Bắt đầu từ 8/4, lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) sẽ đồng loạt ra quân kiểm tra, xử phạt các trường hợp trẻ em ngồi trên xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Dù đã được tuyên truyền, phổ biến quy định của Nghị định 34 và Nghị quyết 32 của Chính phủ về việc bắt buộc trẻ trên 6 tuổi phải đội mũ bảo hiểm, nhưng phần lớn các phụ huynh vẫn tỏ ra thờ ơ, hoặc tìm cách đối phó với quy định xử phạt.
Một kết quả đáng mừng là sau hơn 5 năm thực hiện Nghị quyết 32/CP của Chính phủ về bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe máy tham gia giao thông, tỷ lệ đội mũ bảo hiểm đã đạt tới 90%. Nhưng cũng thật buồn là tỷ lệ trẻ em đội mũ bảo hiểm chiếm chưa đầy 50%. Một con số đáng để các bậc phụ huynh phải suy nghĩ. Thực tế, trong những ngày đầu ra quân kiểm tra (chỉ dừng ở mức nhắc nhở, chưa xử phạt), chỉ có khoảng 50% trẻ đội mũ bảo hiểm. Không ít phụ huynh khi thấy CSGT đã tránh bằng cách đi vào tuyến đường khác; hoặc có trang bị mũ bảo hiểm cho trẻ nhưng chẳng cần quan tâm đến kích cỡ phù hợp với trẻ, thậm chí không cài dây an toàn khi đội mũ bảo hiểm cho con.
Nhiều phụ huynh cho rằng, theo quy định sẽ xử phạt trẻ trên 6 tuổi tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm. Thế nhưng với những em bé cao to, phát triển trước tuổi thì làm sao để biết là cháu chưa đủ 6 tuổi? Không lẽ đi đâu phụ huynh cũng phải kè kè mang theo giấy khai sinh của con? Số khác thì đề nghị, nên có quy định mở hơn, ngoài giấy khai sinh thì nên cho phép dùng thẻ học sinh, như vậy sẽ bớt đi sự phiền hà cho họ. Cũng có ý kiến, trẻ học mẫu giáo (với trường hợp phát triển trước tuổi), lấy đâu ra thẻ học sinh? Một số tuy biết quy định, nhưng vẫn không cho con đội mũ bảo hiểm, sợ con đội mũ sẽ ảnh hưởng đến đốt sống cổ. Cũng không ít phụ huynh tỏ thái độ, ra quân thì cứ ra quân, phạt thì cứ phạt, vài bữa đâu lại vào đó, nên chẳng có gì phải ngại...
Có thể hiểu được những băn khoăn của các bậc phụ huynh. Có điều, hậu quả của việc không đội mũ bảo hiểm cho trẻ khi tai nạn giao thông xảy ra, thì không được các bậc phụ huynh đề cập, hoặc họ cố tình lảng tránh. Rõ ràng, những lý do được các bậc phụ huynh đưa ra, thực chất chỉ là cách đối phó.
Sẽ là sự cảnh báo không thừa, nếu như ý thức của các bậc phụ huynh không có sự chuyển biến, vẫn tiếp tục coi thường tính mạng của bản thân và con em mình khi tham gia giao thông. Đã có không ít tai nạn thương tâm xảy ra, cướp đi sinh mạng của nhiều trẻ em chỉ vì sự chủ quan, hay nói cách khác là ý thức chấp hành luật lệ giao thông kém của phụ huynh học sinh. Một bệnh viện giữa trung tâm Thủ đô, riêng bệnh nhân do tai nạn giao thông thường xuyên quá tải gấp đôi, gấp ba năng lực cứu chữa. Có ngày khoa cấp cứu của bệnh viện phải đón nhận trên 200 bệnh nhân, trong đó 60% bệnh nhân bị chấn thương sọ não, và điều day dứt hơn cả, rất nhiều trong số này là trẻ em.
Vì hạnh phúc của con trẻ, hy vọng, đợt ra quân lần này của lực lượng CSGT sẽ không rơi vào tình trạng “đánh trống bỏ dùi”. Bởi một quy định, một chính sách được ban hành nếu không thực thi nghiêm túc, hậu quả sẽ thật khó lường, nhất là quy định, chính sách đó liên quan đến chủ nhân tương lai của đất nước.
Yến nhi