Nóng nhất trong mấy ngày qua là việc ngành điện thông báo giá điện “tăng 8,3%”, tuy nhiên, hóa đơn tiền điện của nhiều hộ dân phần lớn tăng từ 50 – 75% so với thường ngày, thậm chí tăng trên 100% đối với những hộ gia đình dùng nhiều hơn bình thường một chút do thời tiết nắng nóng.
Các chuyên gia đã chỉ ra nhiều vấn đề bất cập trong cách tính giá điện 6 bậc lũy tiến lỗi thời. Điều đáng nói ở đây chính là sự thiếu minh bạch trong thông tin đối với người dân của EVN. Mức tăng giá 8,3% thực chất là mức tăng giá điện cơ bản, được đi kèm với cách tính giá điện 6 bậc được xây dựng từ năm 2013 – vốn đã không còn phù hợp với nhu cầu sử dụng điện thực tế hiện nay tại Việt Nam.
Lẽ ra, ngành điện cần đưa ra con số thống kê mức tiêu thụ điện phổ biến dựa trên nhu cầu thiết yếu, chính đáng bình quân hàng tháng của mỗi hộ gia đình để xây dựng mức giá cơ sở (tạm gọi là bậc 1) thay vì giữ nguyên hạn mức 6 bậc tiêu thụ điện được xây dựng từ năm 2013. Vì rằng, cùng với sự phát triển chung, nhu cầu sử dụng điện thiết yếu của người dân nói chung cũng thay đổi theo, đòi hỏi “hạn mức phân phối” cũng cần phải điều chỉnh cho phù hợp.
Việc áp dụng cách tính 6 bậc theo tiêu chí vừa cũ vừa cứng nhắc buộc người dân hạn chế sử dụng điện một cách rất máy móc, thiếu tính toán khoa học, điều này không chỉ gây thiệt hại đối với người dân mà còn ảnh hưởng chung đến sự tăng trưởng kinh tế, hoàn toàn không phải là việc “tăng giá điện ai cũng được lợi”
Ngay cả trong phương án mua điện gió, điện mặt trời… ngành điện cũng xây dựng mức giá theo vùng rất bất hợp lý. Thay vì có mức giá thống nhất hoặc có giải pháp ưu tiên phát triển năng lượng sạch ở những vùng có lợi thế tự nhiên để đẩy mạnh quá trình xã hội hóa về sản xuất năng lượng thì ngành điện lại xây dựng một phương án ngược lại.
Giá mua điện mặt trời được ngành Công thương xây dựng trên cơ sở chia thành 4 vùng, căn cứ vào bức xạ mặt trời. Trong đó, vùng có bức xạ mặt trời cao nhất như Nam Tây nguyên, Nam trung bộ có giá thu mua điện thấp nhất, trong khi những vùng có bức xạ mặt trời thấp, không thuận tiện cho việc pháp triển điện mặt trời lại được thu mua giá cao, với lý giải “tạo ra sự hấp dẫn đối với vùng bức xạ thấp”.
Cách “tạo hấp dẫn” này chẳng khác nào cổ vũ cho khả năng leo cây của con cá trong khi lại tìm cách hạn chế khả năng leo cây của con khỉ. Vì rằng, nếu đặt mục tiêu phát triển năng lượng sạch và tìm kiếm nguồn điện năng bổ sung cho việc thiếu hụt điện của quốc gia, hơn ai hết, ngành điện phải hiểu rõ cần tạo điều kiện tốt nhất để phát triển nguồn năng lượng sạch ở những vùng có tiềm năng, lợi thế, điều kiện tự nhiên ưu đãi chứ không thể dùng “tiểu xảo” để hạn chế các nguồn lực xã hội khác nhằm duy trì thế độc quyền mà bỏ qua lợi ích quốc gia.
Việc ngành điện rót vốn đầu tư kinh doanh ngoài ngành vượt hạn mức quy định của Chính phủ dẫn đến thua lỗ nhiều nghìn tỷ đồng trong những năm qua, hệ lụy đó đến nay vẫn chưa giải quyết xong. Người dân hàng ngày vẫn đang phải “gánh chịu” trách nhiệm với ngành điện trong những khoản thua lỗ ấy trong chính hóa đơn tiền điện của mỗi gia đình. Thực tế này đòi hỏi phải có một cơ chế giám sát chặt chẽ hơn nữa nhằm hạn chế việc “độc quyền toàn diện” đối với ngành điện nhằm bảo đảm sự minh bạch trong hoạt động.
Điện lực là một ngành đặc thù, liên quan đến an ninh quốc gia và những khoản đầu tư hạ tầng cực lớn mà chỉ có Chính phủ mới có thể đảm đương được, điều này đòi hỏi Nhà nước phải giữ thế độc quyền đối với ngành điện năng. Tuy nhiên ngoài những vấn đề thuộc phạm vi an ninh quốc gia cũng như vấn đề về đầu tư hạ tầng, thì việc sản xuất, phân phối, kinh doanh điện cần có những chính sách riêng nhằm thúc đẩy quá trình xã hội hóa và phá bỏ thế độc quyền trong kinh doanh, tạo cơ chế minh bạch, có lợi cho người dân cũng như nền kinh tế đất nước.