Công đoàn ghi nhận lương thưởng Tết các doanh nghiệp Hà Nội có tín hiệu tích cực

Theo Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Hà Nội, trong bối cảnh năm 2024, với nhiều thách thức từ thiên tai, biến động giá cả, và nguồn nhân lực khan hiếm, tình hình lương, thưởng Tết năm 2025 tại các doanh nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội vẫn ghi nhận những tín hiệu tích cực, mức tăng đáng kể so với năm trước.

Theo báo cáo từ Liên đoàn Lao động TP Hà Nội, mức lương trung bình của người lao động trong năm 2024 đã tăng từ 6,76% - 7,35% so với năm 2023.

Cụ thể, tại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), lương trung bình tăng từ 7,4 triệu đồng (năm 2023) lên 7,9 triệu đồng/tháng.

Chú thích ảnh
Lãnh đạo LĐLĐ Hà Nội thăm tặng quà người lao động dịp cận Tết.

Khối doanh nghiệp dân doanh tăng từ 6,8 triệu đồng lên 7,3 triệu đồng/tháng.

Doanh nghiệp Nhà nước duy trì mức tăng ổn định từ 7 triệu đồng lên 7,5 triệu đồng/tháng.

Đáng chú ý, mức lương cao nhất thuộc về khối doanh nghiệp FDI, với mức 147 triệu đồng/tháng, trong khi khối doanh nghiệp dân doanh đạt 59 triệu đồng/tháng.

Mức thưởng Tết năm 2025 cũng có sự cải thiện rõ rệt so với năm trước, cả Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán.

Thưởng Tết Dương lịch trong khối FDI tăng mạnh, mức thưởng trung bình tăng từ 500.000 đồng lên 1 triệu đồng/người, tăng 200%. Trong khi đó, doanh nghiệp dân doanh cũng ghi nhận mức tăng 40%, từ 500.000 đồng lên 700.000 đồng/người.

Khối FDI tiếp tục dẫn đầu về mức thưởng Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, với mức thưởng trung bình 4,5 triệu đồng/người, cao nhất đạt 311 triệu đồng. Doanh nghiệp dân doanh và doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước cũng có mức thưởng tăng nhẹ, lần lượt đạt trung bình 3,6 triệu đồng và 3,5 triệu đồng/người.

Các số liệu trên được Liên đoàn Lao động TP Hà Nội tổng hợp trên cơ sở báo cáo từ các cấp công đoàn Thành phố. Số liệu cho thấy sự chênh lệch giữa các loại hình doanh nghiệp: Khối FDI dẫn đầu về cả lương và thưởng, với mức thưởng cao nhất (lên tới 311 triệu đồng); trong khi các doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp dân doanh vẫn duy trì mức tăng trưởng ổn định, nhưng chưa đạt tới mức vượt bậc.

Việc tăng trưởng đồng đều trong mức lương và thưởng tại các loại hình doanh nghiệp cho thấy nỗ lực cải thiện đời sống người lao động của các đơn vị. Đây không chỉ là động lực giúp người lao động gắn bó lâu dài mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững trong bối cảnh cạnh tranh lao động ngày càng khốc liệt.

Từ tháng 11/2024, Liên đoàn Lao động TP Hà Nội đã chỉ đạo công đoàn các cấp phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng, kiểm tra và giám sát việc trả lương, thưởng Tết cho người lao động. Đồng thời, kịp thời xử lý các trường hợp doanh nghiệp khó khăn, nợ lương, không trả thưởng hoặc giải thể, phá sản.

Công đoàn cũng tăng cường đối thoại, thương lượng với người sử dụng lao động về kế hoạch trả lương, thưởng Tết và chú trọng chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. Ngoài ra, các biện pháp phòng ngừa tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể trong dịp Tết được triển khai quyết liệt nhằm đảm bảo an ninh, trật tự tại địa phương và doanh nghiệp.

Trong kế hoạch hoạt động năm 2025, ông Phạm Quang Thanh - Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hà Nội chỉ đạo các cấp công đoàn Thủ đô tập trung bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đoàn viên, đặc biệt trong các vấn đề như nợ lương, nợ BHXH. Các giải pháp nâng cao hiệu quả đối thoại, thương lượng tập thể được triển khai mạnh mẽ, tập trung vào tiền lương, thưởng, thời gian làm việc, nghỉ ngơi và an toàn lao động.

XM/Báo Tin tức
Thị trường lao động Hà Nội rộng mở cơ hội kết nối ngành nghề mới
Thị trường lao động Hà Nội rộng mở cơ hội kết nối ngành nghề mới

Năm 2025, thị trường lao động Hà Nội có nhiều cơ hội rộng mở, từ việc mở rộng sàn giao dịch trực tuyến đến các phiên lưu động. Phóng viên báo Tin tức đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội về vấn đề này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN