Nhóm 01: Miễn, giảm tiền thuê đất năm 2021 để duy trì hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Nhóm 02: Hỗ trợ tiếp cận tài chính để phục vụ sản xuất kinh doanh, trả lương cho người lao động, tạo việc làm và an sinh xã hội cho người lao động; cho phép giãn nợ vay đối với khoản nợ phát sinh trong năm 2020-2021 và không chuyển nhóm nợ cho đến hết 31/12/2021.
Nhóm 03: Hỗ trợ chi phí chống dịch như xét nghiệm COVID-19, phun khử khuẩn khi thực hiện giao hàng hóa tại các tỉnh, thành khác và sớm tiêm phòng vaccine (đủ 2 mũi) cho đầy đủ người lao động của các doanh nghiệp.
Nhóm 04: Doanh nghiệp đề nghị cơ quan Bảo hiểm xã hội cho phép doanh nghiệp được tạm hoãn đóng BHXH hết năm 2021.
Nhóm 05: Chi phí logistics ảnh hưởng khá lớn đến hoạt động xuất, nhập khẩu, đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát các mắt xích logistics và có giải pháp ổn định chi phí này; Đồng thời tạo điều kiện cho lưu thông hàng hóa thuận lợi, không bị ách tắc, thống nhất trên toàn quốc về việc kiểm soát lưu thông hàng hoá, kiểm soát người đi lại trong mùa dịch.
Nhóm 06: Chính sách có tính chất dài hơi để hỗ trợ doanh nghiệp như giảm, giãn, gia hạn thuế, giảm lãi suất, giảm các chi phí sản xuất, kinh doanh; các chính sách phát triển thị trường nội địa, thúc đẩy kết nối doanh nghiệp trong nước, hình thành các chuỗi liên kết Việt.
Đánh giá chung, địch COVID-19 đã tác động rất lớn đến kinh tế, xã hội nói chung, trong đó khu vực doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề. Nhiệm vụ phục hồi sản xuất, kinh doanh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 gặp một số khó khăn.
Đó là, các chuỗi cung ứng hàng hóa bị đứt gãy, việc khôi phục chuỗi cung ứng cần chính sách đồng bộ trong tất cả các ngành, lĩnh vực và địa phương trên địa bàn Thành phố cũng như trong cả nước. Giá cả một số nguyên, nhiên, vật liệu - đầu vào cho sản xuất, kinh doanh và các công trình xây dựng có nhiều biến động. Thiếu nguồn cung lao động (lao động về quê, lao động vướng trông trẻ và việc gia đình nên chưa sẵn sàng trở lại sản xuất).
Doanh nghiệp cũng gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn do không có tài sản thế chấp hoặc phương án sản xuất kinh doanh không khả thi trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch COVID-19...
Theo kết quả khảo sát nhanh đến ngày 27/10/2021 do Cục Thuế Thành phố Hà Nội thực hiện đối với 28.377 doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố, chỉ có 30,4% số doanh nghiệp được hỏi cho rằng đang hoạt động bình thường, tốt; trên 25% số doanh nghiệp có khó khăn về tiếp cận nguồn vốn; 30% có khó khăn do phát sinh chi phí chống dịch; trên 14% gặp khó khăn do thiếu nguồn lao động trở lại làm việc sau dịch; trên 20% không mua được nguyên liệu hoặc phải mua với giá cao…
Hội nghị “Đối thoại tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội trong bối cảnh dịch COVID-19”, do UBND thành phố Hà Nội tổ chức; Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội (HPA) là đơn vị chủ trì thực hiện, Sở Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm về nội dung.