Tổng thống Trump và châu Á

12 ngày. 5 quốc gia. Một loạt hội nghị, cuộc gặp song phương, đa phương quan trọng. Rất nhiều cái bắt tay ấm áp. Chuyến công du châu Á-Thái Bình Dương của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khép lại thành công và nhiều ấn tượng.

Bắt đầu từ ngày 3 đến ngày 14/11, đây là chuyến công du dài nhất trong một phần tư thế kỷ qua của một tổng thống Mỹ. Nó được đánh giá là có tầm quan trọng, ghi dấu nhiều điều đầu tiên và sự thay đổi hình ảnh tích cực của chính Tổng thống Trump.

Tổng thống Trump đã đặt chân tới bang Hawaii của Mỹ cùng 5 quốc gia châu Á gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam và Philippines với một lịch trình bận rộn. Trong đó, ông Trump tham dự sự kiện quan trọng là Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Việt Nam và các cuộc họp trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 31 (ASEAN 31) tại Philippines.

Mục tiêu của vị tổng thống Mỹ thứ 45 là khẳng định lại vị trí của Mỹ trên thế giới, tìm kiếm cơ hội để giải quyết một số vấn đề chiến lược gai góc nhất: đối phó với Triều Tiên, tăng cường quan hệ đồng minh khu vực, tìm kiếm tiếng nói chung với Trung Quốc.

Nếu nói chuyến công du châu Á là để thắt chặt quan hệ với các nước nói chung và lãnh đạo các nước nói riêng, thì ông Trump đã thành công rực rỡ. Mối quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh như Hàn Quốc, Nhật Bản, Philippines dường như mặn mà hơn bao giờ hết. Lãnh đạo các nước đều dành những nghi thức cao nhất, đặc biệt nhất, trải những tấm thảm đỏ nhất để chào đón vị Tổng thống Mỹ.

Với Việt Nam, Quan hệ Đối tác toàn diện với Mỹ đã được củng cố qua chuyến thăm chính thức của Tổng thống Trump. Chỉ riêng việc ông tới thăm Việt Nam trong năm đầu làm tổng thống đã nói lên được tầm quan trọng của quan hệ hai nước. Đáng lưu ý là thời gian ông Trump ở Việt Nam cũng dài nhất so với bốn quốc gia còn lại.

Ngoài thành công trong củng cố quan hệ giữa Mỹ và các nước, dễ nhận thấy chuyến thăm châu Á của Tổng thống Trump gây chú ý với những điều đầu tiên và sự thay đổi trong cách phát ngôn.

Tại Trung Quốc, ông Trump là nguyên thủ quốc gia nước ngoài đầu tiên gặp Chủ tịch Tập Cận Bình sau khi nước này vừa kết thúc thành công Đại hội XIX Đảng Cộng sản. Đây cũng là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của ông Trump tới Trung Quốc. Ông Trump còn là tổng thống Mỹ đầu tiên dùng bữa với Chủ tịch Trung Quốc trong Tử Cấm Thành kể từ năm 1949. Động thái này có thể là thông điệp rằng Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Mỹ thay vì đối đầu.

Tại Nhật Bản, ngày 6/11, ông Trump đã gặp gia đình của các công dân Nhật bị Triều Tiên bắt cóc từ những năm 1970 và 1980, đồng thời cam kết hợp tác với Nhật Bản để đưa họ về nước. Ông Trump là tổng thống Mỹ đầu tiên đưa vấn đề về những người bị bắt cóc này ra trước Đại hội đồng Liên hợp quốc hồi tháng 9. 

Tổng thống Trump cũng là tổng thống Mỹ đầu tiên phát biểu trước quốc hội Hàn Quốc trong 24 năm qua. Còn tại Philippines, ông Trump đã có cuộc gặp chính thức đầu tiên với Tổng thống chủ nhà Rodrigo Duterte.

Ấn tượng chung tiếp theo về chuyến thăm châu Á của ông Trump là những lời lẽ đẹp đẽ. Nếu trước đây, người ta thường thấy một Tổng thống Trump với những câu nói “nóng bỏng”, thẳng và thật đến mức mất lòng, cùng với những mẩu tweet gây tranh cãi, thì trong chuyến công du châu Á, người ta thấy ông Trump tận dụng tối đa những lời lẽ đẹp đẽ, kể cả trên Twitter.

Tổng thống Trump thường tỏ ra bất mãn với Trung Quốc về tình trạng thâm hụt thương mại tới 350 tỷ USD mỗi năm. Thế nhưng, tại Trung Quốc, ông cho biết ông không đổ lỗi cho nước này về vấn đề thâm hụt thương mại – điều mà ông coi là tồi tệ và không thể chấp nhận được - mà coi đó là trách nhiệm của các chính quyền Mỹ tiền nhiệm. 

Từng gọi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un là “người tên lửa trong sứ mệnh tự sát” và đe dọa trút “lửa cháy và thịnh nộ” lên Triều Tiên, nhưng khi tới châu Á, Tổng thống Trump lại rất mềm mỏng, thậm chí ngỏ ý muốn làm bạn với ông Kim Jong-un. Hay khi phát biểu về Triều Tiên trước quốc hội Hàn Quốc, ông Trump cũng dịu giọng hơn khi nói về chiến tranh với Triều Tiên.

Nếu những gì Tổng thống Trump nói và làm trong chuyến công du ở châu Á được duy trì, thì thế giới có thể yên tâm với một viễn cảnh bớt nóng bỏng hơn. Ít nhất là sẽ giảm nguy cơ chiến tranh thương mại Trung-Mỹ, bớt khả năng xung đột quân sự Mỹ-Triều. Và rất có thể thế giới sẽ tốt đẹp hơn sau chuyến công du châu Á của Tổng thống Trump.

Thùy Dương
Tổng thống Mỹ Donald Trump kết thúc tốt đẹp chuyến thăm Việt Nam
Tổng thống Mỹ Donald Trump kết thúc tốt đẹp chuyến thăm Việt Nam

Chiều 12/11, Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Donald Trump rời Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam, theo lời mời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ ngày 11 - 12/11/2017.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN