Ấm áp giao thừa Hà Nội
Ở một làng cổ ven hồ Tây, các gia đình vừa tất bật chuẩn bị cho lễ đón giao thừa trong bầu không khí đầm ấm, vừa thưởng thức chương trình nghệ thuật cuối năm trên sóng truyền hình. Một năm cũ khép lại, dù vui, dù buồn nhưng mọi người đã nhẹ nhàng chấp nhận, để tạo năng lượng tích cực chào đón năm mới một cách bình an hơn.
Hơn ai hết, ông Nguyễn Mạnh Công, đường Nghi Tàm, phường Quảng An, quận Tây Hồ thấu hiểu những khó khăn, vất vả mà người dân Thủ đô phải đối mặt khi dịch COVID-19 xảy ra. Nhưng đã trải qua nhiều biến thiên cuộc đời, trải qua nhiều cung bậc cảm xúc của cuộc sống, nên ông bình thản đón nhận. Ông cũng là người dung hòa cảm xúc của mọi người trong gia đình, động viên con cháu cố gắng làm việc, học tập. Chuẩn bị cho giao thừa sắp tới, ông và con cháu trong gia đình chuẩn bị chu tất mâm lễ cúng tổ tiên, trời đất cầu mong một năm mới may mắn, đem lại những điều tốt lành. Đêm giao thừa năm nay, mọi người trong gia đình ông cũng không ra ngoài vui chơi như các năm trước, mà quây quần tại nhà trong sự đầm ấm.
Thời tiết rét đậm, cộng với dịch bệnh đang diễn ra, vì vậy đường phố Hà Nội cũng thưa vắng người hơn. Chỉ một số người mong muốn được tận hưởng khí thiêng đất trời khi chuyển giao năm mới nên tranh thủ ra đường, thong dong dạo quanh những con phố nội đô và cảm nhận không khí đêm 30 Tết. Đường phố Hà Nội vẫn rực rỡ ánh đèn trang trí tại các khu vực công cộng, các trụ sở làm việc và từ nhà dân hai bên đường tỏa ra. Khu vực hồ Hoàn Kiếm, Tràng Tiền, Hàng Khay, Điện Biên Phủ... vẫn ánh lên sắc màu của cờ hoa.
Thay vì tổ chức các chương trình nghệ thuật ở không gian ngoài trời, giao thừa năm nay, Hà Nội chỉ thực hiện ghi hình và phát trên sóng truyền hình, cũng như các nền tảng xã hội, tạo không khí phấn khởi trong nhân dân. Ngành văn hóa Thủ đô chỉ đạo các nhà hát trực thuộc xây dựng chương trình mừng Xuân với nhiều tiết mục đặc sắc, hấp dẫn. Nhiều người dân Thủ đô cũng quen dần hình thức xem sự kiện trực tuyến, nên đã quan tâm, đón nhận. Không còn sự hối hả như ngày thường mà thay vào đó mọi chuyển động dường như chậm lại. Nhưng không vì thế không khí đêm giao thừa bị kém vui, mà nó chuyển sang một trạng thái khác, sâu lắng hơn.
Thời khắc chuyển giao năm mới vẫn thiêng liêng hơn bao giờ hết, vẫn ấm áp và bình yên.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam cho rằng, người dân Hà Nội cũng như cả nước thích ứng nhanh với điều kiện hiện nay. Dù năm nay có nhiều hạn chế do dịch bệnh nhưng mọi người đều đồng thuận khi Hà Nội không tổ chức các hoạt động đón giao thừa. "Năm nay là năm Nhâm Dần, hổ được coi là chúa sơn lâm, tượng trưng cho sức mạnh nên người ta hy vọng năm con hổ tạo nên một bước chuyển biến mới, dịch bệnh qua đi, cuộc sống trở lại bình thường. Đồng thời, trong cuộc sống niềm tin đôi khi rất quan trọng, vì vậy chúng ta nên tin tưởng vào những điều tốt đẹp sẽ đến", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Trụ chia sẻ.
Niềm tin trước thềm Xuân mới
Một năm qua đầy những khó khăn do tác động của dịch bệnh nhưng trước thềm Xuân mới, thành phố vẫn quan tâm đến đời sống nhân dân. Theo Chánh Văn phòng UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Anh Dũng, các sở, ngành thành phố đã tập trung triển khai Chỉ thị số 26/CT-UBND của UBND thành phố, đảm bảo tổ chức cho nhân dân đón Xuân mới vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm với phương châm “Mọi người, mọi nhà đều có Tết”. Chỉ tính đến ngày 25/1, Hà Nội đã trao tặng hơn 1.853 nghìn suất quà cho các đối tượng chính sách với tổng kinh phí gần 691,3 tỷ đồng; chi trả trợ cấp tháng 1-2/2022 cho 83,2 nghìn người đang hưởng trợ cấp ưu đãi người có công hàng tháng với số tiền 350 tỷ đồng. Trên 196 nghìn đối tượng bảo trợ xã hội hưởng trợ cấp hàng tháng cũng được nhận trợ cấp theo quy định.
Trong dịp này, các cấp, ngành, đoàn thể thành phố Hà Nội cũng có nhiều hoạt động chia sẻ với những người khó khăn. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức chương trình “Xuân nhân ái - Tết sẻ chia”, trao tặng quà Tết cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội tổ chức chương trình Chợ nhân đạo “Xuân nhân ái - Tết sẻ chia” năm 2022, hưởng ứng phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” Xuân Nhâm Dần 2022. Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội cũng tổ chức chương trình “Xe ô tô miễn phí đưa công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn về quê đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022”...
Năm 2022, Hà Nội xác định mục tiêu tổng quát là, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; tập trung thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế; chú trọng phát triển văn hóa, đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Một tín hiệu đáng mừng, tháng 1/2022, tổng thu ngân sách Nhà nước toàn thành phố ước đạt 45.872 tỷ đồng, đạt 14,7% dự toán, bằng 111,3% so với cùng kỳ; chi ngân sách địa phương ước đạt 5.264 tỷ đồng, đạt 4,9% dự toán đầu năm, bằng 113,1% so với cùng kỳ... Thành phố đang thực hiện tốt các giải pháp phục hồi, tập trung phát triển nền kinh tế sau ảnh hưởng của dịch COVID-19. Các chỉ số phát triển kinh tế - xã hội tháng 1 đều tăng so với cùng kỳ năm 2021. Đặc biệt, kim ngạch xuất, nhập khẩu tháng 1 tăng trên 2 con số so với cùng kỳ, ước đạt 1.563 triệu USD.
Một mùa Xuân mới lại về, những tiếng cười nói reo vui, những gương mặt rạng ngời, những sắc màu hoa lá ngập tràn khắp nơi. Hà Nội đã có một sắc diện mới, bừng sáng hơn, mạnh mẽ hơn. Những kỳ vọng về một năm mới tốt lành, khởi sắc toàn diện trên mọi lĩnh vực đang hiện hữu trước mắt và sẽ sớm trở thành hiện thực khi có sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị cũng như các tầng lớp nhân dân.