LĐLĐ thành phố Hà Nội đang quản lý, chỉ đạo trực tiếp hoạt động 45 Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở (trong đó: có 30 LĐLĐ quận, huyện, thị xã; 8 Công đoàn ngành; 7 Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở) với tổng số 9.200 công đoàn cơ sở (CĐCS) và 700.000 đoàn viên; (trong đó khu vực sản xuất kinh doanh có 5.800 công đoàn cơ sở, với 480.000 đoàn viên công đoàn).
Ông Lê Đình Hùng, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố cho biết: Năm 2023, trên địa bàn Thủ đô có 87.031 đơn vị, doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội (BHXH) - bảo hiểm y tế (BHYT) - bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) với số tiền nợ trên 5.584,5 tỉ đồng, làm ảnh hưởng đến đời sống chế độ chính sách của 940.859 người lao động (trong đó số nợ đọng của các đơn vị, doanh nghiệp đã đóng cửa, ngừng giao dịch là 1.654,8 tỷ đồng, chiếm 31% tổng số tiền nợ đọng). Đặc biệt, thời gian nợ đọng BHXH của một số doanh nghiệp kéo dài nhiều năm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi, gây bức xúc đối với tập thể người lao động.
Thực hiện Nghị định số 38/2022/NĐ-CP ngày 12/06/2022 của Chính phủ về quy định mức lương tối thiểu vùng năm 2022 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2022; theo báo cáo của các Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, đã có trên 90% các doanh nghiệp có CĐCS triển khai thực hiện quy định về mức lương tối thiểu vùng của Chính phủ. Tuy nhiên, thu nhập bình quân của người lao động đạt mức 6,5 triệu đồng/người/tháng, vẫn chưa đáp ứng mức sống tối thiểu của người lao động.
Tuy nhiên, theo ông Lê Đình Hùng việc tổ chức Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo chính quyền và công nhân lao động (CNLĐ) ở cấp quận, huyện chất lượng chưa cao. Việc triển khai pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở, tổ chức hội nghị cán bộ công chức, viên chức, hội nghị người lao động tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhiều nơi còn hình thức; tỷ lệ doanh nghiệp ký thỏa ước lao động tập thể đạt loại A còn thấp; số vụ tai nạn lao động, người lao động bệnh nghề nghiêp còn xảy ra ở nhiều doanh nghiệp. Vai trò tham gia quản lý, đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động ở một số đơn vị còn chưa rõ nét, hiệu quả chưa cao.
Để duy trì các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động theo hướng thiết thực, hiệu quả, hướng về cơ sở và người lao động, trước mắt, công đoàn tổ chức các hoạt động chăm lo Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 cho công nhân, viên chức, lao động như: Chương trình “Tết Sum vầy”, “Chợ Tết Công đoàn”, xe đưa công nhân lao động (CNLĐ) về quê đón Tết; thăm hỏi, trợ cấp công nhân, viên chức lao động có hoàn cảnh khó khăn…; tiếp tục phối hợp với các đối tác thực hiện các phúc lợi, giúp đoàn viên, người lao động được thụ hưởng các ưu đãi, giảm giá khi sử dụng dịch vụ, sản phẩm thiết yếu phục vụ đời sống.
Bên cạnh đó, LĐLĐ thành phố Hà Nội chủ động, tích cực tổ chức cho cán bộ, đoàn viên, người lao động tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo các dự án luật, các văn bản pháp quy của Nhà nước, các chủ trương phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố và các vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ); nhất là Luật Công đoàn (sửa đổi), Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Luật việc làm (sửa đổi).
Công đoàn vận động CNVCLĐ ủng hộ “Quỹ Xã hội” LĐLĐ Thành phố; tổ chức tốt Chương trình nhà ở “Mái ấm Công đoàn”, các hoạt động xã hội, từ thiện; trợ cấp khó khăn đặc biệt; chăm lo, giúp đỡ những trường hợp bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; Tổ chức các hoạt động “Đền ơn, đáp nghĩa”, ủng hộ “Quỹ Vì người nghèo”…
LĐLĐ thành phố tiếp tục sử dụng có hiệu quả Quỹ Trợ vốn công nhân viên chức lao động nghèo Thủ đô phát triển kinh tế gia đình, đảm bảo cho vay đúng đối tượng, sử dụng vốn vay đúng mục đích và có các biện pháp đảm bảo an toàn nguồn vốn cho vay.
Đồng thời, LĐLĐ thành phố Hà Nội tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhất là những nội dung liên quan đến người lao động, tổ chức công đoàn, góp phần củng cố và nâng cao nhận thức về giai cấp công nhân, về Đảng, về Công đoàn.