John McCullock, anh bạn tôi làm phóng viên cho báo Washington Post ở London (Vương quốc Anh), vừa nhắn tin buồn bã nói rằng anh đã quyết định hủy vé máy bay về Mỹ để đón Giáng sinh và Năm mới cùng gia đình năm nay. Lý do là dịch COVID-19 bất ngờ tái bùng phát mạnh tại cả hai nước với sự xuất hiện của biến thể Omicron, nguy cơ phong tỏa, phải cách ly hay thậm chí không có chuyến bay khi John quay lại London sau kỳ nghỉ lễ là khá cao. John bảo anh ngày nào cũng sẽ gọi điện trực tuyến (livestream) và videocall với người thân ở Mỹ cho vơi nỗi nhớ nhà.
Trên thế giới, có lẽ cả triệu người gặp tình cảnh như anh bạn John của tôi. Đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và gây ra quá nhiều hệ lụy trong vòng hơn 1 năm qua. Tuy nhiên, cuộc sống và công việc vẫn phải tiếp diễn, thế giới đang từng bước chủ động thay đổi và thích ứng để “sống chung với đại dịch”.
Các lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2, đã "giáng một đòn mạnh" vào đời sống kinh tế - xã hội của thế giới, làm gián đoạn cuộc sống người dân, gây đứt gãy các chuỗi cung ứng và sản xuất, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hầu hết các nước. Theo tổ chức Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu ước tính thiệt hại khoảng 4,8 nghìn tỉ USD và mất đi gần 70 triệu việc làm trong năm 2021. Trong số 10 nền kinh tế lớn nhất hành tinh, chỉ có duy nhất Trung Quốc đạt mức tăng trưởng dương. Dịch COVID-19 đã xuất hiện tại 122 quốc gia/vùng lãnh thổ, khiến trên 277 triệu người mắc bệnh và trên 5,3 triệu người thiệt mạng.
Song nhìn lại chặng đường đã qua, thực tế cho thấy mô hình chống dịch "Zero COVID-19" (Không COVID-19) với các biện pháp phong tỏa và giãn cách khắc nghiệt, vốn đem lại hiệu quả tại nhiều nước trong năm 2020, đã không còn phù hợp trong năm 2021 nữa, do virus SARS-CoV-2 liên tục biến đổi và xuất hiện các biến thể mới dễ lây lan hơn, khiến dịch bệnh ngày càng phức tạp, khó lường.
"Chúng ta phải học cách sống chung với dịch, vì đại dịch còn lâu mới kết thúc” – tuyên bố ngày 19/7 của Thủ tướng Anh Boris Johnson có thể coi là dấu mốc đầu tiên đánh dấu “bước ngoặt” thế giới chuyển sang chiến lược mới trong cuộc chiến chống COVID-19. Đó là chiến lược hướng tới cuộc sống “bình thường mới”, chủ động thích ứng linh hoạt và sống an toàn giữa đại dịch. Hiện nay, hầu hết các nước đang theo đuổi xu thế này.
Hàng loạt sự kiện quan trọng, kể cả chính trị, kinh tế lẫn văn hóa diễn ra trực tuyến. Việc học tập, làm việc, thậm chí khám chữa bệnh từ xa đã trở nên quen thuộc. Giao dịch không dùng tiền mặt, hệ thống thanh toán không tiếp xúc hay thương mại điện tử lên ngôi. Hành vi tiêu dùng bền vững, hợp lý, tối giản hóa, có kế hoạch và đề cao tính thực tế trở thành xu thế chủ đạo… Rõ ràng thế giới đã chứng kiến những thay đổi mạnh mẽ, từ tư duy, nhận thức tới tâm lý, thói quen, lối sống của con người, và đây là sự thay đổi phù hợp để đáp ứng yêu cầu sống chung với dịch COVID-19. “Sống chung với đại dịch” giúp người tiêu dùng ngày càng quen thuộc với hình thức mua sắm qua mạng xã hội, trang web hay các ứng dụng bán hàng. Trường hợp của các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, chính là ví dụ điển hình cho thấy xu thế này.
Đó là những thay đổi cần thiết để thế giới chuyển mình thích ứng trong cuộc sống “bình thường mới”. Mùa Giáng sinh và Năm mới 2021 có thể kém vui đi một chút, không khí trong nhà ngoài phố phần nào bớt lung linh đi một chút, nhưng điều “bình thường mới” này lại góp phần đảm bảo an toàn sức khỏe cho mỗi người và cho xã hội. Mà xét trên một khía cạnh nào đó, dịch COVID-19 dường như đang định hình lại cách thức làm việc, giao tiếp và sinh hoạt của con người theo hướng tích cực hơn. “Nhờ” COVID-19, chúng ta ít phải chịu cảnh tắc đường, mọi người cũng bớt tất bật và có điều kiện “sống chậm” hơn, cũng không còn cảnh người chen người mua hàng trong những ngày hội mua sắm lớn như Black Friday, Giáng sinh hay Năm mới. Các sự kiện tập trung đông người trong mùa lễ hội cũng sẽ giảm bớt hoặc tối giản. Để tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh, người dân có thể đón Giáng sinh và cầu nguyện tại nhà chứ không tới Nhà thờ như truyền thống. Trong không khí Giáng sinh-Năm mới như vậy, thay vì nuối tiếc các sự kiện lớn không thể diễn ra, chúng ta hoàn toàn có thể cùng những người thân yêu nhất tổ chức bữa tiệc nội bộ gia đình, cùng nhau nhìn lại năm 2021 vừa qua với nhiều điều sẻ chia.
Dịp lễ hội cuối năm nay có thể ít tưng bừng hơn và đâu đó vẫn còn tiềm ẩn âu lo. Làn sóng dịch bệnh COVID-19 có lẽ chưa thể kết thúc trong thời gian ngắn. Trong năm 2022, cuộc chiến COVID-19 chắc vẫn cam go, người dân có thể vẫn sẽ phải giãn cách và đeo khẩu trang, nhiều sự kiện lớn có thể tiếp tục bị hủy bỏ hoặc tổ chức trực tuyến. Tuy nhiên, thế giới đang ngày càng thích ứng tốt với một cuộc sống như thế này và coi đó là điều bình thường. Một năm 2021 đầy sóng gió sắp qua đi, năm mới 2022 đang tới. Chúng ta tự tin và hy vọng những điều tốt đẹp nhất sẽ đến, thế giới sẽ bình an đi qua đại dịch COVID-19. Song để đi tới những ngày ấy, mỗi người, mỗi cộng đồng, mỗi quốc gia cần luôn đề cao tinh thần chống dịch và chủ động điều chỉnh để sống an toàn trong điều kiện “bình thường mới”.