Mỗi lần ra Trường Sa, qua vùng biển Cô Lin - Gạc Ma, các đoàn công tác đều cử hành trọng thể lễ tưởng niệm các chiến sĩ đã hy sinh tại đây. Trong tiếng nhạc chiêu hồn liệt sĩ trầm hùng, biển cả cũng dường như nín thở để lắng nghe từ vời vợi trùng xa tiếng hô của anh hùng liệt sĩ Trần Văn Phương ngay trước họng súng quân thù, trên đảo Cô Lin: “Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo. Hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của Quân chủng hải quân anh hùng”.
Ngay sau đó anh đã ngã xuống nhưng đảo Cô Lin đã vĩnh viễn trường tồn như tiền đồn thép giữa biển Đông, lá cờ truyền thống của Quân chủng Hải quân lại thêm một lần tô thắm máu đào của liệt sĩ. Tiếng nói của người anh hùng sẽ khắc sâu trong tâm khảm của triệu triệu người Việt Nam từ thế hệ này qua thế hệ khác, không chỉ thể hiện khí phách anh hùng mà còn là tư thế của người làm chủ thật sự biển đảo, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào .
Đó chính là một tuyên ngôn về Trường Sa. Tuyên ngôn của thế hệ hôm nay không sợ hy sinh, gian khổ, quyết đem cả tính mạng của mình bảo vệ từng tấc đất đai, biển đảo của Tổ quốc.
Đất nước ta suốt ngàn năm đánh giặc đã có biết bao tấm gương dũng liệt. Mỗi lần đánh giặc dân tộc ta đều xuất hiện những tuyên ngôn ngút trời hào khí. Từ “Nam quốc sơn hà Nam đế cư” của Lý Thường kiệt đến tinh thần “sát thát” đời Trần với câu nói nổi tiếng của Trần Thủ Độ: “Đầu thần chưa rơi xuống đất xin bệ hạ đừng lo”, “Thà làm quỉ nước Nam còn hơn làm Vương đất bắc” của Trần Bình Trọng. Tinh thần đó đã làm nên hào khí Đông A trong lịch sử; mãi ngàn năm còn vang vọng núi sông lời hịch khích lệ tướng sĩ của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Và còn vọng đến hôm nay lời hịch ra quân của Nguyễn Huệ- Quang Trung: “Đánh cho để dài tóc. Đánh cho để đen răng. Đánh cho nó chích luân bất phản. Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn. Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”…
Trong lễ tưởng niệm đầy trang nghiêm và xúc động trên vùng biển Cô Lin - Gạc Ma chúng ta hiểu lịch sử là một dòng chảy liên tục, là sự kế thừa và phát huy, các sự kiện lịch sử có mối liên hệ biện chứng; và mỗi thế hệ đều viết nên trang sử cho mình. Hay nói một cách hình ảnh hơn, mỗi sự kiện lịch sử đều mang dấu ấn thời đại.
Thế hệ thanh niên hôm nay đang viết trang sử Trường Sa bằng tinh thần yêu nước trong thời đại Hồ Chí Minh. Tinh thần: “Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo…” của Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Phương. Tinh thần đó khiến tất cả chúng ta kính cẩn nghiêng mình tri ân và tưởng niệm những liệt sĩ đã ngã vào lòng biển, vì chủ quyền biển đảo và sự toàn vẹn của Tổ quốc muôn đời.
Nguyễn Quang Vinh