Lãnh đạo Hà Nội đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19

Hội nghị “Đối thoại tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội trong bối cảnh dịch COVID-19” diễn ra sáng 6/11, là cơ hội để lãnh đạo Thủ đô và các DN tìm tiếng nói chung, đồng hành cùng nhau trong việc vượt khó, nỗ lực phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô.

Chú thích ảnh
Quang cảnh hội nghị.

Hội nghị do UBND thành phố Hà Nội tổ chức; Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội (HPA) là đơn vị chủ trì thực hiện, Sở Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm về nội dung.

Chú thích ảnh
Ông Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành ủy Hà Nội phát biểu khai mạc tại hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn  đối với doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội.

Tham dự Hội nghị có đại diện các bộ, ban, ngành: Đại diện Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài Chính, Bộ Công Thương, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường,  Tổng cục Du lịch, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI... cùng đại diện các sở của Hà Nội như: Sở GD&ĐT, Sở Y tế, Sở Du lịch, Sở GTVT, Sở TN&MT, Sở QH-KT, Sở Xây dựng, Sở Công Thương, Sở Tài chính, Sở LĐ-TB&XH, Sở GD&ĐT...

10 tháng năm 2021: Hầu hết các chỉ số kinh tế đều giảm

Tại Hội nghị, lãnh đạo Hà Nội đã trình bày báo cáo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, kết quả giải quyết tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong thời gian qua và giới thiệu tóm tắt dự thảo Kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế của Thành phố.

Chú thích ảnh
Đại biểu tham dự Hội nghị.

Báo cáo nêu rõ:  Trước năm 2020, khi đại dịch COVID-19 chưa diễn ra, kinh tế Thủ đô duy trì tăng trưởng khá, GRDP giai đoạn 2016-2019 tăng 7,38%/năm - trong khung kế hoạch 5 năm 2016-2020.

Năm 2020, đại dịch COVID-19 bùng phát, tăng trưởng bị ảnh hưởng, GRDP tăng 4,18%, tăng trưởng trung bình 5 năm 2016-2020 đạt 6,73%. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 1,72 triệu tỷ đồng, bằng 38,9% GRDP. Thu hút đầu tư vốn ngoài ngân sách lũy kế đạt trên 2.850 dự án, vốn đăng ký trên 1,6 triệu tỷ đồng. Cơ cấu đầu tư xã hội dịch chuyển rõ nét từ khu vực nhà nước (tỷ trọng giảm từ 43,44% năm 2015 xuống khoảng 34,28% năm 2020) sang khu vực ngoài nhà nước và đầu tư nước ngoài (lần lượt đóng góp 54,84% và 10,87% năm 2020). Tiếp tục phát huy vai trò kinh tế tư nhân (kinh tế ngoài nhà nước) phát triển, dần trở thành một động lực quan trọng. Hiện nay, lĩnh vực này đã đóng góp trên 50% trong GRDP, giải quyết khoảng 83% tổng số lao động xã hội. Đại hội lần thứ XVII của Đảng bộ Thành phố đã quyết nghị chỉ tiêu tăng trưởng GRDP giai đoạn 2021-2025 từ 7,5-8,0%. Kế hoạch năm 2021 đề ra mục tiêu tăng trưởng GRDP khoảng 7,5%.

Chú thích ảnh
Nhiều doanh nghiệp đã đề xuất các mong muốn, kiến nghị với lãnh đạo Thủ đô tại Hội nghị.

Ngay từ đầu năm 2021, đại dịch COVID-19 đã bùng phát với biến chủng Delta nguy hiểm và lây lan rất nhanh. Cùng các địa phương trong cả nước, thành phố Hà Nội phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; hoạt động sản xuất kinh doanh suy giảm, đình trệ; cuộc sống của một bộ phận người lao động gặp khó khăn. Được sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp sát sao, của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các ban, bộ, ngành của Trung ương; sự phối hợp giúp đỡ của các tỉnh, thành phố trong cả nước và đặc biệt là sự đồng tình, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân Thủ đô và nhân dân cả nước. Với tinh thần nghiêm túc, quyết liệt, có nhiều biện pháp đồng bộ, sáng tạo, xây dựng kịch bản ứng phó dịch bệnh cao nhất, chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất, nhân lực và nguồn lực nên tính từ đợt dịch lần thứ 4 (ngày 27/4), toàn Thành phố trên 5.000 ca bệnh (chiếm 0,5% so với cả nước), trong đó, có 90,6% ca bệnh đã được chữa khỏi; 25% đang được điều trị tại các cơ sở y tế. Đến nay, tuy vẫn còn nguy cơ tiềm ẩn nhưng Thành phố vẫn cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, mọi hoạt động của xã hội đang dần trở lại trạng thái bình thường mới.

Chú thích ảnh

Năm 2021 – năm đầu của kế hoạch 5 năm 2021-2025; ngay đầu năm, đại dịch COVID-19 đã bùng phát với biến chủng Delta nguy hiểm và lây lan rất nhanh. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19, đặc biệt là các tháng 7, 8, 9 các lĩnh vực: Thương mại, dịch vụ du lịch, vận tải, vui chơi giải trí... suy giảm mạnh; sang tháng 10, các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng, nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh dần phục hồi, tuy nhiên lũy kế 10 tháng vẫn giảm sâu hoặc tăng nhẹ so với cùng kỳ.

Cụ thể, Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tháng 10 tăng 59,8% so với tháng 9 và tăng 5,09% so với cùng kỳ năm 2020; Lũy kế 10 tháng đầu năm giảm 7,8% (cùng kỳ tăng 2,2%).

Kim ngạch xuất khẩu tháng 10 tăng 3% so với tháng 9 và tăng 18,9% so với cùng kỳ năm 2020; Lũy kế 10 tháng giảm 2,8% (cùng kỳ tăng 0,1%).

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 10 tăng 10,2% so với tháng 9 và tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2020; Lũy kế 10 tháng đầu năm, IIP tăng 4,2% (cùng kỳ tăng 4,4%).

Khách du lịch quốc tế tháng 10 giảm 47,2% so với cùng kỳ; lũy kế 10 tháng giảm 81,7% (cùng kỳ giảm 79,9%). Khách du lịch trong nước tháng 10 giảm 75,5%; lũy kế 10 tháng giảm 24,7%. Trên 40% cơ sở lưu trú tạm dừng hoạt động và chuyển đổi ngành nghề; nhiều lao động tạm thời không có việc làm hoặc làm việc cầm chừng, bán thời gian; công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn 1-5 sao khoảng 21%, giảm 7% so với cùng kỳ năm 2020.

Chú thích ảnh
Lãnh đạo Hà Nội và các doanh nghiệp tham gia Hội nghị.

Tổng doanh thu ngành vận tải, kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải và bưu chính chuyển phát tháng 10 tăng 23,5% so với tháng 9, giảm 12% so với cùng kỳ năm 2020; Lũy kế 10 tháng đầu năm giảm 2,9% (cùng kỳ tăng 0,8%).

Tỷ lệ giải ngân xây dựng cơ bản đạt thấp. Chi đầu tư xây dựng cơ bản đến 20/10 đạt 33,91% dự toán; giảm 11,03% so với cùng kỳ.

Thu hút vốn đầu tư đạt thấp: Vốn trong nước ngoài ngân sách đạt 17.159 tỷ đồng; Vốn đầu tư nước ngoài thu hút được 1,21 tỷ USD (đứng thứ 8 cả nước).

Trong 10 tháng đầu năm, có 19.848 doanh nghiệp thành lập mới (giảm 10%) với số vốn đăng ký 275.152 tỷ đồng (giảm 2%), nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố lên hơn 320.000 doanh nghiệp; Có 2.566 doanh nghiệp thực hiện thủ tục giải thể (tăng 26%), 11.034 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động (tăng 17%); 9.144 doanh nghiệp hoạt động trở lại (tăng 76%).

 GRDP 9 tháng đầu năm tăng 1,28% - mức thấp nhất từ trước đến nay. Chỉ tiêu năm 2021 tăng trưởng 7,5% dự báo khó có thể hoàn thành.

Doanh nghiệp lao đao

Dịch COVID-19 đã tác động rất lớn đến kinh tế, xã hội nói chung, trong đó khu vực doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề. Nhiệm vụ phục hồi sản xuất, kinh doanh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 gặp một số khó khăn như việccác chuỗi cung ứng hàng hóa bị đứt gãy, việc khôi phục chuỗi cung ứng cần chính sách đồng bộ trong tất cả các ngành, lĩnh vực và địa phương trên địa bàn Thành phố cũng như trong cả nước.

Cùng với đó, giá cả một số nguyên, nhiên, vật liệu - đầu vào cho sản xuất, kinh doanh và các công trình xây dựng có nhiều biến động. Nguồn cung lao động cũng thiếu do lao động về quê, lao động vướng trông trẻ và việc gia đình nên chưa sẵn sàng trở lại sản xuất.

Doanh nghiệp cũng gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn do không có tài sản thế chấp hoặc phương án sản xuất kinh doanh không khả thi trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch COVID-19...

Theo kết quả khảo sát nhanh đến ngày 27/10/2021 do Cục Thuế Thành phố thực hiện đối với 28.377 doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố, chỉ có 30,4% số doanh nghiệp được hỏi cho rằng đang hoạt động bình thường, tốt; trên 25% số doanh nghiệp có khó khăn về tiếp cận nguồn vốn; 30% có khó khăn do phát sinh chi phí chống dịch; trên 14% gặp khó khăn do thiếu nguồn lao động trở lại làm việc sau dịch; trên 20% không mua được nguyên liệu hoặc phải mua với giá cao…

Từ những khó khăn này, các doanh nghiệp đề xuất, kiến nghị tập trung vào 6 nhóm vấn đề: Nhóm 01 là  miễn, giảm tiền thuê đất năm 2021 để duy trì hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; Nhóm 02: Hỗ trợ tiếp cận tài chính để phục vụ sản xuất kinh doanh, trả lương cho người lao động, tạo việc làm và an sinh xã hội cho người lao động; cho phép giãn nợ vay đối với khoản nợ phát sinh trong năm 2020-2021 và không chuyển nhóm nợ cho đến hết 31/12/2021; Nhóm 03: Hỗ trợ chi phí chống dịch như xét nghiệm COVID-19, phun khử khuẩn khi thực hiện giao hàng hóa tại các tỉnh, thành khác và sớm tiêm phòng vaccine (đủ 2 mũi) cho đầy đủ người lao động của các doanh nghiệp; Nhóm 04: Doanh nghiệp đề nghị cơ quan Bảo hiểm xã hội cho phép doanh nghiệp được tạm hoãn đóng BHXH hết năm 2021; Nhóm 05: Chi phí logistics ảnh hưởng khá lớn đến hoạt động xuất, nhập khẩu, đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát các mắt xích logistics và có giải pháp ổn định chi phí này; Đồng thời tạo điều kiện cho lưu thông hàng hóa thuận lợi, không bị ách tắc, thống nhất trên toàn quốc về việc kiểm soát lưu thông hàng hoá, kiểm soát người đi lại trong mùa dịch; Nhóm 06: Chính sách có tính chất dài hơi để hỗ trợ doanh nghiệp như giảm, giãn, gia hạn thuế, giảm lãi suất, giảm các chi phí sản xuất, kinh doanh; các chính sách phát triển thị trường nội địa, thúc đẩy kết nối doanh nghiệp trong nước, hình thành các chuỗi liên kết Việt.

Chung tay tháo gỡ khó khăn cho DN

Nhằm chung tay hỗ trợ doanh nghiệp, trong thời gian qua, UBND Thành phố đã ban hành một số văn bản như: Quyết định số 937/QĐ-UBND ngày 26/2/2021 về việc phân bổ lãi thu từ nguồn vốn ngân sách Thành phố ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn Thành phố quý IV/2020 để giải quyết việc làm với số tiền hơn 61 tỷ đồng; Quyết định số 894/QĐ-UBND ngày 23/2/2021 về việc bổ sung nguồn vốn ngân sách Thành phố ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Thành phố Hà Nội và phân bổ nguồn vốn cho vay đổi với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn thành phố năm 2021 để giải quyết việc làm với số tiền khoảng hơn 63 tỷ đồng; Quyết định số 1165/QĐ-UBND ngày 10/3/2021 về việc phê duyệt kế hoạch phân bổ nguồn vốn ngân sách Thành phổ ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội Hà Nội để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn Thành phố năm 2021 (đợt 2) với số tiền khoảng hơn 1.606 tỷ đồng. Giải quyết việc làm từ nguồn vốn ngân sách ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn Thành phố với số tiền là 1.282 tỷ đồng, tạo việc làm cho 28.500 lao động.

UBND Thành phố ban hành Quyết định số 3642/QĐ-UBND ngày 21/7/2021 triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Đã quyết định hỗ trợ với kinh phí 314,241 tỷ đồng (trong đó, đã hỗ trợ cho 1,560 triệu lao động, người sử dụng lao động với kinh phí 273,888 tỷ đồng cho 11/12 nhóm chính sách hỗ trợ quy định tại Nghị quyết 68/NQ-CP). UBND Thành phố đã báo cáo Thường trực HĐND Thành phố ban hành các Nghị quyết: số 15/NQ-HĐND ngày 13/8/2021 quy định một số chính sách đặc thù của thành phố Hà Nội hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng, gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 với 8 nhóm đối tượng; số 17/NQ-HĐND ngày 13/8/2021 quy định ngân sách nhà nước đảm bảo chi phí thực hiện hỏa táng đối với người tử vong dương tính với SARS-CoV-2 trên địa bàn thành phố Hà Nội; đến nay, các địa phương đã rà soát và ra quyết định hỗ trợ 282.612 người thuộc 3 nhóm đối tượng: người có công, đối tượng bảo trợ xã hội và hộ nghèo, cận nghèo với số tiền 282,612 tỷ đồng (trong đó, đã chi cho 282.227 người, hộ gia đình với số tiền 282,227 tỷ đồng).

Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội hỗ trợ nhu yếu phẩm cho 3.431 hộ nghèo không có người trong hộ tham gia thị trường lao động, gia đình gặp khó khăn do ảnh hưởng của COVID-19, trị giá 3,431 tỷ đồng.

Ngay trong lúc thực hiện giãn cách xã hội, Thành phố đã bổ sung 500 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách năm 2021 ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Thành phố để cho vay đối với người lao động có nhu cầu phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh...

Thành phố dự kiến tiếp tục bổ sung 1.000 tỷ đồng ngân sách ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội để cho doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh, người lao động vay phục hồi sản xuất, kinh doanh trong quý IV và thời gian tiếp theo.

 

Xuân Cường/ báo Tin tức
Hà Nội đối thoại tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp: Đưa Thủ đô trở lại trạng thái bình thường mới
Hà Nội đối thoại tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp: Đưa Thủ đô trở lại trạng thái bình thường mới

Sáng 6/11, Hà Nội tổ chức hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn với các doanh nghiệp trên địa bàn trong bối cảnh dịch COVID-19. Hội nghị do UBND thành phố Hà Nội tổ chức; Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội (HPA) là đơn vị chủ trì thực hiện, Sở Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm về nội dung.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN