Tâm thế và nỗ lực khởi đầu năm học ‘bình thường mới’

Trong 1-2 ngày tới, học sinh cả nước sẽ bước vào năm học mới – năm học đổi mới giáo dục phổ thông và diễn ra trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn chưa hoàn toàn được khống chế.

Chú thích ảnh
Học sinh tiểu học trong ngày khai giảng. Ảnh minh họa: TTXVN

Trung tuần tháng 8 (thời điểm mà như mọi năm thì học sinh đã tới trường), Bộ GD- ĐT ban hành khung kế hoạch thời gian năm học 2020-2021 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Theo đó, năm học 2020-2021, học sinh sẽ tựu trường sớm nhất vào ngày 1/9/2020. Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định kế hoạch thời gian năm học đối với các bậc học cho phù hợp với thực tiễn của địa phương.

Ngay sau khi Bộ GD- ĐT ban hành khung kế hoạch thời gian năm học, đến giờ này, đa số các địa phương đã ấn định mốc tựu trường, ngày khai giảng theo đúng tinh thần của khung kế hoạch - tức là thời gian nghỉ hè của học sinh sẽ trọn vẹn là 3 tháng, chứ không bị cắt ngắn như các năm trước. Các địa phương cũng cân nhắc việc tổ chức “khai giảng online” hoặc khai giảng “offline” nhưng tổ chức ngắn gọn hết sức có thể, và thực hiện giãn cách, thậm chí chỉ ưu tiên cho những học sinh đầu cấp, học sinh lần đầu tới trường được có mặt tại lễ khai giảng, tuân thủ quy định giãn cách.

Giữa thời điểm dịch bệnh COVID-19 đang quay trở lại với diễn biến khó lường, thì việc Bộ GD-ĐT “kéo dài” thời gian nghỉ hè của học sinh, rút ngắt thời gian lễ khai giảng (hoặc chỉ tổ chức online như trên đã nói), được đánh giá là “hợp tình, hợp lý”. Kéo dài nghỉ hè, để thêm được thời gian an toàn cho học sinh và giáo viên, trong lúc chờ "cuộc đua" vaccine có kết quả. Khai giảng online cũng như vậy. Còn rút ngắn khai giảng chính là để bảo đảm an toàn, mà không “lấy mất” quyền lợi được tham dự nghi thức thiêng liêng trong cuộc đời học trò, nhất là với những học sinh đầu cấp hay học sinh lần đầu đi học. Việc giao quyền quyết định lựa chọn hình thức khai giảng là thống nhất với các chủ trương phân cấp, phân quyền trách nhiệm; đồng thời cũng phù hợp trong giai đoạn “bình thường mới” và chỉ đạo của Chính phủ về công tác khoanh vùng như "chia đám lửa lớn thành những đám lửa nhỏ" để vừa dập dịch vừa phát triển kinh tế xã hội.

Trách nhiệm hiện nay sẽ thuộc về mỗi địa phương, mỗi Ban giám hiệu nhà trường, mỗi giáo viên và thậm chí cả mỗi học sinh, phụ huynh. Đó là việc phải cân nhắc và quyết đoán trong lựa chọn hình thức tổ chức khai giảng phù hợp; là sự cảnh giác với dịch bệnh, chủ động phòng ngừa, tuân thủ quy định phòng dịch, sẵn sàng đối phó với tình huống dịch bệnh, thích ứng và vừa chống dịch vừa hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ năm học.

Chú thích ảnh
Khử khuẩn trong môi trường học đường. Ảnh: Lê Phú

Dịch bệnh vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường. Trên quy mô toàn thế giới, công tác nghiên cứu, sản xuất vaccine vẫn đang tiếp tục, nghĩa là không chỉ trong ngày khai giảng tới đây, mà năm học này, thậm chí có thể cả các năm học tiếp theo, việc dạy và học trong các nhà trường vẫn sẽ có thể phải song hành cùng tình hình dịch bệnh. Nhiệm vụ năm học của các cấp học cần có thêm nội dung về “thích ứng với tình hình mới” này.

Cũng vì vậy mà song song với các quyết sách về ngày khai trường, Bộ GD-ĐT cũng cần nhanh chóng hơn nữa trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cũng như các giải pháp kỹ thuật và chuyên môn để duy trì song song một chương trình giảng dạy, học tập trực tuyến, thậm chí cả cách đánh giá (thi cử) trực tuyến trên quy mô toàn quốc.

Giai đoạn cuối của năm học vừa qua, toàn ngành giáo dục đã nhanh chóng triển khai hình thức học tập từ xa (qua internet và truyền hình) để thích ứng với điều kiện dịch bệnh. Tuy nhiên, về lâu dài, để đào tạo trực tuyến trở nên bài bản, chủ động và hiệu quả, phù hợp với xu thế của thế giới, đặc biệt là để các kỳ thi, kỳ đánh giá chất lượng được chính xác, an toàn, thì không thể chậm chễ hơn nữa sự chuyển mình thật sự. “Chuyển mình” không chỉ trong đổi mới nội dung chương trình, sách giáo khoa, phương pháp giảng dạy… mà cả trong công tác quản lý giáo dục ở từng địa phương cũng như toàn quốc.

Bình tĩnh nhưng khẩn trương, không lơ là; xử lý những tình huống tức thì và dự đoán các khả năng của giai đoạn tiếp theo; đặt mục tiêu cụ thể trước mắt đồng thời với tương lai lâu dài … là tâm thế và hành động cần thiết, để toàn thể đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, các thầy cô giáo, học sinh và xã hội thực sự “ra trận”, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ năm học và giành chiến thắng trước “kẻ thù” COVID-19.

 

Thuỳ Hương
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch COVID-19
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch COVID-19

Tỉnh Thừa Thiên - Huế đã kích hoạt nhiều ứng dụng, tăng cường sử dụng công nghệ thông tin nâng cao hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.    

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN