Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định 615/QĐ-TTg hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho 7 huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao được áp dụng cơ chế, chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng theo quy định của Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP. Như vậy, một lần nữa, chính sách của Nhà nước lại hướng đến các huyện nghèo, nhằm xây dựng một hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất từ đó tạo sức bật cho huyện nghèo, đặc biệt là các huyện miền núi.
Sự thành công sau hơn 2 năm Nghị quyết 30a của Chính phủ về hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững dành cho 62 huyện nghèo trong cả nước đã thấy rõ trên từng dáng vóc của bản, của làng. Nguồn vốn lớn dành cho các huyện nghèo thực sự là cơ hội vàng, tạo nền tảng và động lực để các huyện nghèo thoát nghèo và vươn lên làm giàu, là cơ hội cải thiện đời sống của người dân. Và cải thiện bền vững bằng việc cho người dân “cần câu” chứ không phải là “con cá”, bắt đầu từ việc xóa nhà tạm, “an cư lạc nghiệp” đến các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nguồn nhân lực, dạy nghề…
Hiệu quả bước đầu của chính sách thiết thực và nhân văn khi đi vào cuộc sống đã hiển hiện. Đặc biệt, trong quá trình thực hiện, đã có sự tâm huyết cao của các cấp, ngành, từ chính quyền địa phương đến các bộ, ngành liên quan và ngay cả các nhà tài trợ, các doanh nghiệp, cả cộng đồng đều cùng nỗi niềm trăn trở làm sao để xóa nghèo bền vững cho huyện nghèo, cho người nghèo. Cả hệ thống chính trị tham gia hỗ trợ và vực dậy huyện nghèo với ý thức và tinh thần trách nhiệm cao. Tất nhiên, có nơi, có lúc cũng còn lúng túng, chậm trễ trong triển khai, còn có tâm lý ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước của một bộ phận người dân... Nhưng, tựu chung lại, rõ ràng những chính sách của Nhà nước hướng về huyện nghèo, người nghèo đã thực sự đang làm “thay da đổi thịt” nhiều làng quê nghèo của đất nước và nhận được sự đồng thuận và tin tưởng cao của toàn xã hội.
Xoá đói giảm nghèo là chủ trương lớn và xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta nhằm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người nghèo, thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển giữa các vùng, địa bàn và giữa các dân tộc, nhóm dân cư. Thành tựu xóa đói giảm nghèo của Việt Nam trong những năm qua cũng đã được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao. Chính sách của Nhà nước luôn hướng về dân và thực tế đã cho thấy, bên cạnh nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước, rất cần các tổ chức, doanh nghiệp, chính quyền, bộ, ngành… cùng cộng đồng, tiếp tục thể hiện trách nhiệm xã hội của mình, để cùng nhau vực dậy huyện nghèo, người nghèo.
Trân Chân