Nhìn lại cao su miền Trung

Hai trận bão liên tiếp (10 và 11) đổ bộ vào miền Trung những ngày qua đã hạ gục hàng vạn ha cao su, nhiều hộ trồng cao su ở miền Trung, đặc biệt là ở hai tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị rơi vào cảnh tay trắng.


Thật đau lòng, rất nhiều hộ trồng cao su đã phải vay nợ, thế chấp nhà cửa, đầu tư hàng trăm triệu đồng, đổ bao sức lực, mồ hôi, thậm chí cả nước mắt với mong muốn đổi đời với “vàng trắng”… bỗng chốc trôi tuột theo bão!. Nhiều người ví, hậu quả người trồng cao su ở miền Trung phải gánh chẳng khác gì thảm họa. Theo nhiều chuyên gia nghiên cứu về cây cao su, cứ tính ở mức thấp nhất, mỗi ha cao su đang khai thác bị gãy đổ, dân sẽ mất 200 triệu đồng, thì chỉ riêng ở Vĩnh Linh, Quảng Trị (hơn 5.000 ha bị gãy đổ), con số thiệt hại của người trồng cao su còn lớn hơn cả ngân sách của tỉnh thu về trong cả năm 2013.


Phải thừa nhận, cao su là một trong những ngành sản xuất công nghiệp có thế mạnh ở Việt Nam. Lợi nhuận từ cây cao su không chỉ làm tăng kim ngạch xuất khẩu cho đất nước, mà còn thúc đẩy sự phát triển kinh tế, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người dân địa phương. Tuy nhiên, vì chạy theo phong trào, nên một số địa phương đã vội vàng phát triển cao su trên những vùng đất không phù hợp, chưa có sự thống nhất giữa các cơ quan chuyên môn về phương thức và địa bàn trồng… Bài học nhỡn tiền giờ đã hiển hiện: Tỷ lệ cao su bị chết khá cao, hoặc mất trắng do bão, lũ...


Điều đáng nói là thảm họa cao su ở miền Trung đã được cảnh báo trước, nhưng chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan đã bỏ ngoài tai. Ngay từ các kỳ họp Quốc hội các khóa XI, XII, việc các tỉnh Bắc Trung Bộ phá rừng lấy đất trồng cao su với lý do đây là rừng nghèo kiệt, được không ít đại biểu Quốc hội nêu ra trong nhiều phiên thảo luận về kinh tế - xã hội và các phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT). Rất nhiều ý kiến gay gắt rằng, vì sao ở nhiều nơi, rừng bị phá trồng cao su không phải là rừng nghèo kiệt.

Rồi, quy hoạch trồng cao su ở Bắc Trung Bộ là một tính toán phi kinh tế, liều lĩnh... Tuy nhiên, tình hình vẫn không thay đổi và nó được triển khai trong suốt thời gian dài. 10 năm trở lại đây, diện tích cao su tăng đột biến tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị. Người ta chặt cả tràm, bạch đàn, keo, thông, vườn cây ăn trái để trồng cao su chỉ vì “có nhiều nhà trồng cao su đang giàu lên”, mà không lường trước được hậu họa. Cơ quan chức năng cũng không hề đưa ra khuyến cáo; thậm chí ở nhiều địa phương, chính quyền còn khuyến khích người trồng cao su mở rộng diện tích. Mới đây, Tập đoàn Cao su Việt Nam còn đặt vấn đề với tỉnh Quảng Bình là tiếp tục mở rộng diện tích cao su của tập đoàn này trên đất Quảng Bình.


Để xảy ra hậu quả nêu trên, trách nhiệm thuộc về chính quyền địa phương và Bộ NN&PTNT, nhưng vai trò của Bộ NN&PTNT là không nhỏ vì bộ là cơ quan quản lý nhà nước về chuyên ngành phải có trách nhiệm xác định quy hoạch, kỹ thuật gieo trồng và quan trọng hơn là kiểm tra, giám sát chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện. Chưa nói đến hệ lụy xấu về môi trường do việc phá rừng tự nhiên trồng cây cao su gây ra, trước mắt tình trạng nhiều cánh rừng cây cao su bị gãy đổ sau mỗi cơn bão vừa qua ở khu vực Bắc Trung Bộ đang đẩy nhiều người dân khu vực vào tình cảnh rất khó khăn. Do vậy, Bộ NN&PTNT cần phải vào cuộc ngay và thể hiện trách nhiệm của mình trong việc hỗ trợ, đền bù cho những hộ trồng cao su rơi vào cảnh khốn khó. Mặt khác, Bộ NN&PTNT cần khẩn trương nghiên cứu để triển khai các giải pháp căn cơ, lâu dài cho vấn đề này. Bên cạnh đó, lãnh đạo các địa phương để xảy ra tình trạng phát triển cao su tràn lan, cần dũng cảm nhận trách nhiệm. Không thể khi hậu quả nghiêm trọng xảy ra, lại đổ lỗi cho người dân không thực hiện đúng quy hoạch…?


Hơn thế, việc quy trách nhiệm vào lúc này không quan trọng bằng việc tìm ngay biện pháp để khuyến cáo người dân không nên trồng lại cao su ở những vùng chịu bão mạnh, đồng thời cần lập lại quy trình trồng cao su thật chặt chẽ, nhằm hạn chế tối đa thiệt hại từ cây cao su không chỉ ở các tỉnh miền Trung, mà còn ở nhiều địa bàn khác trong cả nước.


Yến Nhi

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN