Nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công
Theo ông Đỗ Anh Tuấn, Bí thư Quận ủy Tây Hồ (Hà Nội), hầu hết ý kiến của đảng viên trên địa bàn quận đều thống nhất với đánh giá của Dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030”. Song, cũng có ý kiến nêu rằng trong hoàn cảnh đại dịch COVID-19 ảnh hưởng trên toàn cầu, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và kinh tế đối với nhiều nước trên thế giới, trong đó có cả các nước lớn, nước phát triển nhưng Việt Nam đã làm rất tốt công tác phòng, chống dịch, qua đó tiếp tục nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Do vậy, Dự thảo Báo cáo cần đánh giá rõ thêm, khẳng định thêm những kết quả đã đạt được trong công tác này.
Việc đề ra 12 định hướng trong "Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030" là rất cần thiết. Các ý kiến của đảng viên quận Tây Hồ cho rằng phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp khá đầy đủ, toàn diện, mạnh dạn đề cập đến các vấn đề nổi cộm và thực trạng của đất nước để đưa ra hướng khắc phục hiệu quả.
Theo Bí thư Quận ủy Tây Hồ Đỗ Anh Tuấn, một số đảng viên bày tỏ ý kiến rằng Đảng cần nghiên cứu bổ sung thêm giải pháp về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, nhất là thị trường quyền sử dụng đất. Bởi vì hiện nay, việc giải phóng mặt bằng để tăng hiệu quả kinh tế từ đất tại Tây Hồ cũng như một số địa phương khác đang gặp khó khăn, do chính sách đền bù còn nhiều bất cập, khiến cho đối tượng sử dụng đất lợi dụng chây ỳ, trục lợi từ đền bù đất giá cao.
Cùng với việc phát triển kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho người dân, đưa đất nước phát triển trong thời gian tới, đảng viên quận Tây Hồ mong muốn Đảng tiếp tục đưa ra các giải pháp hiệu quả hơn nữa về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Trong đó, trọng tâm là xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý. Đặc biệt là giải pháp xây dựng Chính phủ điện tử, tiến tới chính quyền số và các giải pháp nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công cần được quan tâm đề cập.
Đề cập việc cải cách hành chính, ông Mai Sơn, Cục trưởng Cục Thuế thành phố Hà Nội cho rằng dự thảo đã nêu nhưng cần đề cập sâu hơn nữa. Đó là, kiến nghị cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính theo hướng minh bạch, thông thoáng, phù hợp quy định và xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng, nhằm tạo thuận lợi tối đa, giảm thời gian, chi phí tuân thủ pháp luật. Các cán bộ công chức làm việc trong các cơ quan công quyền, cần đổi mới từ nhận thức đến phương pháp giải quyết thủ tục hành chính để chuyển từ nền hành chính quản lý sang nền hành chính phục vụ. Các cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục đổi mới nhiều hình thức và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để gia tăng mức độ phổ biến các thủ tục hành chính nhằm tiết kiệm chi phí và tạo được sự đồng thuận, chấp hành của doanh nghiệp, người dân, tạo bứt phá cho phát triển kinh tế trong thời gian tới.
Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường
Với góc nhìn của một lãnh đạo địa phương đang phát triển mạnh phía Đông của Thủ đô, với lộ trình lên quận vào năm 2025, ông Lê Anh Quân, Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm cho rằng “Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030” cần làm rõ và có giải pháp cụ thể hơn về hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển hạ tầng, nhất là đầu tư theo phương thức đối tác công - tư; cơ chế kiểm soát, sử dụng vốn đầu tư hiệu quả, tránh lãng phí.
Bên cạnh đó, văn kiện này cần cụ thể hóa cơ chế, trách nhiệm phối hợp giữa các bộ ngành, địa phương trong thực hiện các dự án lớn về phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, đề ra cơ chế xử lý vi phạm kịp thời, tránh tình trạng phải mất rất nhiều thời gian để khắc phục hậu quả, gây thất thoát vốn, tài sản nhà nước và bức xúc trong dư luận.
Cũng theo ông Lê Anh Quân, để các quyết sách về kinh tế - xã hội nhanh chóng đi vào cuộc sống và có hiệu quả, cần xây dựng được các đề án, kế hoạch mang tính chất như khung phát triển, có tính xuyên suốt để các địa phương căn cứ vào đó để xây dựng chiến lược phát triển ở địa phương; tránh tình trạng đầu tư chồng chéo, manh mún và không hiệu quả vừa đảm bảo tính nguyên tắc, tính lâu dài nhưng cũng linh hoạt, hiệu quả trong khuôn khổ pháp luật quy định.
Nhấn mạnh đến giải pháp giải quyết hiệu quả mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, Bí thư Huyện ủy Gia Lâm cho rằng việc phê duyệt các dự án kinh tế, nhất là các dự án đầu tư nước ngoài còn bộc lộ nhiều sơ hở, yếu kém trong khâu thẩm định các giải pháp bảo vệ tài nguyên, môi trường kèm theo, đã và đang gây ra nhiều hậu quả xấu. Trong thời gian tới, chúng ta cần phải làm chặt chẽ hơn công tác đánh giá tác động môi trường và các giải pháp bảo vệ môi trường trước khi triển khai dự án (lưu ý các hạng mục về xử lý nước thải, bụi, tiếng ồn...). Đặc biệt, các cơ quan chức năng của Trung ương và các tỉnh, thành cần tạo được cơ chế phối hợp hiệu quả trong thanh tra, kiểm tra thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường trong các doanh nghiệp (hiện nay cơ chế phối hợp có việc còn chưa chặt chẽ, thẩm quyền trách nhiệm chưa rõ…).
Để phát triển kinh tế như “Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030” đã đề ra, ông Lê Anh Quân nhìn nhận, trong văn kiện cần có giải pháp cụ thể để đổi mới căn bản, toàn diện, thực chất giáo dục và đào tạo; trong đó cần tiếp tục quan tâm quy hoạch lại hệ thống cơ sở giáo dục - đào tạo; cơ cấu lại chương trình đào tạo để cung cấp cho người học phương pháp luận khoa học, kiến thức khoa học xã hội nhân văn, chuyên môn và đặc biệt là kỹ năng thực hành nghề nghiệp ở mức độ cao. Bởi vì hiện nay học sinh, sinh viên sau khi ra trường kỹ năng thực hành nghề nghiệp còn thiếu, dẫn đến phải đào tạo lại, gây lãng phí về thời gian, kinh phí. Do đó, ông Quân cho rằng việc nghiên cứu, nâng cao chất lượng đào tạo theo đặt hàng, đào tạo đón đầu xu thế phát triển để chủ động nguồn nhân lực cho các hoạt động kinh tế - xã hội là việc làm cần thiết được đề cập sâu trong dự thảo Văn kiện đại hội XIII của Đảng.