Cũng không phải ngẫu nhiên mà ngay tại kỳ chất vấn Quốc hội vừa qua, nhiều ý kiến đại biểu sốt ruột hỏi người đứng đầu ngành thông tin truyền thông về giải pháp quản lý thông tin “đen” trên MXH. Và càng không phải ngẫu nhiên khi đích thân các nhà lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước cũng đã từng lên tiếng về tình trạng này với trăn trở làm sao để quản lý một cách tốt nhất thông tin trên mạng MXH.
Nhìn lại cách đây đúng 20 năm, Việt Nam đã ghi một dấu mốc quan trọng khi hòa mình vào mạng internet toàn cầu. Không thể phủ nhận, 1/5 thế kỷ đó internet đã làm thay đổi, tác động toàn diện đến mọi mặt đời sống, tạo ra những dấu ấn, thành quả chưa từng có trên nhiều mặt. Thế nhưng, bên cạnh đó, với sự tương tác cực nhanh, cực lớn cùng những thông tin chưa kiểm chứng, internet với các trang MXH cũng đã gây ra hàng loạt “điêu đứng” cho không ít cá nhân, tập thể.
Nghiêm trọng nhất là khi MXH bị các thế lực thù địch lợi dụng để tăng cường các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước; dùng thủ đoạn vu khống, bôi nhọ hình ảnh đất nước, hình ảnh lãnh đạo cấp cao; ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta.
Theo thống kê của Cơ quan An ninh, tính đến nay, đã có tới trên 2.500 trang web, blog, MXH đang hoạt động và đăng tải các thông tin với mục đích tuyên truyền phá hoại; trong đó, nổi lên là các trang như: Việt Tân, Dân làm báo, Quan làm báo… Tất cả đã gây nên tình trạng nhiễu loạn thông tin, tuyên truyền phá hoại, kích động biểu tình, bạo loạn… chưa từng có.
Điều đáng lo ngại là các thông tin này đều được đưa ra hết sức tinh vi, khó mà phân biệt được thật- giả, sai- đúng nếu người tiếp nhận (thậm chí là người dẫn lại đưa tin, comment) không tỉnh táo, không kiểm chứng, sàng lọc và không đối chiếu thông tin đa chiều với các thông tin trên báo chí chính thống. Trên thực tế, đã có nhiều trường hợp người dân do bản lĩnh chính trị yếu kém đã bị tác động bởi các luận điệu sai trái, dẫn tới có hành vi vi phạm pháp luật. Và hậu quả nhãn tiền là đã bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang từng cho rằng, việc nhiễu thông tin trên MXH hiện nay làm cho người tiếp cận thông tin rất lo ngại, hoang mang, không biết tin vào đâu. Còn Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Trương Minh Tuấn trong cuộc đăng đàn trả lời chất vấn Quốc hội mới đây cũng xác nhận, bên cạnh những ảnh hưởng tích cực, MXH mang đến tác hại cũng rất lớn. Các thông tin sai sự thật, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, đời tư, khiêu dâm, chống phá... ngày càng nhiều. Cả người đứng đầu Nhà nước và ngành thông tin truyền thông đều khẳng định, dù các thông tin trên internet là rất phức tạp, khó quản lý vì được viện lý do là quan điểm cá nhân, nhưng sẽ quyết tâm và nếu quyết tâm thì ắt sẽ quản lý được.
Thời gian tới, Bộ Thông tin Truyền thông, Bộ Công an... sẽ tăng cường xử lý vi phạm trên MXH với việc tăng nặng các mức phạt; đẩy mạnh rà soát kiểm tra, phát hiện các đối tượng chống phá trên MXH để đưa ra xử lý nghiêm minh. Các quy định để quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng cũng sẽ được tăng cường và triển khai chặt chẽ. Cùng với đó, các cơ quan báo chí chính thống sẽ thể hiện vai trò hơn nữa trong việc dẫn dắt các thông tin tích cực, đính hướng thông tin cho dư luận.
Thế nhưng, với con số trên 50 triệu người sử dụng internet, chỉ tính riêng hai MXH Facebook và Youtube đã thu hút gần 90 triệu thành viên thì rõ ràng, người dùng mới là thành phần quan trọng nhất trong việc tiếp nhận, “quản lý” thông tin độc, đen trên MXH. Bởi vậy, hơn hết, việc chủ động “gạn đục khơi trong” trong tiếp nhận và cẩn trọng trong phát ngôn, đăng tải thông tin trên MXH; nâng cao trình độ để có thể phân biệt thông tin tốt xấu, đúng sai và kiểm soát các comment của mình để trở thành người dùng MXH thông minh, tri thức mới là điều cần thiết hơn bao giờ hết.
Phải khẳng định, việc chống lại, kiểm soát thông tin xấu, độc là vấn đề của toàn cầu chứ không chỉ riêng của Việt Nam. Tuy nhiên, trong khi chúng ta chưa thể có một MXH riêng mà vẫn phụ thuộc phần lớn vào các trang MXH của nước ngoài thì việc kiểm soát thông tin chính là nằm trong tay người sử dụng.
Nếu như mỗi người dùng MXH nằm lòng “năm không”: Không nghe, không xem, không đọc, không tin, không vào hùa với những thông tin sai trái, những luận điệu xuyên tạc, phản động, tràn lan trên MXH. Nếu như mỗi người dùng MXH đều là những “chiến sỹ trên mặt trận thông tin” thì chắc chắn không có một động cơ xấu xa nào hoặc một thế lực thù địch nào có thể lợi dụng để tạo ra một cuộc “chiến tranh không khói súng” trên MXH.