Rủi ro khó lường của chiến tranh thương mại

Gần một tháng đã trôi qua kể từ ngày 6/7 - khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có động thái đầu tiên châm ngòi cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc. Không tiếng súng, không tiếng bom, không đổ máu nhưng chiến tranh thương mại không vì thế mà bớt nguy hiểm hơn chiến tranh thực sự. Nó đang và sẽ để lại những vết thương sâu trên nền kinh tế toàn cầu.

34 tỷ USD là giá trị hàng hóa Trung Quốc mà Tổng thống Trump áp mức thuế 25% trong giai đoạn đầu tiên, coi đây là điều cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia và tài sản trí tuệ của doanh nghiệp Mỹ, đồng thời giúp giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc. Đây được coi là biện pháp bảo hộ thương mại mạnh nhất trong gần một thế kỷ qua. 
 
Đáp lại, Trung Quốc cũng có đòn trả đũa tương xứng với các sản phẩm Mỹ, cũng áp mức thuế 25% với các hàng hóa Mỹ như ô tô, sản phẩm nông nghiệp.
 
Không còn nghi ngờ gì nữa, Mỹ và Trung Quốc đã chính thức “lâm chiến” trên chiến trường thương mại. Thay vì dùng bom đạn, họ dùng thứ vũ khí là thuế quan, hạn ngạch để chĩa vào nhau, gây thương tích cho nền kinh tế của nhau. 
Cuộc chiến đã khiến cho nền kinh tế hai nước và toàn thế giới xáo trộn. Các doanh nghiệp, các nhà kinh tế vắt óc nghĩ cách hạn chế tác động tiêu cực từ xung đột.
 
Người Mỹ xuất khẩu tới Trung Quốc chủ yếu là sản phẩm nông nghiệp như đậu nành, hay ô tô, máy bay Boeing. Các ngành này ở Mỹ đang chịu ảnh hưởng trực diện. Nông dân trồng đậu nành vùng Trung Tây Mỹ có thể cảm nhận rõ nhất hậu quả, khi mà giá đậu nành đã giảm tới 20%. Các công ty Mỹ đang “toát mồ hôi” khi nghĩ về ảnh hưởng của thuế quan và cuộc chiến thương mại với mức cầu, giá cả và chuỗi cung cấp.
 
Người Trung Quốc xuất khẩu tới Mỹ các loại công nghệ như điện thoại thông minh, máy tính bàn, máy tính bảng. Những mặt hàng này là một phần của chuỗi giá trị toàn cầu mà Trung Quốc đứng ở cuối chuỗi. Chiếc điện thoại “made in China” nhưng trong đó có vô số bộ phận được sản xuất và lắp ráp tại nhiều nước, như Hàn Quốc, như Nhật Bản. Vì thế, không chỉ Trung Quốc, nhiều nước khác cũng bị thiệt hại ngoài dự kiến. “Thương vong” này sẽ xảy ra ở nhiều nơi, gồm cả những doanh nghiệp Mỹ đang hoạt động ở Trung Quốc. 
 
Mọi chuyện sẽ chưa dừng ở đây, sẽ có nhiều “phát súng” nữa từ hai phía. Phát súng thứ hai mà Mỹ tuyên bố sẽ là áp thuế lên số hàng hóa trị giá 50 tỷ USD của Trung Quốc, rồi sau đó có thể sẽ là con số 200 tỷ USD trong tháng 9 tới. Như vậy, trong vòng ít nhất là nhiều tháng nữa, Mỹ-Trung và cả nền kinh tế toàn cầu sẽ bị khóa chặt trong tình thế chiến tranh thương mại. 
 
Trong tình hình đó, có lẽ ít ai tin vào lời ông Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross khi ngày 2/8 ông nói rằng mức thuế mà Mỹ áp đặt lên hàng hóa Trung Quốc sẽ “không thể dẫn tới thảm họa” và rằng đây là thời điểm hợp lý để gia tăng sức ép với Trung Quốc, buộc nước này “điều chỉnh thái độ”.
 
Trái với nhận định “không dẫn tới thảm họa” của ông Ross, nhiều chuyên gia cho rằng cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung sẽ biến đổi, định hình lại nền kinh tế toàn cầu và chúng ta cần phải chuẩn bị tâm thế. Điều rất không may là chiến tranh thương mại lại diễn ra vào thời điểm kinh tế toàn cầu đang tận hưởng giai đoạn tốt nhất trong nhiều năm trở lại đây. 
 
Cuộc chiến này dường như là dấu hiệu cho thấy tăng trưởng toàn cầu đồng bộ sẽ đi tới hồi kết. Đà tăng trưởng có thể sẽ kéo tới năm 2019 nhưng sau đó sẽ chậm dần và vật cản chính là cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Nếu các đe dọa áp thuế lẫn nhau giữa Mỹ và Trung Quốc đều thành hiện thực, thì sản lượng toàn cầu sẽ giảm 0,1% vào năm 2020. Con số này có vẻ không lớn nhưng theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, nếu niềm tin toàn cầu bị lung lay bởi những đòn thuế quan qua lại giữa Mỹ và Trung Quốc, thì GDP toàn cầu có thể giảm 0,5%, tức 430 tỷ USD vào năm 2020.
 
Có thể thấy chắc chắn một điều rằng chiến tranh thương mại không phải là tin vui với bất kỳ quốc gia nào, kể cả những quốc gia nhìn bề ngoài thì có thể là đắc lợi trong cuộc chiến đó. Vì sự đắc lợi đó chỉ là nhất thời, là ngắn hạn. Còn trong dài hạn, tất cả sẽ bị chi phối bởi xu thế chung đi xuống của kinh tế toàn cầu, một khi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung chưa có lối thoát.
 
Với Việt Nam, kể từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới tới nay, Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, và chắc chắn cũng sẽ không thể vô sự trong một cuộc chiến thương mại, nhất là cuộc chiến giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Càng hội nhập sâu thì mức độ ảnh hưởng càng lớn và càng kéo dài. 
 
Trong tương quan với Trung Quốc, các chuyên gia dự báo tình hình nhập siêu của Việt Nam với nước này sẽ trầm trọng hơn vì hàng hóa Trung Quốc không xuất sang Mỹ sẽ đổ sang các nước khác, trong đó có Việt Nam. Chiến tranh thương mại khiến đồng nhân dân tệ mất giá, làm cho hàng Trung Quốc ở Việt Nam vốn đã rẻ nay sẽ càng rẻ hơn, gây khó cho doanh nghiệp Việt trong cạnh tranh trên chính sân nhà. Hàng Việt cũng sẽ gặp khó khi cạnh tranh với hàng Trung Quốc giá rẻ ở thị trường ngoài Mỹ. Ngoài ra, xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc sẽ khó khăn hơn do Trung Quốc dư thừa hàng hóa, buộc phải để tiêu dùng trong nước nên hàng Việt cũng lại khó cạnh tranh trên đất người.
 
Còn trong tương quan với Mỹ, chưa chắc hàng xuất khẩu của Việt Nam có thể có cơ hội thế chân hàng Trung Quốc vào Mỹ nhiều hơn. Thậm chí, các chuyên gia đánh giá nếu có cơ hội thì cũng không chắc các doanh nghiệp Việt có chớp lấy được không. Hơn nữa, còn một mối lo lớn là hàng Trung Quốc có thể đội lốt hàng Việt Nam để xuất vào Mỹ. Do đó, có thể doanh nghiệp Việt lại phải cất công chứng minh hàng hóa của mình không dính dáng tới Trung Quốc trước khi được xuất vào Mỹ.
 
Phân tích sơ qua đã đủ thấy có nhiều điều mà Việt Nam phải chuẩn bị và lường trước trong khi Mỹ và Trung Quốc ngày càng dấn sâu vào xung đột. Dù sức ép mà cuộc chiến thương mại này gây ra với nền kinh tế Việt Nam ở mức độ thế nào thì điều quan trọng nhất vẫn là thực lực và sự chủ động của chính các doanh nghiệp Việt. 
 
Chỉ mong sao, Mỹ và Trung Quốc sớm nhận ra cái giá của chiến tranh thương mại với bản thân và với kinh tế toàn cầu trước khi quá muộn. Cần lưu ý rằng trước đây, chiến tranh thương mại từng là một trong những ngòi nổ làm Thế chiến thứ hai bùng phát.
 
Vậy lối thoát cho cuộc chiến là gì? Chính Bộ trưởng Thương mại Mỹ Ross đã từng ám chỉ: Bất kỳ cuộc chiến tranh nào cũng đều kết thúc bằng đàm phán. Chỉ có điều Mỹ và Trung Quốc cần đàm phán kết thúc cuộc chiến không súng trước khi tất cả đều bầm giập.
 
Thùy Dương
Hàng Trung Quốc sẽ tuồn sang Việt Nam để xuất đi Mỹ, tránh chiến tranh thương mại?
Hàng Trung Quốc sẽ tuồn sang Việt Nam để xuất đi Mỹ, tránh chiến tranh thương mại?

Nguy cơ hàng Trung Quốc tuồn sang Việt Nam để được hưởng các ưu đãi xuất đi Mỹ là một minh chứng cho thấy chiến tranh thương mại đang cận kề. Việt Nam phải có những giải pháp để kiểm soát tình trạng gian lận xuất xứ hàng hoá.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN