Nhìn lại thời kỳ chúng ta triển khai đợt cao điểm tiêm vaccine COVID-19 mũi 1 và 2, tâm lý chung của người dân là hưởng ứng, mong mỏi đến lượt, thậm chí tự hào được gắn mác “đã tiêm chủng”. Chương trình tiêm chủng của chúng ta đã thực sự hiệu quả, tạo một hàng rào bảo vệ ngăn chặn làn sóng ca bệnh dồn dập gây áp lực quá tải lên hệ thống y tế ở nhiều địa phương, cũng như giảm mạnh số ca tử vong.
Nhưng hiện tại, khi chúng ta thực hiện chủ trương “sống chung” với đại dịch, một bộ phận không nhỏ người dân đang có tâm lý chủ quan, cho rằng tiêm hai mũi đầu đã là đủ, không muốn tiêm thêm một mũi nữa. Chưa kể tâm lý chủ quan đã khiến nhiều người mất cảnh giác, lơ là các biện pháp bảo vệ cần thiết như đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc, tụ tập đông người…
Đó là một tâm lý đã khiến nhiều quốc gia phải trả giá đắt. Trong mùa hè thu vừa qua, một làn sóng COVID-19 mới đã tấn công trở lại ngay cả những quốc gia có tỉ lệ tiêm phủ vaccine cao nhất thế giới như Israel, Singapore và nhiều nước châu Âu, Mỹ, đẩy số ca mắc và nhập viện tăng vọt. Ban đầu, người dân thế giới “ngơ ngác” không hiểu tại sao. Nhưng giới khoa học đã nhanh chóng lý giải: Tại những quốc gia triển khai sớm và nhanh chóng chương trình tiêm phòng COVID-19, hiệu lực bảo vệ của hai mũi vaccine đầu tiên đã giảm dần theo thời gian, khiến ngay cả những người đã tiêm đầy đủ vẫn nhiễm virus và mắc bệnh nặng phải nhập viện.
Lúc này khi biến thể Delta tiếp tục khiến ca mắc tăng ở nhiều khu vực đã trải qua làn sóng tồi tệ nhất, cộng với sự xuất hiện đáng lo ngại của biến thể mới Omicron, thì sự cần thiết phải tiêm mũi vaccine tăng cường đã trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. Mới đây nhất, hôm 8/12, hãng Pfizer/BioNTech thông báo các nghiên cứu phòng thí nghiệm sơ bộ cho thấy liều vaccine Pfizer thứ ba có thể tăng cường sự bảo vệ chống lại biến thể Omicron. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cũng đã khuyến nghị tiêm mũi vaccine tăng cường cho tất cả người trưởng thành.
Các nghiên cứu lâm sàng trong nhiều tháng qua cho thấy, số lượng kháng thể trong máu của người tiêm mũi vaccine cơ bản giảm dần theo thời gian (chẳng hạn với vaccine mRNA, hiệu lực bảo vệ có xu hướng giảm nhanh sau 6 tháng kể từ mũi tiêm thứ hai) và mũi tiêm tăng cường giúp khôi phục miễn dịch trước virus. Hai nghiên cứu riêng rẽ do Israel tiến hành, công bố hôm 8/12 cho thấy liều vaccine Pfizer tăng cường sẽ giảm nguy cơ nhiễm virus xuống 10 lần và giảm 90% nguy cơ tử vong do COVID-19.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đã khẳng định tiêm vaccine vẫn là giải pháp căn cơ để ứng phó với không chỉ biến thể Delta, mà cả những biến thể mới như Omicron. Và trên thực tế, nhiều quốc gia trên thế giới hiện đang vừa đẩy mạnh tiêm mũi vaccine cơ bản cho các nhóm tuổi nhỏ, vừa tiêm mũi tăng cường cho người trưởng thành nhằm củng cố "lá chắn" bảo vệ.
Tại châu Âu, hầu hết các nước triển khai chương trình tiêm chủng tăng cường cho người suy giảm miễn dịch, đội ngũ y tế tuyến đầu. Một số nước như Anh, Đức, Pháp đã mở rộng tiêm mũi tăng cường với người cao tuổi. Từ cuối tháng 7, Israel bắt đầu triển khai tiêm mũi vaccine thứ 3 cho những người trên 60 tuổi và từ cuối tháng 8, họ đi đầu trong tiêm mũi tăng cường cho những người từ 16 tuổi trở lên. Giới chức y tế Israel công bố dữ liệu cho biết các mũi tiêm tăng cường đã giúp nước này chống chọi với làn sóng dịch bệnh thứ 4 trong tháng 8 và tháng 9. Trong tháng 10, tỷ lệ người trên 60 tuổi chỉ tiêm 2 mũi vaccine mắc COVID-19 nghiêm trọng cao gấp 5 lần so với những người tiêm 3 mũi.
Tại châu Á, một loạt quốc gia như Campuchia, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản… đã triển khai chương trình tiêm mũi vaccine tăng cường, ban đầu là cho nhóm ưu tiên và sau đó là cho toàn dân.
Ở nước ta, đến ngày 8/12, thống kê của Bộ Y tế cho biết chúng ta đã tiêm phủ mũi 1 cho 97% người từ 18 tuổi, 70% người ở nhóm tuổi này đã tiêm đủ 2 mũi. Ở nhóm 12-17 tuổi, hiện đã tiêm được mũi 1 cho 5 triệu cháu, hơn 10% đã tiêm đủ 2 mũi. Tại Hà Nội và nhiều tỉnh thành phía Bắc, việc tiêm phủ vaccine rộng rãi đã làm giảm mạnh số ca chuyển nặng, nhưng tại TP.HCM và các tỉnh miền Đông, Tây Nam Bộ, số ca mắc COVID-19 tăng nhanh trở lại, nâng tổng số mắc mới hằng ngày gần bằng giai đoạn cao điểm dịch, kéo số ca tử vong tăng theo. Chính vì vậy kế hoạch tiêm mũi tăng cường cần phải được tiến hành nhanh hơn.
Mũi vaccine thứ ba được chỉ định tiêm trước cho những người bị suy giảm miễn dịch như bệnh nhân ung thư, nhiễm HIV, suy thận.. ở thời điểm 28 ngày sau mũi thứ hai (được gọi là mũi bổ sung); tiếp theo là lực lượng tuyến đầu, ở thời điểm đủ 6 tháng kể từ khi tiêm đủ 2 mũi (được gọi là mũi nhắc lại). Sau đó chúng ta sẽ triển khai tiêm vaccine mũi 3 cho toàn dân, dự kiến hoàn thành trong 2 quý đầu năm 2022.
Với những kinh nghiệm và bài học đã thu được từ chương trình tiêm mũi vaccine cơ bản, việc triển khai tiêm vaccine mũi thứ ba chắc chắn sẽ được thực hiện bài bản, hiệu quả hơn. Lúc này, người dân cần dẹp bỏ tâm lý chủ quan, xác định mũi tiêm nhắc lại là cần thiết trong cuộc chiến lâu dài chống lại đại dịch COVID-19.
Hai mũi vaccine cơ bản không phải là lá chắn hoàn hảo, bởi đại dịch còn kéo dài, với sự biến đổi khó lường của virus SARS-CoV-2. Việc duy trì các biện pháp bảo vệ thông qua hành vi, lối sống và tăng cường khả năng miễn dịch với liều vaccine nhắc lại là giải pháp căn cơ để chúng ta có thể “chung sống” với đại dịch trong thời kỳ bình thường mới.