Không khó để kể ra chuyện “chồng quy hoạch vợ”, “mẹ bổ nhiệm con”; hay cụ thể như Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa từng có đến tám phó giám đốc và Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hải Dương có 46 người thì 44 người là lãnh đạo từ cấp phó phòng trở lên…
Không phải chỉ người dân bức xúc, mới đây Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Nguyên bổ nhiệm “thừa” 23 cán bộ.
Còn Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã phải yêu cầu Bộ Nội vụ khẩn trương kiểm tra, làm rõ nội dung báo chí phản ánh việc người thân trong gia đình Bí thư và Phó Bí thư huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương nắm giữ nhiều vị trí lãnh đạo chủ chốt trong huyện; hay gia đình ông Phó Chủ tịch UBND huyện An Dương, thành phố Hải Phòng có 6 người cùng giữ các vị trí chủ chốt trong bộ máy chính quyền…
Có điều lạ là “mô hình cả họ làm quan” diễn ra từ lâu, đến mức gần như phổ biến nhưng chỉ thời gian gần đây mới lộ ra, và hầu hết các quan cất nhắc cả họ ấy đều nói một câu tỉnh queo: “Đúng quy trình!”.
Vậy, cái “quy trình đúng” ấy là quy trình nào và cần phải làm gì để xóa mô hình “cả họ làm quan” và “loạn cấp phó” này?
Thứ nhất, cần phải nói rằng, việc vin vào “quy trình” chỉ là sự ngụy biện để ngụy tạo cho động cơ không trong sáng. Mấu chốt của bổ nhiệm, đề bạt cán bộ là căn cứ nhu cầu công việc và phẩm chất, năng lực cán bộ. Còn “quy trình” chỉ là hình thức, là các bước tiến hành chứ không phải là nội dung của công tác cán bộ.
Nói cách khác, “quy trình” chỉ là thủ tục, là một trong các điều kiện khi tiến hành bổ nhiệm chứ không phải là tiêu chuẩn cán bộ; và cũng chỉ là điều kiện cần chứ chưa phải là điều kiện đủ.
Do đó, cấp dưới trình lên là “đúng quy trình”, nhưng xem xét, đánh giá và quyết định có bổ nhiệm hay không lại là trách nhiệm của cấp trên và người có thẩm quyền, chứ không phải cứ trình lên là ký “theo quy trình”, và khi “có vấn đề” thì đổ vấy vì “tin tưởng cấp dưới”.
Thực ra, những người ký “đúng quy trình” ấy có lẽ không phải là không hiểu, có điều họ núp bóng “quy trình” để mưu lợi riêng mà thôi. Thử hỏi, bây giờ cũng theo quy trình ấy nhưng lại không đáp ứng được “mục đích” của họ (tất nhiên ít có cấp dưới nào lại dám “không đáp ứng”) thì liệu họ có ký không? Tôi tin chắc là không! Nói thẳng ra, họ chỉ vận dụng “quy trình” làm sao có lợi cho họ.
Chính vì thế, tư tưởng “một người làm quan, cả họ được nhờ” thời phong kiến đang trỗi dậy. Không những thế, nó còn nguy hiểm hơn bởi núp bóng những ông “quan cách mạng”, là tiền đề của việc kết bè kéo cánh, nhóm lợi ích, “gia đình trị”…
Từ đó hình thành những “đường dây khép kín” phá nát hệ thống tổ chức và làm gia tăng nạn tham nhũng, từ tham nhũng tiền bạc, đất đai đến tham nhũng dự án, tham nhũng chính sách… Hệ quả của nạn thao túng quan trường, “nhất hậu duệ, nhì tiền tệ” còn “trí tuệ” bị gạt ra rìa này còn bóp chết nhân tài, cản trở sự phát triển xã hội và làm tha hóa cán bộ, giảm sút lòng tin của nhân dân vào Đảng và bộ máy nhà nước.
Vậy, làm thế nào để hạn chế, đi đến thanh toán nạn “cả họ làm quan”?
Thực ra, nếu là một đảng viên cộng sản chân chính, kim chỉ nam cho công tác cán bộ, như trên đã nói phải là nhu cầu công việc, nhiệm vụ và phẩm chất, năng lực cán bộ chứ không phải là châm ngôn dân gian “nhất hậu duệ, nhì tiền tệ”.
Mục tiêu tối thượng của “quy trình” phải là uy tín của Đảng và lợi ích của dân tộc chứ không phải là việc vận dụng quy trình để kéo cả nhà, cả họ vào làm quan trong cùng một địa phương mà ngay một người dân thường cũng đã thấy chướng mắt.
Như vậy, vai trò, trách nhiệm, ý thức của người đứng đầu cơ quan, địa phương phải được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, chỉ kêu gọi và trông chờ vào liêm sỉ không thôi thì chưa đủ, mà cần có những quy định chặt chẽ, cụ thể và những chế tài đủ mạnh thì mới không còn phải hỏi câu “đồng chí này là con đồng chí nào”.
Trên thực tế, các nhà nước trên thế giới từ xưa đến nay và ngay cha ông ta từ thời phong kiến cũng đã có biện pháp để chống nạn này bằng những quy định rất cụ thể trong Luật Hồi tỵ.
Theo các luật gia, luật hồi tỵ đối với quan lại có những biến thể khác nhau ở từng thời kỳ, tại từng quốc gia khác nhau. Nhưng nhìn chung, tinh thần xuyên suốt của hồi tỵ là để ngăn ngừa tham nhũng, kéo bè kết cánh theo dòng tộc hay thân thuộc của quan chức địa phương, giúp chính quyền trung ương tập quyền kiểm soát được quyền lực.
Luật Hồi tỵ được ban hành dưới thời vua Lê Thánh Tông, đến thời vua Minh Mạng được bổ sung, mở rộng phạm vi áp dụng với những quy định nghiêm ngặt hơn, trong đó có những nội dung như: Quan lại không được lấy người cùng quê làm người giúp việc.
Người có quan hệ thầy trò, bạn bè không được làm việc tại cùng một công sở. Các lại dịch nha môn, các bộ ở kinh đô và các tỉnh là con, anh em ruột, anh em con chú, con bác với nhau thì phải tách ra, đổi bổ đi nơi khác. Thậm chí, các lại mục, thông lại các nha thuộc các phủ huyện là người cùng làng cũng phải chuyển bổ đi nơi khác. Đó là những nội dung rất tiến bộ và hết sức thiết thực cần được kế thừa, phát triển và luật hóa.
Nhiều ý kiến cho rằng, chỉ cần tiếp thu tinh thần của Luật Hồi tỵ ấy đã đủ ngăn chặn mô hình “cả họ làm quan”. Tuy nhiên, trong lúc chờ những quy định cụ thể, có nhiều ý kiến được đưa ra để kiểm soát “mô hình” này, trong đó có đề xuất đáng chú ý như nên lập bản đồ quan hệ cán bộ theo kiểu như phả hệ để dễ theo dõi, giám sát; hay việc để nhân dân giới thiệu và giám sát việc bổ nhiệm cán bộ…
Có thể có những hình thức khác nhau, nhưng tựu chung lại là cần minh bạch và công khai công tác cán bộ. Chẳng hạn như công khai quy hoạch, kế hoạch bổ nhiệm cán bộ. Trước khi tiến hành bổ nhiệm cần công khai danh sách như thủ tục kết nạp đảng viên hiện nay để mọi người được biết, góp ý, phản ánh và bày tỏ chính kiến.
Hoặc trong khi chưa lập được bản đồ quan hệ thì đối với những người trong quy hoạch từ cấp phó phòng trở lên, trong lý lịch cần mở rộng kê khai các quan hệ cá nhân, nhất là những người trong gia đình (đến ba đời chẳng hạn) đang giữ chức vụ trong bộ máy của Đảng và chính quyền các cấp…
Chỉ có công khai công tác cán bộ, từ xây dựng quy hoạch, kế hoạch, thi tuyển, bổ nhiệm để nhân dân giám sát thì mới từng bước minh bạch hóa công tác cán bộ, qua đó chọn được người thực tài, thực sự vì dân, vì nước. Đó cũng còn là cái gốc của công tác chống tham nhũng và củng cố lòng tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước.