Đã đạt 7/9 tiêu chí nông thôn mới nâng cao
Ông Trần Đức Hải, Bí thư Huyện ủy Đan Phượng cho biết, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới và Chương trình 02-CTr/TU, năm 2015 Đan Phượng vinh dự là huyện đầu tiên của Thành phố Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Sau khi đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015, huyện xác định khi chưa trở thành quận thì mục tiêu xây dựng nông thôn mới chưa có điểm dừng. Vì vậy mặc dù chưa có hướng dẫn của Trung ương, Thành phố về xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, huyện Đan Phượng đã chủ động tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các xã thực hiện duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Trong đó, huyện tập trung rà soát, điều chỉnh quy hoạch nông thôn mới bảo đảm phù hợp với quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, quy hoạch chung xây dựng Huyện và quy hoạch phân khu S1, S2, GS làm căn cứ triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Huyện đã tập trung huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng với tổng kinh phí đã huy động trong cả nhiệm kỳ là 2.482,994 tỷ đồng, đầu tư xây mới và nâng cấp thêm 65 nhà văn hóa thôn, cụm dân cư, nâng tổng số nhà văn hóa thôn, cụm dân cư toàn huyện hiện nay là 119/120 nhà; triển khai lắp đặt dụng cụ thể thao ngoài trời tại 69 điểm vui chơi ở các thôn, xóm... tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân luyện tập thể dục, thể thao.
Huyện đã dẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với phát triển các ngành nghề, tạo mặt bằng sản xuất, nâng cao thu nhập người dân. Xác định thế mạnh của huyện ven đô, với tốc độ đô thị hóa nhanh, diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, Huyện tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như sản xuất hoa lan hồ điệp, rau hữu cơ, nấm với tổng diện tích là 52ha, diện tích nhà màng lưới 60ha. Đồng thời thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi được 575,7ha; diện tích trồng cây ăn quả 666ha, trong đó chủ yếu là bưởi diện tích 500ha, thu nhập bình quân từ 500-650 triệu đồng/ha/năm; phát triển chăn nuôi xa khu dân cư tại xã Phương Đình, Trung Châu, diện tích 35ha.
Thực hiện sự chỉ đạo của Thành phố, Huyện triển khai đến các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm. Đến nay Huyện đã bố trí kinh phí từ ngân sách Huyện để thực hiện kế hoạch năm 2020 có 107 sản phẩm tham gia đánh giá phân hạng…
Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố, sự phối hợp giúp đỡ của các sở, ban, ngành Thành phố…, đặc biệt là sự đồng thuận của toàn thể nhân dân trong huyện, 5 năm qua Đan Phượng đã giữ được tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt 9,63%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - thương mại - dịch vụ; giảm tỷ trọng nông nghiệp; thu nhập bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 61,2 triệu đồng/ người, gấp 2,1 lần năm 2015; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 0,17%. Chất lượng y tế, giáo dục ngày càng được nâng lên, môi trường được bảo vệ, nhân dân đồng thuận, đoàn kết, tích cực thi đua lao động, sản xuất, đóng góp xây dựng nông thôn mới. Đến cuối năm 2019, toàn huyện có 9/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, huyện phấn đấu hoàn thành 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào cuối năm 2020.
Ông Nguyễn Thạc Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng cho biết: Đối với kết quả thực hiện 9 tiêu chí huyện nông thôn mới (NTM) nâng cao, đến nay, huyện Đan Phượng đã đạt 7/9 tiêu chí gồm: Quy hoạch; Giao thông; Thủy lợi; Điện; Sản xuất; An ninh trật tự; Chỉ đạo xây dựng NTM. Còn lại tiêu chí môi trường đến tháng 6/2019 đạt 92%, kế hoạch năm 2019 sẽ đạt 95% và hợp phần trường học trong nhóm tiêu chí Y tế - Văn hóa - Giáo dục đạt 67%.
Báo cáo cũng đã nêu rõ, ngay từ khi bắt tay triển khai Chương trình xây dựng NTM nâng cao (giai đoạn 2016 - 2020), địa phương đã cụ thể hóa các nhiệm vụ thành khẩu hiệu: “Sản xuất phát triển, đường có hoa, nhà có số, hạ tầng kiên cố, cán bộ nâng tầm, nhân dân đồng thuận”. Triển khai ba tập trung về tuyên truyền, tập trung nguồn lực; bốn trụ cột trong nông nghiệp và năm điểm nhấn về văn hóa - xã hội.
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Phạm Thanh Học đánh giá, Đan Phượng là “lá cờ đầu” trong phong trào xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao của thành phố Hà Nội. Các xã đang nỗ lực, phát huy thành quả, tiếp tục xây dựng quê hương thành “miền quê đáng sống” với cơ sở hạ tầng khang trang, hiện đại, người dân có đời sống khá giả, cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp.
Xây dựng nông thôn mới gắn với tiêu chí đô thị
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, ông Trần Đức Hải cho biết: Giai đoạn 2021 - 2025, huyện Đan Phượng xác định xây dựng nông thôn mới vẫn là mục tiêu trọng tâm, là tiền đề để phát triển, xây dựng huyện Đan Phượng trở thành quận, vì vậy trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV, Huyện tiếp tục tập trung chỉ đạo xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu Thủ đô gắn với các tiêu chí đô thị. Trong đó, huyện đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm như tập trung rà soát, điều chỉnh các quy hoạch của Huyện phù hợp với tiêu chí đô thị và các quy hoạch của Thành phố để làm căn cứ triển khai thực hiện. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong sản xuất, chế biến các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; ứng dụng thương mại điện tử, phát triển các loại hình thương mại dịch vụ văn minh, hiện đại. Tập trung đầu tư phát triển du lịch, quảng bá các sản phẩm địa phương và xây dựng các điểm đến. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt trên 12%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp còn 3,8%.
Huyện Đan Phượng tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại; ưu tiên phát triển hệ thống đường giao thông, bến bãi đỗ xe, bãi tập kết vật liệu theo quy hoạch. Đẩy mạnh phát triển văn hóa xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh. Tăng cường công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy; hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền, chất lượng hoạt động của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội.