Chuyển hóa nguồn lực văn hóa Thủ đô - Bài cuối: Hiện thực hóa tầm nhìn Hà Nội

Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” luôn là đích đến, khát vọng của các tầng lớp nhân dân Hà Nội. Một Thủ đô phát triển mạnh mẽ, mang tầm vóc thời đại nhưng cũng giàu bản sắc văn hóa, hàm chứa giá trị truyền thống ngàn năm.

Khát vọng đó chỉ có thể hiện thực hóa khi có sự đồng tâm, đồng sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị cũng như nhân dân Hà Nội, đi liền với những giải pháp đồng bộ, hiệu quả. Trong đó, văn hóa được lấy làm nền tảng, động lực cho sự phát triển.

Chú thích ảnh
Không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN

Đồng tâm, đồng sức, đồng lòng

Đại hội XIII của Đảng đã xác định “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa”. Trong bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Văn hóa thực sự là nền tảng, nguồn lực nội sinh và động lực đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, đặt văn hóa ngang hàng với kinh tế và các lĩnh vực trọng yếu khác của đất nước”. Đây là những tư tưởng chỉ đạo quan trọng, ngày càng khẳng định vững chắc vai trò đặc biệt quan trọng của văn hóa trong tiến trình phát triển bền vững của nước ta.

Quán triệt, triển khai các quan điểm của Trung ương, thành phố Hà Nội đã liên tục có sự đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức, đặc biệt quan tâm việc cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo của Trung ương về phát triển văn hóa, xây dựng con người. Tiếp thu tinh thần chỉ đạo về phát triển văn hóa qua các thời kỳ, nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa, con người luôn được Đảng bộ Hà Nội kế thừa và phát triển qua từng giai đoạn. Liên tục trong nhiều nhiệm kỳ, Đảng bộ thành phố đều ban hành chương trình lớn riêng về phát triển văn hóa.

Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025”, Nghị quyết số 09-NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Các chương trình, nghị quyết là lời khẳng định nhận thức về phát triển văn hóa, xây dựng con người Hà Nội ngày càng rõ nét hơn, rõ nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, khẳng định quyết tâm “Đưa văn hóa và con người Hà Nội thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực nội sinh quan trọng quyết định phát triển bền vững Thủ đô”.

Định hướng xây dựng và phát triển văn hóa được các cấp, ngành và nhân dân Thủ đô vào cuộc triển khai trong thực tiễn, thực sự coi trọng vị trí văn hóa, ưu tiên phát triển văn hóa trong các hoạt động của mình.

Hoàn Kiếm là một trong những đơn vị đi đầu của thành phố trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển. Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết, trong quá trình triển khai các nhiệm vụ, chỉ tiêu chương trình, nghị quyết về phát triển văn hóa của Thành ủy, quận đã tập trung mọi nguồn lực thực hiện. Cụ thể, Hoàn Kiếm thực hiện tái thiết không gian công cộng, không gian văn hóa sáng tạo; bảo tồn, tôn tạo các di tích; khôi phục các lễ hội trong khu phố cổ… phục vụ đời sống tinh thần nhân dân và thu hút khách du lịch. Việc phát huy các giá trị văn hóa trên địa bàn đã góp phần phát triển thương mại, du lịch của quận, kinh tế dân sinh được cải thiện, nguồn thu ngân sách tăng và quận có thêm nguồn lực để đầu tư phát triển, nâng cao đời sống nhân dân.

Tại thị xã Sơn Tây, với sự quan tâm giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa cùng tư duy lấy văn hóa làm nền tảng, là tài nguyên để phát triển kinh tế xã hội, thị xã đã triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển đô thị bền vững gắn với bảo tồn, phát huy giá trị di sản, văn hóa, phát triển văn học nghệ thuật trên cơ sở khai thác, phát huy một cách hiệu quả các tiềm năng về điều kiện tự nhiên, văn hóa - xã hội, lịch sử truyền thống và nguồn lực con người. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của địa phương nhằm phát triển công nghiệp văn hóa và xây dựng thị xã sáng tạo, tạo nền tảng phát triển bền vững cho thị xã trong thời gian tới.

Đồng bộ các giải pháp

Các nhà quản lý, chuyên gia cho rằng, trong những năm qua, việc phát huy giá trị và nguồn lực văn hóa trong phát triển kinh tế, xã hội đạt được nhiều kết quả, tạo nên diện mạo, sức sống mới cho Thủ đô. Tuy nhiên, so với tiềm năng, thế mạnh hiện có, việc khai thác, phát huy giá trị, nguồn lực văn hóa vẫn chưa tương xứng. Để khơi thông dòng chảy văn hóa, kết nối từ quá khứ đến hiện tại, tạo động lực cho phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, Hà Nội cần thực hiện đồng bộ các giải pháp chuyển hóa nguồn lực văn hóa thành động lực phát triển Thủ đô.

Đặc trưng quan trọng của văn hóa Hà Nội là tính hội tụ, kết hợp giữa nhiều loại hình, giá trị văn hóa khác nhau. Vì vậy Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho rằng, phát triển nguồn lực văn hóa cần phát huy tối đa những giá trị văn hóa tích cực, tạo ra định hướng văn hóa chung, nâng cao nhận thức và phát triển chuẩn mực văn hóa Hà Nội hiện đại. Hà Nội cũng cần tập trung nghiên cứu quy hoạch không gian văn hóa, kết nối giữa các địa phương để đưa vào quy hoạch chung, nghiên cứu mô hình chuyển đổi, cải tạo các di sản văn hóa trở thành các không gian văn hóa sáng tạo gắn với các hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc.

Cơ chế, chính sách là vấn đề được nhiều người đề cập đến khi Hà Nội khai thác, phát huy các nguồn lực văn hóa cho phát triển kinh tế, xã hội. Bởi ở khía cạnh nào đó cơ chế, chính sách cũng là nguồn lực đặc biệt có thể kìm hãm hoặc thúc đẩy các nguồn lực văn hóa. Cơ chế, chính sách đúng đắn, kịp thời sẽ tạo điều kiện cho việc phát huy tốt nhất các nguồn lực văn hóa cho phát triển Thủ đô. Theo Tiến sĩ Nguyễn Huy Phòng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, đó là chính sách khuyến khích, phát triển tài năng trọng hoạt động văn hóa, nghệ thuật; chính sách đầu tư phát triển các không gian sáng tạo nghệ thuật; chính sách bảo tồn, giữ gìn và phát huy di sản văn hóa truyền thống gắn với phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô.

Nguồn lực đầu tư cũng là giải pháp cần được tăng cường, trong đó có nguồn lực về con người, nguồn lực về tài chính, hạ tầng văn hóa. Nguồn nhân lực được đào tạo bài bản, đúng chuyên môn nghiệp vụ, am hiểu lĩnh vực văn hóa sẽ phát huy tốt vai trò chủ động, tích cực, sáng tạo trong phát triển văn hóa. Những ưu tiên về nguồn vốn ngân sách cho phát triển văn hóa vì mục tiêu phát triển lâu dài, bền vững và huy động nguồn xã hội hóa đang rất cần trong thời điểm này khi nguồn vốn đầu tư cho văn hóa còn khiêm tốn. Hạ tầng văn hóa có quy mô lớn, hiện đại và đồng bộ cũng cần đầu tư khi Hà Nội còn thiếu những công trình lớn….

Riêng đối với hạ tầng cho các sự kiện văn hóa nghệ thuật tầm cỡ quốc tế, Nghệ sĩ Nhân dân Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội cho biết, cần có những cơ sở hạ tầng, địa điểm tổ chức phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Để có thể duy trì, tổ chức hàng năm cần có sự xây dựng, chuẩn bị và nâng cấp hàng năm. Vì vậy, việc chuẩn bị cơ sở hạ tầng đủ tiêu chuẩn cho những sự kiện văn hóa nghệ thuật mang tầm cỡ quốc tế là khoản đầu tư ban đầu không nhỏ, cần chuẩn bị và lên kế hoạch lâu dài đối với đơn vị tổ chức.

Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa là cách hiệu quả nhất để phát triển văn hóa của Thủ đô. Trong nhiều năm qua, thành phố Hà Nội luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, coi văn hóa là động lực, là một trong các nguồn lực phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô. Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định: Quán triệt và nhận thức một cách toàn diện, sâu sắc về vị trí, vai trò, tầm quan trọng về văn hóa, dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác xây dựng, phát triển văn hóa, thành phố Hà Nội đã tập trung đầu tư cho phát triển văn hóa với mục tiêu bảo vệ, bảo tồn giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, văn hóa dân tộc; phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, các công trình văn hóa.

Trong 2 năm 2021-2022, thành phố đã hoàn thành tu bổ, tôn tạo 181 di tích, trong đó có 4 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 114 di tích cấp quốc gia, 63 di tích cấp thành phố. Giai đoạn 2021-2025, thành phố bổ sung 14.029 tỷ đồng cho 579 dự án tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích; trong đó có 58 dự án cấp thành phố và 521 dự án ngân sách thành phố hỗ trợ cấp quận, huyện. Đây là nguồn đầu tư lớn nhất từ trước đến nay dành cho di sản văn hóa Hà Nội.

Văn hóa không chỉ được xác định là nền tảng tinh thần mà còn là mục tiêu, sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước. Các nguồn lực văn hóa chính là tiềm năng sáng tạo dồi dào để phát triển Thủ đô trong quá khứ, lẫn hiện tại và tương lai. Chính vì vậy, phát huy các nguồn lực văn hóa bằng các giải pháp thiết thực, đồng bộ là nhiệm vụ được quan tâm hàng đầu của Hà Nội trong việc phát triển Thủ đô theo hướng “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.

Đinh Thuận - Nam Giang (TTXVN)
Chuyển hóa nguồn lực văn hóa Thủ đô - Bài 4: Kết nối truyền thống với hiện đại trong quy hoạch
Chuyển hóa nguồn lực văn hóa Thủ đô - Bài 4: Kết nối truyền thống với hiện đại trong quy hoạch

Không giống sự hoa lệ, nguy nga với những tòa nhà chọc trời như Thủ đô của các nước khác, Hà Nội vừa mang trong mình sự sôi động của thành phố hiện đại nhưng vừa có sự hiền hòa, trầm lắng của một Thủ đô văn hiến.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN