Bầu cử Quốc hội đa đảng ở Campuchia:

Thắng thua cách nhau trong gang tấc

Cuộc bỏ phiếu bầu Quốc hội khóa V ở Campuchia đã đi đến hồi kết. Và đúng như người ta dự đoán, thắng lợi gần như chắc chắn đã thuộc về Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền, dẫu không được như mong đợi.


Theo kết quả sơ bộ, CPP giành được 68/123 ghế so với 55 ghế của Đảng cứu quốc Campuchia (CNRP) đối lập trong cuộc bầu cử quốc hội diễn ra ngày 28/7 vừa qua.


Và như vậy, chỉ có 2 trong số 8 đảng tham gia tranh cử lần này giành được ghế trong Quốc hội khóa mới.


Rất tiếc là đảng FUNCINPEC của công chúa Norodom Arun Rasmey, liên minh của CPP, cũng nằm trong số 6 đảng thất cử.


Thủ tướng Hun Sen ngày 31/7 xuất hiện lần đầu tiên trước công chúng kể từ sau cuộc bầu cử, chính thức bác bỏ những tin đồn lan truyền về việc ông đã "chạy ra nước ngoài". Ảnh AFP/TTXVN


Kết quả kiểm phiếu sơ bộ diễn ra cuối ngày 28/7 khiến nhiều người nghẹt thở. Có lúc, đảng đối lập CNRP của Sam Rainsy đã tuyên bố thắng cử, nhưng rồi không lâu sau đó, họ đã phải ra thông cáo đính chính. Ở một số địa bàn quan trọng, có đông dân cư, nơi được phân bổ nhiều ghế, cuộc đua tranh giữa CPP và CNRP diễn ra ngang ngửa. Tin ban đầu của TTXVN cho biết: tại Phnom Penh, 12 ghế được chia đều cho 2 đảng này. Nhưng ở tỉnh Kompong Cham, đảng đối lập giành được 10 ghế so với 8 ghế của CPP. Tại tỉnh Kandal, đảng đối lập giành được nhiều hơn CPP 1 ghế (6/5). Nhưng ở Prey Veng, kết quả lại đảo chiều khi CPP giành được 6 ghế và CNRP được 5. Còn ở Siem Reap, CPP đã thắng áp đảo, giành được 5 ghế, trong khi CNRP chỉ được 1. CPP gần như giành thắng lợi trọn vẹn ở hầu hết các tỉnh được phân bổ từ 1 - 3 ghế.


Kết quả sơ bộ cho thấy cuộc bầu cử Quốc hội khóa V ở Campuchia diễn ra khá gay cấn và thắng thua chỉ cách nhau gang tấc.


Thể chế chính trị đa đảng là như thế. Ranh giới giữa ổn định và bất ổn, thậm chí có thể nói giữa hòa bình và chiến tranh, là rất mong manh.


Chỉ cần CPP mất thêm 7 ghế, cán cân sẽ nghiêng về phe đối lập của chính khách theo đường lối dân tộc cực đoan Sam Rainsy. Khi ấy, tình hình Campuchia sẽ ra sao? Mọi thứ sẽ đảo lộn. Mất ổn định và xung đột là điều có thể nhìn thấy trước. Hòa bình, ổn định và an ninh trong khu vực bị đe dọa.


May mắn là tình huống đó đã không xảy ra.


Dẫu sao, đảng cầm quyền CPP cũng không khỏi “giật mình”, khi bị mất hơn 20 ghế so với cuộc bầu cử Quốc hội khóa trước (2008).


Có nhiều nguyên nhân dẫn đến kết quả như vậy. Nhưng có hai nguyên nhân quan trọng khiến đảng cầm quyền mất nhiều ghế cho đảng đối lập. Thứ nhất, khoảng 50% cử tri, tức là hơn 4,8 triệu người, ở độ tuổi từ 18 - 35. Những người này sinh ra hoặc lớn lên sau ngày Campuchia thoát họa diệt chủng. Họ nhìn về quá khứ không giống như cha ông họ. Trong khi đó, phe đối lập lại lợi dụng các mạng xã hội để vận động tranh cử với khẩu hiệu nhằm mục tiêu “thay đổi” mà họ học từ cuộc vận động tranh cử ở Mỹ không phải là không có tác động đối với cử tri trẻ. Thứ hai, tình trạng tham nhũng trong hệ thống chính quyền từ Trung ương đến địa phương và những căng thẳng xã hội nảy sinh từ các vụ cưỡng chế thu hồi đất phục vụ các dự án đầu tư phát triển theo sự chi phối của các “nhóm lợi ích”, dẫn đến sự phân hóa giàu nghèo ngày càng rõ rệt, với hố ngăn cách ngày càng lớn, chính là “gót chân Achilles” của đảng cầm quyền mà phe đối lập đã triệt để khai thác trong chiến dịch vận động tranh cử vừa rồi.


