Tư duy “vùng trũng”

Đã có rất nhiều kỳ SEA Games (nếu không muốn nói là toàn bộ), cứ nước nào đăng cai thì nước đó chắc chắn sẽ đứng đầu bảng tổng sắp huy chương. Ở SEA Games 27 đang diễn ra tại Myanmar cũng không phải ngoại lệ. Dù mới già nửa chặng đường, nhưng đã có tới 4 vận động viên của Việt Nam bị xử ép, đành để mất huy chương vàng trong tiếc nuối chỉ vì sự thiếu công minh của trọng tài.


Mốc đầu tiên đánh dấu việc trọng tài phán quyết thiếu công bằng đối với vận động viên Việt Nam là ở nội dung kata biểu diễn, diễn ra ngày 13/12 vừa rồi. Trong thế áp đảo và những tưởng kết quả không thể đảo ngược khi đội tuyển nữ kata Việt Nam (với Nguyễn Hoàng Ngân, Đỗ Thị Thu Hà và Nguyễn Thanh Hằng) thi đấu nổi trội hơn hẳn các vận động viên nước chủ nhà. Bộ ba Ngân, Hà, Hằng thực hiện xuất sắc bài biểu diễn ở cả hai nội dung quyền và đối luyện, nhưng điều này đã trở nên vô nghĩa khi trọng tài đã cố tình xử ép, khiến các nữ vận động viên của chúng ta thua cuộc trong tức tưởi, cay đắng. Điều an ủi đối với các nữ vận động viên Việt Nam là ban tổ chức chính thức có lời xin lỗi về sai sót đáng tiếc kể trên và mong được bỏ qua vì sự thành công của SEA Games.


Dù đã đưa ra bằng chứng chứng minh vận động viên Li Tao (Singapore) về đích đầu tiên nhưng phạm luật, các trọng tài vẫn không thay đổi kết quả, khiến Ánh Viên mất tấm HCV một cách đáng tiếc ở nội dung 100m bơi ngửa nữ. Khi Li Tao cán đích đầu tiên với thành tích 1 phút 02 giây 47, HLV Đặng Anh Tuấn đã khiếu nại lên ban trọng tài về việc tay bơi này phạm luật khi lặn quá vạch 15m trong lúc xuất phát. Theo quy định, các tay bơi phải trồi lên mặt nước trước vạch 15m, nhưng theo băng hình thì tay bơi người Singapore vượt quá vạch này. Ngay lập tức, HLV Đặng Anh Tuấn đã gửi băng ghi hình lên ban tổ chức đề nghị xem xét lại kết quả cuộc thi. Rất tiếc, ban tổ chức đã không chấp nhận cho đội tuyển bơi lội Việt Nam được xem quá trình “mổ” băng.


Ngày 14/12, ở môn thi thể hình, lực sĩ tầm thế giới và là ứng cử viên sáng giá cho chiếc HCV hạng cân 55kg Phạm Văn Mách chỉ giành HCĐ cũng vì “sai sót vô tình” của phía chủ nhà. Sự việc diễn ra khi Mách được xướng tên ra bục biểu diễn, nhưng nhạc nền không chỉ bị phát chậm, mà còn phát sai bản nhạc mà Mách đã chọn và đăng ký với ban tổ chức. Những sai sót “vô tình” và nối tiếp nhau đó khiến tâm lý của Mách bị tác động mạnh và anh không thể tập trung thể hiện bài thi theo đúng khả năng của mình.


Nhưng có lẽ cú ép "trơ trẽn" hơn cả là trên đường đua 20km đi bộ nữ diễn ra vào sáng 15/12. Theo luật của môn đi bộ, vận động viên luôn luôn phải có ít nhất một chân chạm đất. Vận động viên Thanh Phúc của Việt Nam được đánh giá là vượt ra tầm khu vực và từng góp mặt ở Olympic London 2012, giải VĐQG 2013 bằng cửa chính đành phải chịu thua ngay tại cái "ao làng" với cách thua mà nhiều người không thể ngờ tới! Với 1 giờ 37 phút 08 giây, dù không bằng được thành tích tốt nhất của mình (1 giờ 33 phút 36), cũng đủ để Thanh Phúc đã vượt qua kỷ lục SEA Games (1 giờ 39 phút 25 giây). Một lần nữa, cô gái vàng trên đường đi bộ đã không thể thắng nổi trọng tài và đối thủ chủ nhà còn vô danh là Saw Mar Lar Nwe... vừa đi, vừa chạy mà không sợ phạm luật!


Dư luận từng không ít lần phê phán về sự bất ổn, không cao thượng trong các giải đấu thể thao ở khu vực Đông Nam Á. Đó cũng là lý do để nhiều người đánh giá, đó là “tư duy vùng trũng” cần phải nhanh chóng được gột bỏ. Để có thể xóa bỏ và xóa bỏ đến tận gốc vấn nạn đó, đó là một câu chuyện dài và không hề đơn giản khi đó cũng là vấn đề đã tồn tại quá lâu trong làng thể thao khu vực vốn còn phải vật lộn mà chưa tìm được lối ra, thay vì sự cạnh tranh thành tích thiếu lành mạnh.


Đã có lời kêu gọi các nước trong Hiệp hội Thể thao Đông Nam Á cần phải ngồi lại với nhau để sớm đưa ra được những tiêu chí chung, minh bạch, nhất quán, vì một nền thể thao khu vực lành mạnh và vì sự phát triển của nền thể thao chân chính.



Yến Nhi

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN