Từ Tứ Phương Vô Sự…

Di tích lầu Tứ Phương Vô Sự (nằm trên Bắc Khuyết đài, ngay cổng sau Hoàng thành Huế) thuộc khu di tích Đại Nội Huế vừa được Nhà nước trùng tu với mức đầu tư 9,3 tỉ đồng, thì từ cuối tháng 5 này đã được Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cho thuê mỗi năm 200 triệu đồng để làm quán cà phê. Sự việc đang gây nên nhiều ý kiến trái chiều nhau.

Lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cho rằng, việc mở quán cà phê ở đây là để phục vụ nhu cầu có thực của du khách và để tạo sinh khí cho di tích, để di tích có đời sống của nó; còn Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch) thì khẳng định không thể cấm kinh doanh ở di tích, bảo tàng. Trong khi đó, phần đông dư luận của người dân Huế và các nhà văn hóa, giới sử học đều phản đối việc biến di tích thành quán cà phê.
Vậy, nên nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Có một thực tế là không ít di tích có giá trị, được đầu tư nhiều tiền của để khôi phục, trùng tu nhưng sau khi trùng tu xong thì khách đến thưa thớt, di tích rơi vào cảnh đìu hiu, buồn tẻ, không phát huy được giá trị. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó có nguyên nhân hiện vật nghèo nàn, trưng bày sơ sài và di tích thiếu sức sống vì hầu như không có hoạt động gì.

Cũng có một thực tế không ít di tích thiếu các dịch vụ thiết yếu cho du khách như ăn uống, thư giãn, thậm chí cả… vệ sinh.

Còn có một thực tế nữa là có di tích đổ tiền tỉ vào tu bổ nhưng lại thiếu kinh phí để duy trì hoạt động và duy tu thường xuyên, dẫn đến việc không thể tổ chức hoạt động và sự xuống cấp là điều đương nhiên.

Và, còn rất nhiều thực tế khác nữa…

Nói như thế để thấy, việc tổ chức các dịch vụ, và nói thẳng ra là kinh doanh di tích không phải là cái gì xấu xa, kiêng kỵ, nếu không muốn nói là cần thiết để đáp ứng nhu cầu du khách, và cả tạo nguồn kinh phí để duy trì hoạt động cũng như duy tu… Và quan trọng hơn là tạo sức sống cho di tích, để di tích trở thành một thực thể sống động với đời sống riêng của nó; có như thế di tích mới có sức thu hút du khách, phát huy được giá trị và cả… phát triển, nếu nhìn từ một góc độ nào đó. Tuy nhiên, tất cả các dịch vụ, hoạt động đều phải nhằm phát huy giá trị của di tích.

Do đó, vấn đề ở đây là mở dịch vụ gì, mở ở đâu, tổ chức và hoạt động như thế nào mới là điều đáng bàn.


Trong sự việc lầu Tứ Phương Vô Sự nói trên, việc đáp ứng nhu cầu giải khát của du khách gắn với phát huy giá trị di tích sẽ khác với việc mở quán cà phê với mục đích kinh doanh đơn thuần, từ việc trang trí nội thất, chọn mặt hàng kinh doanh (ví dụ có thể chọn các món chè Huế là chủ đạo), đến trang phục và phong cách của tiếp viên (ví dụ mặc trang phục cung đình Huế trước đây…) để hoạt động của dịch vụ chỉ tôn thêm giá trị chứ không phải là… phá hủy di tích…

Tuy nhiên, đó là những điều cụ thể. Theo chúng tôi, từ sự việc lầu Tứ Phương Vô Sự trên đây đặt ra một vấn đề lớn hơn: Làm thế nào để khai thác di tích một cách hiệu quả, trong đó có việc mở dịch vụ và kinh doanh di tích. Không ít người rất ngại nói đến điều này, cho rằng như thế là trần tục hóa, tầm thường hóa di tích… Nhưng theo chúng tôi, đó là điều hết sức bình thường và cần thiết, không nên né tránh. Vấn đề là các cơ quan chức năng cần ngồi lại với nhau, bàn bạc một cách nghiêm túc, thấu đáo để bảo đảm các hoạt động trong di tích phát triển đúng hướng và tạo cho di tích có sức sống mới trong đương đại.

Chỉ có thể, di tích mới phát huy được giá trị và trường tồn.

Tuệ Duyên
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN