Sau gần 1 năm triển khai, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động đã thu được những thành quả đáng ghi nhận và khích lệ. Nhưng, công bằng mà nói, so với những gì chúng ta đặt ra và mong muốn thì những kết quả này vẫn còn khiêm tốn. Đó là chưa kể, vẫn còn những “hạt sạn” trong quá trình triển khai, vận động đang khiến cho hàng Việt Nam và người Việt Nam chưa tiếp cận được với nhau hoặc còn có khoảng cách.
Những “hạt sạn” này đến từ nhiều phía, trong đó điều đáng nói nhất là từ hai chủ thể quan trọng nhất: Nhà sản xuất (NSX) và người tiêu dùng (NTD). Về phía NSX, bên cạnh những NSX nghiêm túc, tạo uy tín với NTD trong nước bằng chất lượng, mẫu mã, giá cả… sản phẩm thì vẫn có NSX lợi dụng việc khuyến mại để tiêu thụ các mặt hàng tồn kho, hàng quá hạn sử dụng… khi đưa hàng về nông thôn. Rồi hiện tượng bán hàng không rõ nguồn gốc, hàng nhập ngoại trong… hội chợ, phiên chợ hàng Việt! Nhiều NSX cũng chưa chú trọng đầu tư để sản xuất được các sản phẩm chất lượng cao, cạnh tranh được với hàng nhập ngoại… Còn về phía NTD, vẫn rất nhiều người không chịu ngó ngàng, không thiện chí với hàng sản xuất trong nước do vẫn nặng tư tưởng sính ngoại. Thái độ đó không chỉ xảy ra đối với NTD nhỏ lẻ, mà còn cả đối với các khách hàng là tập thể, cơ quan nhà nước!
Chúng ta đã xác định, để thực hiện mục tiêu từ nay đến năm 2020 đưa nước ta cơ bản thành nước công nghiệp, sẽ không thể thiếu cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Như vậy, có thể coi những hành động, thái độ trên đối với hàng Việt không chỉ làm ảnh hưởng đến sự thành công của cuộc vận động mà còn làm tổn hại đến lợi ích, mục đích chung của đất nước.
Điều dễ hiểu là để NTD có thể yêu được hàng Việt thì bản thân hàng Việt phải đáng để yêu. Còn nếu hàng Việt đã đáng yêu mà NTD vẫn không chịu yêu thì đó là thái độ rất đáng trách. Do vậy, để “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nếu chỉ có cơ chế và vận động thôi thì chưa đủ. Nền tảng của công cuộc dài hơi này chắc chắn phải có sự nỗ lực, chung tay góp sức, trên hết phải là ý thức sống còn, ý thức tự nguyện, cố gắng lớn lao của cả NSX lẫn NTD. Đây phải được xem như là biểu hiện của lòng yêu nước.
Trân Chân