Rõ ràng CPP phải nhìn lại mình để điều chỉnh chính sách cho phù hợp với tình hình mới.


Dẫu mới là kết quả sơ bộ, nhưng CPP đã tuyên bố thắng cử, còn đảng đối lập của Sam Rainsy tuyên bố không công nhận kết quả.


Hãng tin Pháp AFP, theo trích thuật của Đài BBC, đã dẫn thông cáo của đảng đối lập cho biết: “Đảng Cứu quốc Campuchia không thể chấp nhận kết quả của cuộc bầu cử quốc hội lần thứ năm... bởi vì CNRP đã phát hiện rất nhiều những sai sót nghiêm trọng”.


CNRP kêu gọi “thành lập khẩn cấp” một ủy ban đại diện hai chính đảng lớn để cùng với ủy ban bầu cử quốc gia, các tổ chức dân sự và đại diện Liên hiệp quốc điều tra về các khiếu nại.


Tuy nhiên, ủy ban bầu cử quốc gia Campuchia đã bác bỏ cáo buộc có sai sót trong bầu cử.


Một ngày sau khi cuộc bầu cử Quốc hội khóa V tại Campuchia kết thúc, Tổ chức Đại hội quốc tế các chính đảng châu Á (ICAPP) và Hiệp hội các đảng dân chủ châu Á-Thái bình dương (CAPDI) - những tổ chức có các đại diện tham gia giám sát quá trình bỏ phiếu ở Campuchia - đã tuyên bố cuộc bầu cử này diễn ra tự do, công bằng, chính xác, minh bạch, không bạo lực.


Trước đó, chiều 28/7, nhóm quan sát viên ASEAN cũng tổ chức họp báo đánh giá quá trình bầu cử Quốc hội Campuchia khóa V đã diễn ra tốt đẹp.
Cho đến khi kết quả bầu cử được chính thức xác nhận, và thậm chí cả sau đó, phe đối lập có thể tiếp tục “làm mình làm mẩy”, thậm chí có thể tổ chức biểu tình, tuần hành phản đối. Nhưng nhiều nhà phân tích cho rằng cuối cùng đảng đối lập CNRP sẽ chấp nhận kết quả bầu cử, vì thực sự họ cũng đã “sướng rơn trong bụng” khi giành được số ghế “ngoài sự mong đợi”, nhiều gần gấp hai lần so với kỳ bầu cử trước (trong cuộc bầu cử Quốc hội năm 2008, đảng Sam Rainsy và đảng Nhân quyền – hai đảng sáp nhập thành đảng CNRP hiện nay – giành được tổng cộng 29 ghế).


Khi kết quả bầu cử chính thức được công bố mà không có gì thay đổi hoặc thay đổi không đáng kể, nghĩa là CPP giành được quá nửa số ghế trong Quốc hội khóa V (2013-2018), thì đảng này vẫn giữ vị thế cầm quyền, được đứng ra lập chính phủ nhiệm kỳ mới. Phó Chủ tịch CPP Hun Sen, người đã giữ ghế Thủ tướng trong 28 năm liên tục, sẽ tại nhiệm ít nhất thêm 5 năm nữa. (Theo Hiến pháp Vương quốc Campuchia đã được tu chính năm 2006, đảng nào giành được 50% + 1 số ghế trong Quốc hội thì được quyền thành lập chính phủ).


Dẫu chỉ có được đa số thường trong Quốc hội khóa mới, CPP vẫn có được đủ số ghế cần thiết để kiểm soát hoạt động lập pháp và, như nhận định của BBC, điều này “đảm bảo rằng CPP vẫn có thể tiếp tục điều hành đất nước như họ muốn”.


Dưới sự lãnh đạo của CPP, Vương quốc Campuchia chắc chắn sẽ tiếp tục ổn định và phát triển trong xu thế hội nhập và hợp tác, có quan hệ hữu nghị, đoàn kết với các nước trong khu vực, nhất là các nước láng giềng, đồng sức đồng lòng cùng với toàn khối ASEAN phấn đấu vì một Đông Nam Á hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung…


Vậy là cuộc bầu cử Quốc hội khóa V ở Campuchia cuối cùng cũng đã “kết thúc có hậu”.


Nguyễn Quốc Uy

Đảng cầm quyền Campuchia sẵn sàng đối thoại
Đảng cầm quyền Campuchia sẵn sàng đối thoại

Thủ tướng Hun Sen, Phó Chủ tịch đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền, cho biết CPP đã thành lập tổ công tác để tiến hành đối thoại với đảng đối lập nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến Quốc hội và kiểm tra những cáo buộc vi phạm về bầu cử.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN