Từng là mẫu quốc của Mali, việc Pháp lập tức chìa bàn tay (là những chiến dịch quân sự rầm rộ) khi quốc gia Tây Phi này cầu viện sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế là điều tương đối dễ hiểu. Song, sự dè dặt của phần còn lại của châu Âu trong sứ mệnh này được giới quan sát quốc tế nhận định là một bước đi sai lầm và châu Âu có thể phải trả giá vì điều này.
Pháp dẫn đầu các nước phương Tây do sự hiểu biết về khu vực này vốn được tích lũy từ cách đây hơn một thế kỷ, cùng với các quan hệ mạnh mẽ về mặt chính trị, kinh tế, văn hóa và ngôn ngữ giữa Pari với các nước trong vùng. Ngoài ra, Pháp là cường quốc duy nhất có lực lượng vũ trang đồn trú trong khu vực lân cận. Do vậy, xét về mặt quân sự, Pháp là nước duy nhất có khả năng hành động nhanh chóng trong khu vực này.
Song, vấn đề là ở chỗ, sự trợ giúp này có thể kéo dài bao lâu và Pháp có được bao nhiêu đồng minh tại châu Âu trong sứ mệnh này. Câu trả lời xem ra có phần u ám khi ngoài Anh và nước Mỹ ở bên kia bờ Đại Tây Dương với sự hậu thuẫn khá dè dặt, phần còn lại của châu Âu tỏ ra không mấy mặn mà với tình hình chiến sự tại Mali.
Trước tiên là Đức – một thành viên lớn trong Liên minh châu Âu. Béclin đã không ngần ngại tuyên bố sẽ không chuyển bất kỳ trang thiết bị quân sự nào tới khu vực để hỗ trợ đồng minh, chứ chưa nói gì tới chuyển quân. Lý do mà Béclin đưa ra là chỉ có thể điều quân ra nước ngoài tham chiến sau khi đã được Quốc hội phê chuẩn. Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) lại phản ứng khá chậm chạp trong việc thúc đẩy tiến trình triển khai nhiệm vụ huấn luyện tại Mali. Điều đó cho thấy EU chưa sẵn sàng hành động.
Thực tế này cho thấy Pháp khá đơn độc trong chiến dịch can thiệp quân sự mới nhất ở nước ngoài này khi vấp phải sự thờ ơ của châu Âu. Giới phân tích nhận định đây có thể là một tính toán sai lầm mà châu Âu có thể sẽ phải trả giá đắt sau này nếu lực lượng Hồi giáo cực đoan lên ngôi tại Mali.
Đơn giản vì Tây Phi là láng giềng gần gũi của châu Âu. Sự thịnh vượng và an ninh của khu vực, hoặc ngược lại, đều có tác động trực tiếp đến châu Âu. Khi khu vực này không ổn định hoặc gặp khó khăn về kinh tế, luồng di cư bất hợp pháp tràn sang châu Âu. Còn khi ma túy được chuyển qua sa mạc Sahara thì điểm tập kết của chúng thường là ở phía Bắc Địa Trung Hải. Kịch bản xấu nhất là quân nổi dậy thắng thế, Mali trở thành một nhà nước thánh chiến. Điều này đồng nghĩa với việc những thành quả đạt được trong những năm gần đây về phát triển chính trị, nhân quyền, tăng trưởng kinh tế và niềm tin về đầu tư có thể quay về con số không. Một nhà nước thánh chiến ở Mali sẽ làm tăng các nguy cơ khủng bố quốc tế, đe dọa sự ổn định và tăng trưởng kinh tế trên toàn Tây Phi ảnh hưởng tới châu Âu. Do đó, việc bảo vệ một Tây Phi an ninh, phát triển và hòa bình có tầm quan trọng to lớn đối với châu Âu. Và sai lầm của châu Âu khi thờ ơ với vấn đề Mali vào thời điểm này là vì thế!
Phương Hồ