An toàn về nhà đón Tết

Tết năm nào cũng vậy, luôn có những người không bao giờ đi hết được chặng đường trở về nhà quây quần bên người thân, mà nguyên nhân là do tai nạn giao thông.

Mỗi dịp Tết Nguyên đán, dòng người đổ về quê, mong được đoàn tụ bên gia đình, người thân sau một năm dài làm việc, học tập vất vả. Tuy nhiên, trong sự hối hả của những chuyến đi, tai nạn giao thông lại là một vấn đề đáng lo ngại. Năm nay, chỉ trong những ngày giáp Tết, hàng loạt vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng đã xảy ra, gây thương vong cho nhiều người và gây thiệt hại tài sản nặng nề.

Mới đây, sáng 23/1, một vụ tai nạn giao thông liên hoàn giữa xe ô tô kéo rơ moóc và xe tải đã xảy ra trên Quốc lộ 5, đoạn qua thành phố Hải Dương, khiến lái xe tử vong ngay tại chỗ do bị mắc kẹt trong cabin.

Ngày 24/1, trên Quốc lộ 26, tỉnh Đắk Lắk, một vụ va chạm giữa ô tô khách và xe đạp đã khiến một người đàn ông tử vong.

Tại tỉnh Bình Thuận, ngày 25/1, một vụ tai nạn liên hoàn xảy ra trên cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết. Xe khách chuyển làn không đúng quy định đã va chạm với hai xe khách khác, gây thiệt hại về phương tiện nhưng may mắn không có thương vong về người.

Chú thích ảnh
Tai nạn giao thông gây ùn tắc giao thông trên cầu Rạch Miễu kéo dài. Ảnh: TTXVN phát

Tại cầu Rạch Miễu (Tiền Giang), vào sáng 25/1, một tai nạn giữa xe máy và xe khách khiến người phụ nữ điều khiển xe máy tử vong tại chỗ. Đau lòng và ám ảnh nhất là hình ảnh các vật dụng, thùng quà của nạn nhân chở về quê đón Tết vương vãi trên cầu.

Trong các vụ tai nạn kể trên, dù nguyên nhân là gì, do chủ quan hay khách quan, do người điều khiển phương tiện thiếu quan sát, đi sai làn đường, chạy quá tốc độ hay là do không tuân thủ các quy định khi tham gia giao thông, thì kết cục đau lòng vẫn là thiệt hại về người và tài sản, càng đau lòng hơn khi Tết đã cận kề.

Lâu nay, vấn đề tai nạn giao thông dịp Tết đã là điều nhức nhối. Theo Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, toàn quốc đã xảy ra 541 vụ tai nạn giao thông, làm chết 214 người và bị thương 504 người. Trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, toàn quốc xảy ra 152 vụ tai nạn giao thông, làm chết 89 người, 111 người bị thương. Còn trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, toàn quốc đã xảy ra 216 vụ tai nạn giao thông, làm chết 121 người, bị thương 138 người.

Bản thân những con số thống kê hàng năm kể trên đã nói lên rất nhiều điều. Để giảm thiểu tai nạn giao thông và đảm bảo an toàn cho người dân trong dịp Tết năm nay, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện Công điện số 132/CĐ-TTg về nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Theo đó, các cơ quan chức năng cần có kế hoạch đáp ứng nhu cầu đi lại tăng cao, ứng phó hiệu quả với các hành vi vi phạm giao thông phổ biến trong dịp Tết, tăng cường lực lượng, phương tiện y tế để cứu chữa nạn nhân tai nạn, đẩy mạnh tuyên truyền an toàn giao thông qua các kênh truyền thông.

Thực hiện Công điện trên, cảnh sát giao thông các địa phương đã triển khai hàng loạt chiến dịch kiểm tra, xử lý vi phạm trên các tuyến đường trọng điểm, đặc biệt là những tuyến đường huyết mạch nối các tỉnh thành.

Điều đặc biệt là trong dịp Tết năm nay, lực lượng cảnh sát giao thông trên cả nước đã có thêm một công cụ “tiếp sức” trong ngăn chặn tai nạn giao thông. Đó chính là Nghị định số 168/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe (gọi tắt là Nghị định 168).

Mức phạt cao của Nghị định 168 đã tạo ra sức răn đe đáng kể cho người tham gia giao thông, tác động lớn tới ý thức của mỗi người khi di chuyển trên đường, dù là đi bằng phương tiện gì. Tình trạng phóng nhanh, vượt ẩu, vượt đèn đỏ đã giảm đáng kể, nhất là ở các thành phố lớn như Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh, nơi có lưu lượng giao thông lớn dịp Tết.

Chú thích ảnh
Vụ tai nạn ngày 25/1 làm kẹt xe nghiêm trọng kéo dài trên cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết. Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN

Theo thống kê của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, trong 2 tuần đầu năm 2025, kể từ thời điểm Nghị định 168 có hiệu lực, các ca nặng do tai nạn giao thông giảm xuống rõ rệt. Bên cạnh đó, tỷ lệ sử dụng bia rượu khi tham gia giao thông cũng giảm rõ rệt.

Tuy nhiên, trong khoảng thời gian cận Tết từ ngày 20 - 24/1, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cũng đã tiếp nhận tổng cộng 245 ca cấp cứu do tai nạn giao thông, chủ yếu là do uống rượu bia. Nguyên nhân là do uống rượu bia cũng là điều dễ hiểu trong thời gian này, khi nhu cầu họp mặt, ăn uống cuối năm tăng cao.

Do đó, có thể thấy chỉ có luật nghiêm minh thôi thì vẫn chưa đủ, còn cần cả một trong những yếu tố quyết định đến sự an toàn giao thông, đó chính là ý thức của mỗi người dân. Mặc dù đã có công cụ răn đe mạnh, mặc dù các cơ quan chức năng đã nỗ lực triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông, nhưng nếu không có sự hợp tác từ phía người dân, mọi nỗ lực đó sẽ trở nên vô ích.

Nhằm đảm bảo an toàn cho bản thân và cộng đồng để ai cũng có thể trở về nhà đón Tết an toàn và trải qua những ngày Tết trọn vẹn, mỗi người phải nâng cao ý thức chấp hành quy định an toàn giao thông. Chỉ khi ý thức của mỗi người được cải thiện, chúng ta mới có thể hy vọng vào một kỳ nghỉ Tết an toàn, không còn những vụ tai nạn đau lòng. Rộng hơn nữa, không chỉ là an toàn dịp Tết, mà còn là an toàn vào bất kỳ thời điểm nào trong năm.

Thùy Dương
Phòng ngừa tai nạn giao thông sau các bữa tiệc tất niên
Phòng ngừa tai nạn giao thông sau các bữa tiệc tất niên

Cận Tết, tình trạng người dân sử dụng rượu bia trong tiệc tất niên gia tăng, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) Hà Nội tăng cường tuần tra, xử lý nghiêm các vi phạm nồng độ cồn, bảo đảm an toàn cho người dân đón Tết.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN