Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân

Ngày 5/4/1948 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết 12 điều răn đối với cán bộ, trong đó có 6 điều không nên làm, như sau: 1/ Không làm điều gì có thể thiệt hại đến nương vườn, hoa màu hoặc làm bẩn, làm hư nhà cửa, đồ đạc của dân. 2/ không nên năn nỉ quá hoặc mượn cho bằng được những đồ vật người ta không muốn bán hoặc cho mượn. 3/ Không nên đưa gà còn sống vào nhà đồng bào miền ngược. 4/ Không bao giờ sai lời hứa. 5/ Không nên xúc phạm đến tín ngưỡng phong tục của dân. 6/ Không nên làm hoặc nói gì có thể làm cho dân hiểu lầm rằng mình đang khinh họ. (Dẫn theo Lê Xuân Đức trong cuốn “ Đi tìm xuất xứ thơ Hồ Chí Minh”). Kết thúc bài viết về 12 lời răn, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết:

Gốc có vững cây mới bền

Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân.

Cả cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành trọn cho dân, cho nước. Dân là cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh. Mọi suy nghĩ và hành động của Người đều hướng đến dân. Người nói: “Cái gì có lợi cho dân ta phải hết sức làm, cái gì có hại cho dân ta phải hết sức tránh”.

 

Cuộc sống của nhân dân luôn là mối quan tâm tột bậc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bởi với Người, dân là những con người cụ thể với những nhu cầu thiết thực như ruộng vườn, nhà cửa; và vô cùng gần gũi như trong một đại gia đình. Vì thế Người thấu hiểu lòng dân và lo trước dân, vui sau dân như người ông, người cha, người trụ cột trong gia đình.

 

Những lời răn của Chủ tịch Hồ Chí Minh rất dễ hiểu, thiết thực, đời thường nhưng suy rộng ra ta có thể thấy đây là nền móng vững chắc cho các “hàng rào pháp lý” để bảo vệ quyền lợi vật chất và tinh thần của người dân. Những lời răn hết sức giản dị mà bao quát nhiều lĩnh vực từ đời sống, kinh tế đến văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục tâp quán của nhân dân; và cao hơn hết thảy là đòi hỏi cán bộ sự tôn trọng đối với người dân. Có được sự tôn trọng đó thì cán bộ và người dân sẽ đoàn kết gắn bó; chính quyền mới thực sự là của dân, do dân và vì dân.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”. Ấy cũng chính là kế thừa và phát huy tinh thần “Khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ, bền gốc” của anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn cùng tư tưởng “Nhân nghĩa” của danh nhân văn hoá thế giới, anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi với “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”.

 

Nhờ khoan thư sức dân mà dân tộc Đại Việt đã làm nên hào khí Đông A, 3 lần đánh thắng quân Nguyên Mông, một đội quân xâm lược đang tung hoành vó ngựa khắp Á – Âu lúc đó. Cũng nhờ “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân” mà quân dân Đại Việt làm cho tướng giặc phải “trói tay để tự xin hàng” quét sạch quân xâm lược nhà Minh ra khỏi đất nước ta trong thế kỷ 15. Và nhờ chú trọng vun bồi cái “nền nhân dân” ấy mà dân tộc ta giành được những thắng lợi vô cùng hiển hách trong thời đại Hồ Chí Minh là giành độc lập dân tộc, đấu tranh thống nhất đất nước và đang xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Cái “nền nhân dân” không phải ngẫu nhiên mà có; nó được vun đắp bằng các chính sách đúng đắn “khoan thư sức dân” tránh sưu cao thuế nặng, giải phóng sức sản xuất, làm cho dân giàu, nước mạnh; tất cả nhằm tạo ra nguồn lực to lớn và bền vững cho quốc gia; và “mỗi người dân ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”.

 

Nhân kỷ niệm 122 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi chúng ta lại học trong tư tưởng Hồ Chí Minh chữ DÂN với những điều cực kỳ giản dị nhưng là giá trị cơ bản nhất của cuộc sống mỗi người. Đó là bảo vệ ruộng nương, hoa màu, nhà cửa của dân; đừng ép dân làm những điều họ không muốn; phải tôn trọng dân và không thất hứa với dân. Những điều này “Ai chả làm được/Hễ người yêu nước” – (Hồ Chí Minh).

 

Nguyễn Quang Vinh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN