Vào những năm 80 của thế kỷ trước, khi đất nước ta bước vào thời kỳ đổi mới hệ thống giao thông yếu kém, phương tiện giao thông thiếu thốn thì việc xuất hiện các loại xe gắn máy làm phương tiện giao thông đã cải thiện đáng kể tình trạng giao thông trì trệ có nguồn gốc từ thời bao cấp. Trong suốt 30 năm qua, bằng phương tiện xe gắn máy, mỗi người sử dụng phương tiện này cảm thấy việc đi lại trong vòng 100- 200 km đã không còn là vấn đề đáng phải bận tâm như trước đây. Theo đó, khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, giữa các địa phương đã được kéo gần lại. Xe gắn máy thực sự là phương tiện giao thông tiện lợi và mang tính chất đại chúng, phổ cập, góp phần tích cực tạo ra sự năng động trong giao thông, lưu thông.
Tuy nhiên, sự phát triển vô cùng nhanh chóng các loại phương tiện giao thông nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế và đời sống xã hội đã gây ra sự mất cân đối giữa các phương tiện giao thông với cơ sở hạ tầng giao thông. Hệ quả là trong khoảng 10 năm trở lại đây, tình trạng kẹt xe, ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông ngày càng trầm trọng, đã trở thành một vấn đề nan giải trong bài toán phát triển bền vững của nền kinh tế; là một “vấn nạn” đối với đời sống xã hội của cả nước và đặc biệt gay gắt đối với các đô thị lớn.
Các nhà quản lý, các nhà chuyên môn đã chỉ ra rằng, nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông chính là xe gắn máy. Theo thống kê, có đến 75% số vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe gắn máy; còn đối với sự “chiếm lĩnh” hạ tầng giao thông thì như tại TP. Hồ Chí Minh, với 4,5 triệu xe gắn máy đã chiếm 79% mặt đường. Và với tốc độ di chuyển như hiện nay, đặc biệt tại hai đô thị lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, xe gắn máy còn là nguyên nhân hàng đầu gây ra ô nhiễm môi trường, vi phạm Luật Giao thông, xâm phạm văn hóa giao thông và làm xói mòn văn minh đô thị.
Đường sá chật hẹp tất sẽ dẫn đến chen lấn, giành giật; tình trạng này có thể diễn ra ngay cả với người đi xe đạp. Tuy nhiên sự chen lấn của người đi xe đạp sẽ ít gây nguy hiểm cho người đồng hành. Ngược lại, sự tranh giành, lạng lách của người đi xe gắn máy đã tạo ra không biết bao nhiêu tai nạn thảm khốc cho chính bản thân người điều khiển phương tiện hoặc người đồng hành.
Nếu nhìn nhận một cách khách quan thì tình trạng tai nạn giao thông ngày càng gia tăng ngoài nguyên nhân hàng đầu là xe gắn máy còn có nguyên nhân quan trọng là cơ sở hạ tầng đường sá không đảm bảo. Vì vậy, để giảm bớt tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, lập lại kỷ cương trên lĩnh vực giao thông và xây dựng văn hóa giao thông cần phải đồng thời làm hai việc là hạn chế dần tiến tới cấm xe máy ở một số khu vực, một số con đường tại các đô thị lớn và qui hoạch, xây dựng hạ tầng giao thông hợp lý, đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, với sự phát triển xe gắn máy (cả lắp ráp trong nước và nhập khẩu) như hiện nay, sẽ không có hạ tầng giao thông nào đáp ứng nổi. Vì vậy cần phải có biện pháp hạn chế phương tiện cá nhân, trước hết là xe máy và sau đó là ô tô cá nhân, phát triển nhanh phương tiện vận tải hành khách công cộng, mà trước hết là xe buýt.
Do đó các cơ quan hoạch định chính sách cũng cần qui hoạch “lộ trình” cho xe gắn máy. Cách làm mang tính chất thăm dò của TP. Hồ Chí Minh là vận động cán bộ, công chức và người dân mỗi tuần một ngày đi lại bằng xe buýt là biểu hiện một tầm nhìn sâu sắc đối với “sứ mệnh” của xe gắn máy.
Nguyễn Quang Vinh