với 23.000 dân; trong đó, có 16.200 người về quê hoặc nhà người thân, 6.000 người ở lại trông nhà và 800 người cần tạm trú.
Từ trước khi cơn bão số 3 đổ bộ vào Hà Nội, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn phường Phúc Xá đã tuyên truyền, cảnh báo, yêu cầu người dân đang canh tác tại khu vực bãi giữa sông Hồng và sinh sống ở khu vực bờ sông chủ động di dời người và tài sản lên bờ để đảm bảo an toàn.
Ngay trong tối qua (9/9), Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn phường đã tổ chức ứng trực, kiểm tra tại các địa bàn bãi giữa sông Hồng và khu vực xóm trọ thuộc tổ 3, cụm 2. Đồng thời, khẩn trương di dời 4 hộ nông dân (9 người) đi khỏi bãi giữa ngay trong đêm. Tại khu vực xóm trọ, có 30/58 phòng di dời (191 người). Đêm 9/9, đã di dời 15 người (5 phòng trọ) thuộc khu vực thấp và sát cống thoát nước thành phố và bờ sông. Đến 12 giờ, tiếp tục di dời các phòng còn lại.
Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến cho biết, quận đã chỉ đạo lập danh sách, xác định các hộ dân trong diện nguy hiểm. Từ chiều nay, quận tiếp tục di dời 276 hộ dân đến tạm trú tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên 67 Phó Đức Chính. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chuẩn bị đầy đủ điều kiện sinh hoạt cho các hộ dân trong thời gian tạm trú tại đây.
Còn tại quận Hoàn Kiếm, nước lũ dâng cao khiến khu vực ngoài đê sông Hồng thuộc các phường Chương Dương, Phúc Tân của quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) bị ngập, giao thông bị chia cắt. Từ đêm 9/9, UBND quận đã yêu cầu di dời khẩn cấp 60 hộ dân (200 nhân khẩu) ở phường Chương Dương, 70 hộ dân (260 nhân khẩu) ở phường Phúc Tân đến nơi an toàn.
Kiểm tra công tác ứng phó với lũ sông Hồng dâng cao tại tại khu vực Chương Dương Độ (quận Hoàn Kiếm), Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, đây là đợt nước lũ sông Hồng lên cao nhất kể từ năm 2008.
Với diễn biến thời tiết rất bất thường, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu các đơn vị liên quan phải đặt an toàn tính mạng của người dân lên trên hết. Nơi nào cần phải di dời dân là phải thực hiện ngay, đồng thời phải bảo đảm nhu cầu sinh hoạt cho nhân dân ở nơi đến.
Chủ tịch UBND phường Chương Dương Nguyễn Văn Vĩnh cho biết, vị trí bờ vở sông Hồng thuộc phường Chương Dương có chiều dài 1,6 km, nguồn gốc đất là đất bãi bồi sông Hồng, chia làm hai khu vực chính: Khu vực bồi đắp từ đầu ngõ 114 Hàm Tử Quan - 405 Bạch Đằng; khu vực bờ vở sông và bãi bồi ven sông đã ngập nhanh. Phần đất bãi giữa đã ngập hoàn toàn, các thuyền chài ở khu vực này đã được sơ tán từ trước đó, trước khi cơn bão số 3 đổ bộ.
Phần bờ vở sông Hồng từ ngõ 114 Hàm Tử Quan đến bến Chương Dương Độ, nước sông lên cao làm ngập bãi xe Công ty Hoàng Kim. Hiện Công ty đã sơ tán xe, phương tiện, vật dụng theo mực nước lên. Nhân dân đã tự di dời tài sản khỏi vùng úng ngập.
Khu vực từ địa chỉ 407 Bạch Đằng đến 727 Bạch Đằng (giáp với phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng), đoạn bờ sông qua khu dân cư phường Chương Dương (nhà dân tiếp giáp bờ sông), có chiều dài khoảng 800m, đã được đầu tư xây dựng chân kè để đảm bảo ổn định, tránh sạt lở. Hiện tại, có 46 hộ dân ven sông Hồng tiếp giáp với phần kè trên (gồm 162 nhân khẩu). Các nhà dân ở đây đã được tổ dân phố, cảnh sát khu vực vận động di dời sang nhà hàng xóm hoặc nhà người thân ở khu vực địa hình cao hơn trong phố. Dự kiến trong tối nay, quận Hoàn Kiếm di dời xong các hộ dân theo phương án dự phòng trong trường hợp lũ sông Hồng dâng cao ở mức báo động 2.
Cũng trong ngày 10/9, ngay khi nhận được tin cảnh báo lũ sông Hồng dâng cao, chính quyền huyện Mê Linh đã tổ chức di dời các hộ dân và gia súc, gia cầm ở các lều lán, trang trại ven sông Hồng thuộc xã Văn Khê đến nơi an toàn.
Tại huyện Sóc Sơn, nếu nước sông dâng cao, xã Tân Hưng sẽ có 552 hộ với 2.544 nhân khẩu, gồm 220 hộ ngoài đê bối với 990 nhân khẩu và 270 hộ với 1.215 nhân khẩu khu vực trong đê bối thôn Ngô Đạo phải di chuyển lên khu vực Đồng Long, thôn Đạo Thượng.
Để triển khai công tác phòng, chống bão lũ, xã đã triển khai theo phương châm "bốn tại chỗ", trong đó, đã thành lập lực lượng tuần tra canh gác đê gồm 54 người tại 3 điếm và 2 lực lượng xung kích gồm 30 người tại 3 thôn (Ngô Đạo, Hiệu Chân, Cẩm Hà) cùng 100 đoàn viên thanh niên ở 5/5 thôn trên địa bàn.
Trước tình hình lũ tăng nhanh, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão xã Tân Hưng đã thông báo khẩn các tổ chức, hộ dân sinh sống khu vực bờ bãi gần sông chủ động nắm tình hình lũ trên sông; chủ động bảo vệ tài sản công trình, di chuyển đến nơi an toàn. Đồng thời, thực hiện nghiêm yêu cầu, chỉ dẫn của chính quyền về di dời, sơ tán người dân ra khỏi vùng trũng, thấp, ngập lụt nguy hiểm đến nơi an toàn.