Khai thác cát để lại các hố sâu nham nhở dọc bờ sông khu vực thôn Bản Pẻn, xã Dương Quang, thành phố Bắc Kạn. Ảnh: Đức Hiếu/TTXVN |
Ở đâu “cát tặc” cũng hoành hành, diễn ra rầm rộ với qui mô lớn ngay trước mắt người dân và chính quyền. Ở nhiều nơi có vẻ như “cát tặc” đã lờn thuốc điều trị của chính quyền nên phớt lờ mọi sự phản đối của người dân.
Đã có những cuộc phản đối của người dân chống lại “cát tặc” nhưng xem ra những việc làm của dân dù có tổ chức và diễn ra đúng pháp luật, nhằm ngăn chặn hành vi phi phạm pháp luật của “cát tặc” nhưng không mang lại kết quả nào một khi chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng không có đủ quyết tâm và các biện pháp “tuyên chiến” với “cát tặc”.
Người dân đặt vấn đề rằng, nếu không có thế lực “chống lưng” thì không có “cát tặc”, hoặc có thì chúng cũng không dám ngang nhiên hoành hành như thế trước mắt chính quyền và người dân.
Những ý kiến của dân không phải là không có cơ sở khi nhìn vào cung cách và thái độ xử lý của chính quyền và cơ quan chức năng. Biết bao nhiêu hậu quả từ “cát tặc” gây ra cho người dân như hàng ngàn héc ta vườn đất đã bị quăng xuống sông làm cho dân mất nhà, mất đất cư trú và canh tác; nhiều công trình đê kè bị sụt lở, xuống cấp đe dọa an toàn hồ đập vào mùa mưa lũ.
Người dân nhiều nơi đã kêu cứu chính quyền và các cơ quan chức năng nhưng “cát tặc” vẫn ngang nhiên rút ruột sông, hồ, ăn cắp tài nguyên quốc gia, tàn phá môi trường mặc cho đời sống người dân thêm rủi ro, khó khăn, ngân sách Nhà nước thất thu.
Nhiều nơi chính quyền địa phương cũng đã vào cuộc nhưng dường như còn có cái thế lực “chống lưng” nào đó “to” hơn cả chính quyền. Hậu quả là “cát tặc” ngày càng lộng hành, coi thường kỷ cương phép nước, thực sự trở thành một loại “giặc” khi chúng đe dọa cả chính quyền như vụ việc diễn mới đây đối với Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh.
Khi những kẻ khai thác cát trái phép, vi phạm pháp luật mà lại có hành vi đe dọa chính quyền thì chúng không chỉ là hạng “cát tặc” luôn lo sợ và tìm cách qua mắt chính quyền như chúng đã làm nhiều năm qua mà đã trở thành một thứ thế lực ngầm thách thức và chống đối chính quyền. Chúng thực sự đã trở thành một thứ “giặc” đối với chính quyền và cần phải được nghiêm trị theo pháp luật.
Việc “cát tặc” đe dọa Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh cũng là một dấu hiệu chứng tỏ việc chống “cát tặc” không những chưa mang lại hiệu quả mà còn tỏ rõ sự yếu kém trong công tác quản lý tài nguyên khoáng sản; việc thực thi pháp luật trên lĩnh vực khoáng sản, tài nguyên, môi trường của chính quyền và các cơ quan quản lý chưa hiệu quả.
Do vậy đề thanh toán triệt để vấn nạn “cát tặc” chúng ta cần có qui hoạch chiến lược tài nguyên cát quốc gia. Có chiến lược và kế hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên cát đối với từng vùng, từng địa phương để phục vụ sự phát triển bền vững. Không để cho tài nguyên cát bị phung phí, sử dụng không hiệu quả chẳng hạn như có nơi xuất khẩu cát với giá rẻ mạt, làm lợi cho một nhóm lợi ích nào đó.
Một khi qui hoạch chiến lược được công khai, các địa phương sẽ có căn cứ để kiểm tra, quản lý và thực hiện. Bất kỳ nơi nào khai thác tài nguyên cát không trong qui hoạch sẽ bị xử lý theo pháp luật. “Cát tặc” là hệ quả của sự mất kiểm soát, của kiểu khai thác “mạnh ai nấy làm”, của cơ chế xin – cho; cũng không loại trừ việc một số nơi chính quyền thông đồng, dung túng hoặc một thế lực nào đó “chống lưng” cho “cát tặc”.
Vì thế, muốn triệt để thanh toán vấn nạn “cát tặc” phải bắt đầu từ sự lập lại kỷ cương, trách nhiệm của hệ thống chính quyền và các cơ quan quản lý và thực thi pháp luật trên lĩnh vực tài nguyên, khoáng sản.