Chuyển hóa Nghị định 168 thành văn hóa giao thông

Nghị định 168/2024/NĐ-CP ngày 26/12/2024 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông (thay Nghị định 100) triển khai từ ngày 1/1/2025 với quy định chặt chẽ và mức hình thức phạt "rất nặng" đã từng bước tạo được những chuyển biến tích cực, nhất là ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông ngày càng cao, tai nạn giao thông giảm mạnh.

Chú thích ảnh
Người dân dừng chờ đèn đỏ đúng vạch tại giao lộ Cộng Hòa - Ấp Bắc (quận Tân Bình). Ảnh: Mạnh Linh/Báo Tin tức

Tại TP Hồ Chí Minh, sau hơn 20 ngày triển khai, lực lượng Cảnh sát giao thông Thành phố đã lập biên bản hơn 30.800 trường hợp vi phạm, giảm 620 trường hợp so với thời gian liền kề, đáng chú ý tai nạn giao thông giảm mạnh đến 53%, số người chết giảm 39%, số người bị thương giảm 48%. Có thể nói những con số trên là minh chứng cho hiệu quả của Nghị định 168. 

Người tham gia giao thông chấp hành rất tốt các quy định dừng đúng vạch, chạy đúng làn đường, không "leo lề", không rẽ phải khi tín hiệu đèn đỏ, các phương tiện ô tô, xe buýt, xe du lịch dừng, đỗ lên xuống hành khách, di chuyển "hàng ngang"... cũng góp phần tạo nên những hình ảnh đẹp tại nhiều tuyến đường trong khu vực nội thành. 

Tuy nhiên, người dân còn băn khoăn, nhất là tại các thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh, việc triển khai Nghị định 168 trùng với thời điểm Tết có mật độ giao thông cao, nhiều hoạt động vận chuyển hàng hóa, lưu lượng tham gia giao thông của các phương tiện lớn cùng lúc làm gia tăng phần nào tình trạng ùn ứ, nhất là tại các ngã ba, ngã tư, vòng xuyến, tuyến đường trung tâm, khu vực mua sắm, tòa nhà cao tầng, nhà ga, bến xe, bến tàu...

Cùng với đó, việc ùn tắc giao thông thời gian gần đây còn do khu vực trung tâm Thành phố thường xuyên tổ chức các lễ hội, sự kiện; công tác tuần tra dẫn đoàn phải hạn chế lưu thông trên một số tuyến đường và điều tiết giao thông qua khu vực. Mặt khác, có thể thấy cơ sở hạ tầng giao thông tại các đô thị lớn, nhất là ở các khu vực trung tâm, đường lưu thông có tiết diện khá nhỏ (thường chỉ có 2 - 3 làn xe)...

Nhiều nghiên cứu cho thấy ùn tắc giao thông tác động rất lớn đến nền kinh tế của quốc gia. "Riêng TP Hồ Chí Minh, vấn đề ùn tắc giao thông có thể gây thiệt hại 6 tỷ  USD/năm", Tiến sỹ Trần Hữu Minh, Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia chia sẻ.

Từ khi triển khai Nghị định 168 đến nay, với các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn, các cơ quan chức năng của TP Hồ Chí Minh đã và đang nỗ lực đồng bộ nhiều giải pháp nhằm giải tỏa ùn ứ cục bộ.

Trong đó có việc lắp thêm đèn tín hiệu được phép rẽ phải khi đèn đỏ; tăng cường lực lượng chức năng tham gia điều tiết giao thông; chủ động chuyển đổi tính hiệu đèn cho phù hợp với tình hình thực tiễn gia thông tại các giao lộ; xây cầu, mở rộng đường, đưa vào vận hành tuyến metro số 1...

Nghị định 168 hướng đến bảo vệ tính mạng của người dân là thấy rõ, để phát huy những kết quả đạt được, đồng thời hạn chế ùn tắc, gây các tác động tiêu cực, Thành phố cần có thêm nhiều giải pháp mạnh mẽ hơn. Theo đó, Thành phố có thể thu hẹp vỉa hè để ưu tiên mở rộng lòng đường; hạn chế ô tô lớn ra vào các tuyến đường thường xuyên ùn ứ trong các khung giờ cao điểm; tăng cường lực lượng cảnh sát giao thông để điều hành, giải tỏa ùn tắc.

Nhiều người cho rằng, Thành phố cần phân phối lại phần đường cho xe gắn máy nhiều hơn; kiểm soát phạt thật nặng các trường hợp ô tô cố tình lấn làn chiếm hết phần đường xe gắn máy không còn chỗ để lưu thông. Hạn chế dừng, đỗ hay sử dụng 1 phần đường để thu phí ô tô; tăng cường lắp biển báo phụ cho phép rẽ phải (nhanh và tiết kiệm hơn lắp đèn tín hiệu) kết hợp tạo lối ưu tiên cho xe rẽ phải...

Về lâu dài, Thành phố cần quy hoạch "kéo giãn" các tòa nhà, nơi làm việc, trường đại học ra ngoài khu vực trung tâm thành phố; tăng cường các phương tiện giao thông công cộng nhỏ gọp, phù hợp với giao thông trong đô thị. Song song đó, cần tăng cường thông tin về tình hình giao thông các khu vực trung tâm, khu vực phía Đông - Tây, các tuyến đường có lưu lượng phương tiện xe đông để người dân chủ động lựa chọn lộ trình phù hợp, tạo ý thức, văn hóa giao thông từ chủ trương lớn.

Thanh Vũ (TTXVN)
Ý thức tham gia giao thông của người dân đã thay đổi rõ rệt
Ý thức tham gia giao thông của người dân đã thay đổi rõ rệt

Thượng tá Huỳnh Văn Tạo, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Tây Ninh cho biết, sau 21 ngày triển khai thực hiện Nghị định 168/2024/NĐ-CP ngày 28/12/2024 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe, có hiệu lực từ 1/1/2025, tình hình vi phạm hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh đã được kéo giảm, ý thức của quần chúng nhân dân trong việc chấp hành Luật Giao thông được nâng lên rõ rệt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN