Hình ảnh những "chiến sĩ áo trắng" ướt sũng mồ hôi, đôi tay phồng rộp, khắp người hằn vết phương tiện bảo hộ và lả đi trong cái nóng trên 40 độ C, khiến chúng ta không khỏi cầm lòng.
Làm việc trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, không kể ngày đêm, khối lượng công việc nhiều khiến không ít nhân viên y tế bị kiệt sức. Có lẽ, ở thời điểm ấy, chỉ vài phút được nghỉ ngơi và được cởi bộ đồ chống dịch ra khỏi người cũng là hạnh phúc đối với họ.
Thật xúc động khi trên mạng xã hội lan truyền bức ảnh một nhân viên y tế mặc bộ bảo hộ với dòng chữ đằng sau lưng áo: "Mệt chỉ là cảm giác" - một dòng chữ thể hiện lòng quyết tâm của các thầy cô giáo, sinh viên ngành y tế đang chống dịch ở tâm dịch Bắc Giang. Họ viết dòng chữ này nhằm động viên nhau hãy lạc quan, quên đi những mệt mỏi để hoàn thành nhiệm vụ.
Có lẽ, sự lạc quan ấy đã giúp họ chịu đựng được những bộ đồ kín mít dù nhiệt độ trong nhà có khi hơn 40 độ C. Chỉ cần vài phút được nghỉ ngơi, được ngả lưng trong giây lát ở bất kỳ chỗ nào có thể, xốc lại tinh thần, họ lại tiếp tục lao mình vào cuộc chiến nóng bỏng chống dịch. Có nhân viên y tế được truyền dịch vì kiệt sức, đã tháo kim truyền, tự mình đứng dậy, tiếp tục khoác lên mình bộ đồ bảo hộ kín mít. Tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc phòng dịch, đảm bảo an toàn cho bản thân, tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh, họ buộc phải "sáng tạo" trong việc chống nóng.
Hình ảnh những y bác sỹ dùng túi đá treo trước ngực, sau lưng, vác trên vai, kẹp vào hai cánh tay, dội nước lên người cho tỉnh táo để tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm cho người dân khiến nhiều người không cầm nổi nước mắt. Uống một ngụm nước cũng chẳng dễ dàng gì với họ bởi toàn thân bao kín đồ bảo hộ, khẩu trang. Với hai chai nước lủng lẳng bên hông, vòi được đưa thẳng lên miệng, giúp họ cầm cự làm việc trong điều kiện thời tiết nắng nóng.
Một nữ bác sĩ chia sẻ trên facebook cá nhân: "Ở đây chúng tôi quên mất khái niệm thời gian, ngày nghỉ cuối tuần lại là thứ gì đó rất xa xỉ, bởi toàn đội luôn phải trực chiến 24/24h, để phản ứng kịp thời khi bệnh nhân trở nặng. Nhiều đêm, dù hết ca trực, chúng tôi vẫn thức trắng để hỗ trợ đồng nghiệp vòng trong khi có bệnh nhân suy hô hấp, mệt mỏi".
Công việc của những “chiến sĩ áo trắng” thật bình thường nhưng cũng thật phi thường. Có lẽ không ai trong số họ là không hiểu rõ sự khó khăn vất vả, sự rủi ro khi làm việc ở tâm dịch. Vậy mà họ sẵn sàng dấn thân, chấp nhận sự hy sinh vì sứ mệnh bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Họ gác lại những công việc thường nhật bên người thân và gia đình, thậm chí phải gác lại cả hạnh phúc riêng tư để bám trụ nơi tuyến đầu chống dịch. Một gia đình cả vợ cả chồng là bác sĩ, cùng làm việc trong khu cách ly, đã nén nỗi đau, động viên nhau khi không thể về gặp mẹ lần cuối.
Một bé gái 20 tháng tuổi òa khóc đòi mẹ bế khi thấy mẹ xuất hiện trên tivi trong bộ đồ trắng, đeo khẩu trang. Rồi cả cặp vợ chồng bác sĩ chưa hết “tuần trăng mật” đã cùng viết đơn tình nguyện vào vùng dịch. Một chàng trai cạo trọc đầu để thể hiện quyết tâm trước khi "vào tuyến lửa". Một bác sỹ U80 đã viết thư tình nguyện được tới điểm nóng chống dịch cùng đồng nghiệp... Chính sự hy sinh thầm lặng của những con người kể trên đã giúp chúng ta vững tin hơn trên hành trình chiến đấu với dịch COVID-19.
Có lẽ, với “chiến sĩ áo trắng”, những khó khăn vất vả, những hiểm nguy rình rập khi đối mặt với dịch bệnh đã không làm họ chùn bước. Nhưng chắc chắn vào thời điểm nào đó, trái tim họ cũng sẽ nhói đau khi không thể về chịu tang mẹ, khi thấy hình ảnh đứa con nhỏ nằng nặc khóc đòi sữa mẹ; rồi cả những lo lắng cho sức khỏe của người thân mà họ không thể ở cạnh chăm sóc… Những nỗi niềm ấy được họ giấu kín vào trong, để tiếp tục trụ vững trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 chưa biết khi nào mới kết thúc. Quả đó là sự hy sinh thầm lặng, nhưng thật cao cả của những “chiến sĩ áo trắng”.
Không thể kể hết được những công sức, sự đóng góp của các “chiến sĩ áo trắng” nơi tuyến đầu chống dịch. Với sự cống hiến quên mình của họ, dịch COVID-19 đang từng bước được kiểm soát. Tuy nhiên, cuộc chiến này chưa thể hết gian nan, vì vậy, mỗi chúng ta không ai được phép chủ quan, lơ là, mà cần sự nỗ lực và quyết tâm cao nhất.
Hành động thiết thực với mỗi người lúc này là hiểu đúng và thực hiện nghiêm Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19. Chỉ như vậy, sự hy sinh to lớn và thầm lặng của những “chiến sĩ áo trắng” mới thực sự có ý nghĩa. Đây cũng là lúc mà các “chiến sĩ áo trắng” cần hơn bao giờ hết sự ủng hộ, sự chung sức chung lòng của cả cộng đồng. Hãy tiếp thêm sức mạnh cho họ bằng tình cảm yêu thương, quý trọng, để họ tiếp tục đứng vững nơi tuyến đầu chống dịch.
Xin được mượn lời Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong bức thi gửi các “chiến sĩ áo trắng” để thêm một lần tri ân họ: "Chiến trường nào cũng gian khổ, trận chiến nào cũng có những mất mát hy sinh; các anh, các chị và các bạn thực sự là những “chiến sĩ áo trắng” đang dấn thân thực hiện sứ mệnh cao cả của mình để bảo vệ sự an toàn của cộng đồng như lời dạy của Bác Hồ kính yêu".