Trong kỳ thi đại học, cao đẳng năm nay Bộ Giáo dục và Đào tạo có một qui định “chưa có tiền lệ” là cho phép thí sinh được mang vật dụng điện tử có thể là máy ghi hình, máy ghi âm, máy chụp hình… vào phòng thi; miễn là những thiết bị ấy người sử dụng không nghe được âm thanh, không xem được hình ảnh trực tiếp, tại chỗ và không thể truyền thông tin ra ngoài phòng thi.
Với qui định như vậy, thí sinh không thể lợi dụng các thiết bị điện tử này để thực hiện những hành vi sai trái trong thi cử.
Thí sinh không thể lợi dụng các thiết bị điện tử này để thực hiện những hành vi sai trái trong thi cử. Ảnh Internet. |
Ngay sau khi qui định này ra đời, không ít người đã tự hỏi: Qui định này nhằm tới mục đích gì? Ông Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: Bộ sẽ khuyến khích mọi thí sinh tố cáo gian lận, tiêu cực trong thi cử. Như vậy đã rõ, việc cho phép thí sinh mang các “thiết bị gián điệp” vào phòng thi là nhằm mục đích “phát động thí sinh” thu thập tin tức, chứng cứ để tố cáo những hành vi gian lận, tiêu cực trong thi cử.
Như vậy, công tác chống gian lận trong thi cử đã được thử nghiệm bằng phương thức “xã hội hoá”: Tất cả mọi thí sinh đều có thể tham gia chống gian lận, tiêu cực trong kỳ thi đại học, cao đẳng năm nay. Cũng có nghĩa là thí sinh kiêm luôn một phần việc rất quan trọng của giám thị là phát hiện các sai trái trong phòng thi, để sau đi tố cáo những thí sinh và giám thị vi phạm qui chế thi.
Nhiều người cho rằng, sở dĩ có qui định “rất mới” này là do “kết quả” từ vụ “Đồi Ngô”, một vụ việc thật đáng khen với một thí sinh đã dũng cảm tố cáo tiêu cực trong phòng thi, dù biết rằng, việc làm này là vi phạm qui chế thi và có thể sẽ bị huỷ kết quả thi. Song le, cũng nhờ sự “dũng cảm vi phạm này” mà cả xã hội biết được một sự thật đáng xấu hổ trong việc thi cử tại hội đồng thi Đồi Ngô. Nó lột tả một hiện thực về bệnh thành tích, nạn gian lận trong giáo dục vẫn là căn bệnh trầm kha âm ỉ chưa có thuốc đặc trị. Từ vụ Đồi Ngô dư luận cả nước mong muốn các nhà quản lý giáo dục thấy được tiêu cực của ngành giáo dục; qua đó tìm ra phương thức hữu hiệu nhất để ngăn ngừa tệ nạn gian lận trong thi cử, mang lại môi trường nghiêm túc vốn có của trường thi; nhằm thể hiện đúng chất lượng giáo dục qua mỗi kỳ thi.
Đây là vụ việc “độc nhất vô nhị” và cũng chưa có tiền lệ. Chính vì vậy mới giúp cho các nhà quản lý giáo dục có đủ điều kiện để nhìn nhận vấn đề toàn diện và có biện pháp ứng xử thỏa đáng với người vi phạm và người tố cáo. Tuy nhiên, nếu vụ Đồi Ngô trở thành phổ biến, các băng ghi hình bất kể đúng sai, được thí sinh đã gửi tới thì ngành giáo dục sẽ xử lý ra sao?
Cho phép thí sinh mang thiết bị điện tử vào phòng thi có thể ngăn chặn ý đồ tiêu cực của một số thí sinh và giám thị nhưng đồng thời cũng tự đánh mất đi tính nghiêm cẩn đặc biệt của trường thi. Tạo ra không khí nghi kỵ lẫn nhau giữa các thí sinh, kể cả những thí sinh thi cử nghiêm túc cũng lo ngại vì những tố cáo sai sự thật; như vậy, kỳ thi chẳng những đã đánh mất ý nghĩa rất quan trọng là nơi đánh giá năng lực, học lực của thí sinh mà còn tạo ra tâm lý lệch lạc, ảnh hưởng lớn tới nhân cách của những người đang chuẩn bị bước vào đời.
Nguyễn Quang Vinh