Mấy ngày nay những người quan tâm đến “cụ rùa” Hồ Gươm chắc đã thở phào khi mà rùa đã được đưa vào “bệnh viện” để điều trị. Tình trạng sức khoẻ của rùa cũng không đến nỗi tệ quá, rùa vẫn còn khoẻ, và như nhiều người quen nhìn các loại rùa, ba ba, cua đinh thì rùa được đưa lên hôm chủ nhật vừa qua chưa phải đã là “cụ” trong thế giới loài rùa.
Nhưng một tin vui hơn nữa, là trong Hồ Gươm có thể còn có ít nhất một “cụ” rùa nữa, to hơn; hiện các cơ quan chức năng đang tìm kiếm. Theo thông tin từ những người trong cuộc vây bắt rùa thì họ đã nhìn thấy “cụ” rùa này. Và nếu “cụ” rùa thứ hai hiện hữu thì ta cũng có thể hy vọng rằng, trong hồ Gươm có thể còn hàng chục, thậm chí nhiều hơn những con rùa mai mềm là con, là cháu chắt, chút chít… của những “cụ” rùa mà ta đã nhìn thấy.
"Cụ" Rùa đã được đưa vào trong chiếc bể ở chân tháp Rùa, nơi tiến hành chữa trị, chăm sóc "cụ". Ảnh: Anh Tuấn - TTXVN |
Rùa Hồ Gươm đang được cho là vô cùng quí hiếm và có nguy cơ tuyệt chủng trên toàn thế giới nên việc bảo vệ rùa Hồ Gươm rất quan trọng. Và một khi chúng ta phát hiện ra trong Hồ Gươm không phải chỉ có một “cụ” rùa thì có lý để hy vọng rùa Hồ Gươm sẽ tránh được nguy cơ tuyệt chủng, Hồ Gươm sẽ trở thành một địa chỉ đặc biệt khi gắn liền với loài rùa mai mềm quí hiếm.
Đã có những ý kiến rằng, ở đâu đó ngay trên đất nước ta vẫn còn những con rùa mai mềm sinh sôi nảy nở; có thể cùng loài hoặc là cùng họ với rùa Hồ Gươm. Tuy nhiên, những con rùa Hồ Gươm luôn luôn đặc biệt bởi nó sống trong Hồ Gươm, nơi sinh ra huyền thoại đức vua Lê Thái Tổ sau khi đánh tan quân Minh xâm lược đã trả gươm báu cho rùa thần.
Đó là câu chuyện “ nằm lòng” của dân tộc ta, do vậy, mỗi người Việt Nam dù ở bất cứ chân trời góc bể nào khi nhớ về Hồ Gươm là nhớ đến rùa thần và đức vua yêu chuộng hòa bình. Vì thế rùa Hồ Gươm, nhất là khi đã được “phong” lên “cụ rùa” thì lại càng thu hút sự quan tâm đặc biệt của gần như toàn xã hội. Trong tâm linh mỗi chúng ta đều muốn hay là ước rằng những con rùa hiện diện hôm nay đều có một mối liên hệ nào đó với rùa thần.
Nhưng huyền thoại mãi vẫn là huyền thoại, còn một sinh vật hiện hữu dù có tạo cho chúng những mối liên hệ giữa tâm linh và lịch sử thì chúng cũng vẫn là một thực thể sống có nhu cầu hít thở, ăn uống và sinh sản; và đương nhiên là có sinh, có diệt. Việc nhiều người liên hệ trước mỗi sự kiện lớn của đất nước là rùa lại nổi cũng gây sự quan tâm của dư luận.
Nhưng nếu những ai quan tâm đến những sự kiện có vẻ huyền bí như vậy nên nhớ rằng, rùa là loài thở bằng phổi nên phải ngoi lên mặt nước để thở, cũng giống như cá voi vậy. Rùa nổi nhiều hay ít, lâu hay mau là hoàn toàn phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe, khí hậu, thời tiết và môi trường. Vì vậy, rùa có thể nối lên thở bất cứ lúc nào không kể ngày đêm. Tuy nhiên chỉ ban ngày ta mới nhìn thấy rùa nổi.
Lich sử oai hùng của dân tộc luôn mang lại cho mỗi người lòng tự hào vô hạn, huyền thoại luôn nuôi dưỡng đức tin mênh mông trong lòng người. Nhưng một khi đức tin đó ký thác vào một sinh vật hiện hữu thì đức tin đã bị tầm thường hóa. Vì vậy, không nên gắn huyền thoại rùa thần với những con rùa mai mềm đang tồn tại trong Hồ Gươm, mà hãy coi chúng là một loài động vật quí hiếm có nguy cơ tuyệt chủng cần phải được bảo vệ theo pháp luật qui định.
Nguyễn Quang Vinh