Nghệ sĩ guitar Đào Như Khánh (phải) say sưa biểu diễn tại đêm nhạc "Ru con".
Gần 5 năm sau khi giành giải đặc biệt trong cuộc thi Guitar Quốc tế lần thứ 8 tại Berlin, Cộng hòa Liên bang Đức (tổ chức 2 năm một lần, được Bộ Ngoại giao Đức, Viện Goethe, Hội Nhạc sĩ Cộng hòa Liên bang Đức, nhà sản xuất đàn Roge Yang và một số hiệp hội văn hóa tại Đức đồng bảo trợ), nghệ sĩ guitar trẻ Đào Như Khánh tiếp tục theo đuổi niềm đam mê âm nhạc, đưa giai điệu dân ca Việt vào âm nhạc cổ điển thông qua những buổi biểu diễn lớn nhỏ, những lớp học guitar nuôi dưỡng tâm hồn các bạn học sinh.
Trong không gian quán cafe ngập tràn không khí Xuân, hoa cúc vàng, hoa đào khoe sắc thắm, lồng đèn đỏ giăng kín lối, những vị khách thư thái nhâm nhi ly nước, trò chuyện cùng nhóm bạn… nghệ sĩ Đào Như Khánh xuất hiện với một bộ suit đen trang trọng, tay nâng niu cây đàn guitar, bước chân từ tốn tiến vào, bất giác một vài vị khách ngước nhìn… Khoảnh khắc đó, người phóng viên trẻ ý thức được rằng, đây không chỉ là một cuộc trò chuyện bên ly cafe thông thường, một buổi biểu diễn âm nhạc cổ điển trang trọng chuẩn bị bắt đầu.
Nghệ sĩ Đào Như Khánh, người giành giải đặc biệt trong cuộc thi Guitar Quốc tế lần thứ 8 tại Berlin.
Nghệ sĩ trẻ bắt đầu bằng những câu chuyện nhỏ thời học sinh, sinh viên; những “sự cố đáng tiếc” trên con đường theo đuổi đam mê, những lần ngậm ngùi cúi chào khán giả ngay khi một vài giai điệu đầu vang lên, bởi sự hồi hộp, căng thẳng bao trùm lên cậu sinh viên trẻ tuổi, cùng những “ám ảnh” thất bại trên sân khấu… Thậm chí có những bản nhạc rất quen thuộc, đã đánh gần 20 năm, nhưng mỗi lần mang lên sân khấu biểu diễn, cảm giác hồi hộp vẫn như ngày nào… Những lúc đó, nghệ sĩ trẻ Đào Như Khánh tự nhìn lại bản thân và dành nhiều giờ mỗi ngày luyện tập, vượt lên nỗi sợ của bản thân, để không ngừng tiến bộ và tiến về phía trước…
Trong ký ức của thầy Nguyễn Quang Vinh (Giảng viên guitar trường Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), Đào Như Khánh, một cậu học trò “thất thểu, lưng đeo một cây đàn guitar "cũ nát”, thầy thường nói đùa, cây đàn đó để ngoài đường cũng không ai nhặt… Thế nhưng, cậu học trò ngày nào giờ đã gặt trái ngọt, trở thành niềm hãnh diện của bạn bè, thầy cô.
Những dòng chữ viết tay thầy Nguyễn Quang Vinh động viên, tự hào về cậu học trò ngày nào.
Để có những thành công bước đầu trên chặng đường âm nhạc, thầy Nguyễn Quang Vinh cho rằng, việc có kỷ luật và thái độ nghiêm túc với nghề là yếu tố then chốt. Trong quãng thời gian trên giảng đường, thầy Nguyễn Quang Vinh không “tô vẽ tương lai màu hồng”, thầy thẳng thắn nêu lên những hiện thực đau lòng, rằng “em có thể bị ‘đói’ sau khi ra trường”, nhưng nghệ sĩ Đào Như Khánh không nhụt chí, vẫn vững tâm trên hành trình theo đuổi âm nhạc.
“Thật bướng bỉnh, nhưng điều đó khiến tôi càng trân quý và có nhiều cảm hứng khi làm việc với Khánh”, thầy Nguyễn Quang Vinh bày tỏ. “‘Ngọn lửa’ tôi truyền cho em trên giảng đường vô tình đi kèm những thử thách, nhưng em đã vượt qua bằng tình yêu nghệ thuật và sự quyết tâm của mình”.
Gửi gắm đến người học trò cũ, thầy Nguyễn Quang Vinh mong muốn nghệ sĩ guitar trẻ luôn giữ được nhiệt huyết với nghề, “truyền lửa” đam mê cho những bạn trẻ. Đơn giản hơn là làm “giàu có”, phong phú hơn đời sống tinh thần của bản thân và những người xung quanh qua những tiếng đàn guitar, làn điệu dân ca gần gũi, quen thuộc…
Những tiết dạy đàn guitar say sưa của thầy trò Đào Như Khánh tại ngôi trường THCS, THPT Nguyễn Tất Thành.
Hiện tại, bên cạnh những buổi biểu diễn, thỏa niềm đam mê, hàng tuần, anh dành thời gian giảng dạy đàn guitar cho 20-30 bạn học sinh tại trường THCS, THPT Nguyễn Tất Thành (TP Hà Nội). Anh không giấu nổi niềm vui khi nói về những cô cậu học trò nhỏ.
“Đó là khoảng thời gian tuyệt vời, các em học sinh thông minh, học hỏi các kỹ thuật chơi đàn guitar nhanh nhạy. Trong mọi lớp học, tôi luôn ưu tiên chỉ dạy những nốt nhạc để các em có thể nắm bắt những kiến thức nhạc lý cơ bản nhất… Qua đó, tôi mong muốn mang đến những giờ học đàn vui vẻ, thư giãn, tận hưởng những cái đẹp trong âm nhạc và có nhiều kỷ niệm đẹp bên những người bạn sau những giờ học căng thẳng”, nghệ sĩ Đào Như Khánh nói.
Hàng tuần, nghệ sĩ Đào Như Khánh cũng dành thời gian cho các lớp dạy đàn 1-1. Bước vào tuổi 65, bác Nguyễn Ngọc Dũng (72 tuổi, quận Đống Đa) bắt đầu học những nốt nhạc, những kiến thức nhạc lý đầu tiên… Sau 7 năm đồng hành cùng nghệ sĩ Đào Như Khánh, hiện tại bác Nguyễn Ngọc Dũng có thể chơi một vài bản nhạc cổ điển, nhạc Trịnh Công Sơn chuyển soạn cho guitar.
Bác Nguyễn Ngọc Dũng đã có 7 năm gắn bó với lớp học đàn guitar của nghệ sĩ trẻ.
“Hiện tại tôi là học sinh nhiều tuổi nhất học guitar của thầy Khánh. Tuy còn tuổi đời còn trẻ, nhưng thầy Khánh là người dạy đàn đầy nhiệt huyết và đam mê. Thầy không chỉ có kỹ năng chơi đàn mà còn có phương pháp dạy sáng tạo và thú vị, luôn biết cách khơi gợi niềm đam mê, giúp tôi tự tin, nhanh tiến bộ. Tôi đã khám phá được cái hay trong thế giới âm nhạc và có những giây phút tuyệt vời”, bác Nguyễn Ngọc Dũng chia sẻ.
Sau nhiều năm dành tình yêu cho chiếc đàn guitar, giữa tháng 1/2025, anh tâm huyết ra mắt album đầu tay mang tên “Dao Nhu Khanh Plays Dang Ngoc Long”, như một lời tri ân những người đã đồng hành cùng anh trên chặng đường âm nhạc... Nghệ sĩ Đào Như Khánh cho biết, album thuộc thể loại độc tấu guitar, với 5 tác phẩm được sáng tác và chuyển soạn bởi Giáo sư, nhạc sĩ Đặng Ngọc Long (Hiệu trưởng trường Âm nhạc Berlin-Gesundbrunnen, Cộng hoà Liên bang Đức). Điểm nhấn là những bản dân ca quen thuộc và đặc trưng của ba miền Bắc - Trung - Nam như: “Bèo dạt mây trôi”, “Ru con”, “Giận mà thương”… Những giai điệu được kết hợp hài hòa giữa chất liệu âm nhạc truyền thống Việt Nam và hòa âm đương đại phương Tây, mang đến âm thanh vừa gần gũi, thân thương; vừa mới mẻ, độc đáo.
Hình ảnh giới thiệu album đầu tay “Dao Nhu Khanh Plays Dang Ngoc Long”.
“Năm bản nhạc trong album không chỉ thể hiện niềm đam mê tôi dành cho cây đàn guitar cổ điển mà còn là lời tri ân sâu sắc tới những người thầy, bạn bè và khán giả đã luôn ủng hộ, đồng hành cùng tôi trên hành trình nghệ thuật. Tôi hy vọng công chúng sẽ có những phút giây thư giãn, hòa mình vào âm nhạc và cảm nhận vẻ đẹp của những làn điệu dân ca Việt Nam theo một cách rất mới”, nghệ sĩ Đào Như Khánh nói.
Anh nói, album đã có bước đầu thành công khi những cô bác lớn tuổi, đặc biệt là bố mẹ của anh, khi lắng nghe những bản nhạc do chính anh thể hiện, họ gật gù, ngân nga theo những giai điệu quen thuộc, gần gũi. Họ cũng không “quên” cảm thán, tò mò: Chỉ một cây đàn guitar sao có thể tạo nên những âm thanh tưởng chừng chỉ được vang lên từ những dàn nhạc “hoành tráng”?.. .
Video nghệ sĩ guitar Đào Như Khánh thể hiện bản nhạc "Morning Mai" trong album đầu tay:
Đặc biệt trong album đầu tay của mình, nghệ sĩ trẻ ưu ái đưa “Tổ khúc Kiều" (Suite Kieu), sáng tác của Giáo sư, nhạc sĩ Đặng Ngọc Long dựa trên kiệt tác văn học Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du (bản nhạc giúp anh đạt Giải Đặc biệt tại Cuộc thi Guitar quốc tế lần thứ 8 tổ chức tại Berlin, CHLB Đức) vào album đầu tay.
Anh cho biết, độc giả Việt Nam đã quen thưởng thức những câu thơ lục bát bất hủ về cuộc đời nàng Kiều đầy thăng trầm, gian truân, giờ đây, độc giả có thể “nghe” tác phẩm qua “Tổ khúc Kiều” của Giáo sư, nhạc sĩ Đặng Ngọc Long viết cho cây đàn guitar. Trong album này, công chúng bắt gặp những giai điệu gần gũi, giản dị nhưng được lý giải và thể hiện mới mẻ, giàu cảm xúc… Chẳng hạn trong “Tổ khúc Kiều” (gồm 7 chương), chất liệu âm nhạc truyền thống “lẩy Kiều” của Việt Nam hoà quyện hài hoà với hoà âm đương đại của Châu Âu, tạo nên một bản nhạc phong phú và đầy màu sắc. Song, mỗi chương mang đến một cảm xúc mới mẻ, riêng biệt, gợi nhiều suy ngẫm.
Tiêu đề các bản nhạc trong album đầu tay của nghệ sĩ guitar Đào Như Khánh.
Nếu chương I “Khúc dạo đầu” tạo ấn tượng mạnh với câu “lảy”: “Trăm năm trong cõi người ta, chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau, trải qua một cuộc bể dâu, những điều trông thấy mà đau đớn lòng…” thì chương II “Tuổi Thơ”, với quãng đồng âm kèm theo những nốt chấm phá, đã diễn tả cuộc sống nhẹ nhàng, êm đẹp, tràn ngập tình yêu thương của hai chị em Thuý Kiều. Giữa chương II bắt đầu xuất hiện sự mông lung và khó đoán định như dự cảm một điều gì đó sắp xảy ra với cuộc đời của Kiều và cuối chương II, giai điệu lại trở nên du dương như lời thề nguyền của nàng với Kim Trọng.
Chương III “Bão tố”, nghệ sĩ Đào Như Khánh mang đến cảm nhận rõ nét nhất sự pha trộn chất liệu âm nhạc truyền thống Việt Nam và màu sắc hoà âm đương đại của phương Tây. Khác hẳn so với những chương đầu, xuyên suốt chương này là những âm thanh dồn dập, quãng tăng giảm nghịch tai. Sự dồn dập ấy khắc họa rõ một tấn bi kịch của nàng Kiều với biến cố lớn của cuộc đời. Thêm vào đó, ta thấy được nỗi lòng của Thúy Kiều khi phải bán mình chuộc cha, sự bứt rứt, rối bời, sự đau khổ khi nàng vừa phải xa gia đình, vừa phải xa người mình yêu.
Hai chương cuối “Đoàn viên” và “Khúc vĩ thanh” tiếp diễn nét nhạc tươi vui, âm thanh của sự hạnh phúc khi cuối cùng nàng Kiều được trở về đoàn tụ với gia đình, gặp lại Kim Trọng. “Tổ khúc Kiều” kết thúc bằng những giai điệu thanh thoát, tao nhã, toát lên vẻ thanh cao của nàng Kiều… Bằng kỹ thuật Tremolo, lúc nhanh, lúc dồn dập với giai điệu cao dần, tác giả muốn mở ra cho thân phận Kiều một chân trời mới nhân văn và tươi sáng và kết thúc toàn bộ tác phẩm thông qua hợp âm thuận Asus2 mềm mại và tràn đầy niềm hy vọng.
Nghệ sĩ Đào Như khánh chụp ảnh kỷ niệm cùng bạn bè, đồng nghiệp sau buổi biểu diễn.
Đánh giá về album đầu tay của nghệ sĩ guitar trẻ, Hiệu trưởng trường Âm nhạc Berlin-Gesundbrunnen, Cộng hoà Liên bang Đức, Đặng Ngọc Long chia sẻ: “Khánh có kỹ thuật vững vàng, tiếng đàn tròn trịa và trau chuốt, thể hiện tình cảm đúng mực, đặc biệt các tác phẩm pha trộn chất liệu và hòa âm Á-Âu. Dù là một trong những nghệ sĩ guitar trẻ của Việt Nam được đánh giá cao trên trường quốc tế nhưng Khánh rất khiêm tốn, ham học hỏi, sáng tạo trong mỗi tác phẩm… Album “Dao Nhu Khanh Plays Dang Ngoc Long” bao gồm một số bài dân ca Việt Nam và ‘Tổ khúc Kiều’ những tác phẩm đòi hỏi người thể hiện có nhiều kỹ thuật cao cấp, xử lý khéo léo, có chất riêng... Nghệ sĩ Đào Như Khánh đã mạnh dạn ra album đầu tay là một quyết tâm dám nghĩ dám làm, Khánh có một tố chất của một nghệ sĩ guitar đích thực”.
Chặng đường tương lai có thể “không phủ hoa hồng”, nhưng với sự kỷ luật, thái độ nghiêm túc làm nghề, không chỉ nghệ sĩ guitar cổ điển Đào Duy Khánh, mà nhiều nghệ sĩ trẻ hoàn toàn có thể kỳ vọng, tin tưởng: Tiếng đàn guitar mộc mạc, cùng những làn điệu dân ca gần gũi, truyền thống của dân tộc có thể lay động và chinh phục trái tim nhiều đối tượng công chúng yêu nhạc.